MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Giải mã” hiện tượng doanh nghiệp giải thể ngày càng tăng mạnh

Có 97.838 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể trong 11 tháng...

Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chờ giải thể và hoàn tất giải thể vẫn chưa có dấu hiệu chững lại.

Số doanh nghiệp giải thể tiếp tục tăng mạnh

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 11 năm 2018, số doanh nghiệp được thành lập mới là 11.637 doanh nghiệp, tăng 6,5%. Lũy kế 11 tháng năm 2018, cả nước có 121.248 doanh nghiệp thành lập mới tăng 4,5%.

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 11 tháng năm 2018 là 3,4 triệu tỷ đồng, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: 1,2 triệu tỷ đồng của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 2,1 triệu tỷ đồng thông qua tăng vốn của các doanh nghiệp đang hoạt động.

11 tháng qua, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 31.869 doanh nghiệp, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, có đến 57.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 64% so với cùng kỳ năm trước; 25.977 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 24,8% và 14.861 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 37,4%.

Tổng cộng, có 97.838 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể. Con số này tăng 6,7% so với 10 tháng năm 2018 (91.711 doanh nghiệp).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, tất cả 17 ngành, nghề kinh doanh chính đều đang đối mặt với tình trạng số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể tăng cao trong 11 tháng 2018.

Bùng nổ doanh nghiệp kinh doanh bất động sản

Tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2017 ở 12/17 lĩnh vực kinh doanh chính, trong đó, nổi bật có ngành kinh doanh bất động sản có 6.423 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 41,7%; Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có 1.716 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 23,7%; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 20,8%.

Kinh doanh bất động sản cũng là ngành nghề có số vốn đăng ký lớn nhất với 375.064 tỷ đồng, chiếm 30,4% trên tổng số vốn đăng ký. Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ôtô, xe máy có 193.606 tỷ đồng, chiếm 15,7%; Xây dựng có 158.918 tỷ đồng, chiếm 12,9%; Công nghiệp chế biến, chế tạo có 140.411 tỷ đồng, chiếm 11,4%.

Về tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên 1 doanh nghiệp, các ngành có tỷ trọng cao như: Kinh doanh bất động sản đạt 58,4 tỷ đồng/doanh nghiệp; Sản xuất phân phối điện, nước, gas đạt 56,6 tỷ đồng/doanh nghiệp; Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đạt 18,5 tỷ đồng/doanh nghiệp; Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đạt 17,3 tỷ đồng/doanh nghiệp; Khai khoáng đạt 15,2 tỷ đồng/doanh nghiệp.

Đáng lưu ý, số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động ở lĩnh vực bất động sản tăng đến 94%. Khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo tăng 60,6%; Thông tin và truyền thông tăng 42,4% và Công nghiệp, chế biến, chế tạo tăng 32,5%.

Vì đâu doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể vẫn tăng mạnh?

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc gia tăng số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động do những hạn chế cố hữu của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chưa được giải quyết, dẫn đến năng lực cạnh tranh thấp. Trong đó, hạn chế về năng lực quản trị, đổi mới sáng tạo, năng suất lao động làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cụ thể, năng suất lao động Việt Nam thấp so với các nước trong khu vực, chỉ bằng 7% năng suất lao động của Singapore, 17,6% của Malaysia, 36,5% của Thái Lan, 42,3% của Indonesia, 56,7% của Philippines và bằng 87,4% của Lào.

Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu được Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố ngày 19/10/2018, điểm số Tính năng động của doanh nghiệp đạt 53,7/100 điểm, đứng thứ 101/140 nền kinh tế; điểm số Năng lực đổi mới của Việt Nam ở mức thấp, chỉ đạt 33,4/100 điểm, đứng thứ 82/140.

Đồng thời, còn tồn tại một bộ phận người dân thành lập doanh nghiệp và thực hiện các hoạt động kinh doanh bất chính (như mua bán hóa đơn VAT); những doanh nghiệp này sau đó ngừng hoạt động mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước.

"Trong mọi nền kinh tế thị trường luôn có một tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp bị giải thể, phá sản; việc đào thải, thanh lọc là một quy luật khách quan của nền kinh tế. Theo đó, những doanh nghiệp yếu kém, không đủ sức cạnh tranh sẽ bị loại bỏ để thay vào đó là những doanh nghiệp mới với những ý tưởng kinh doanh mới có chất lượng hơn", bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo bà Minh, vẫn còn những hạn chế gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, như: quy định pháp lý về đầu tư, kinh doanh vẫn còn những chồng chéo, bất cập; quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh vẫn là rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp; doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn lực như tín dụng, đất đai; hiện tượng nhũng nhiễu, gây khó dễ cho doanh nghiệp vẫn còn xảy ra...

Theo Kiều Linh

Vneconomy

Trở lên trên