Giải mã khoản mục trên Báo cáo tài chính của HAGL khiến bầu Đức phải giải trình 2 lần từ đầu năm đến nay
Nhờ khoản mục "Chi phí thuế thu nhập hoãn lại" mà kết quả kinh doanh năm 2021 của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) thay đổi từ "Lỗ trước thuế" chuyển thành "Lãi sau thuế". Ngày 6/5 vừa qua, HAG đã có văn bản giải trình lần 2 về các căn cứ xác định "chi phí thuế thu nhập hoãn lại" theo yêu cầu của Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh.
- 30-04-2022HAGL Agrico (HNG) lỗ ròng 113 tỷ trong quý 1/2022, tổng lỗ luỹ kế vào mức 3.539 tỷ đồng
- 28-04-2022Cổ phiếu HNG tiếp tục bị đưa vào diện cảnh báo, HAGL Agrico nói gì?
- 27-04-2022Bầu Đức muốn bán hết cổ phiếu HNG, không còn là cổ đông HAGL Agrico
Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (MCK: HAG) hồi tháng 3 đã công bố văn bản giải trình chi tiết liên quan tới chỉ tiêu thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất năm 2021 kiểm toán.
Theo đó, nhờ khoản thuế TNDN hoãn lại 259 tỷ đồng, doanh nghiệp này đang từ Lỗ trước thuế 131 tỷ đồng, bất ngờ đảo chiều thành lãi 127 tỷ đồng (công ty mẹ lãi 203 tỷ đồng).
Trích BCTC kiểm toán hợp nhất Hoàng Anh Gia Lai 2021 - đơn vị tính: ngàn VND
Trong văn bản giải trình hồi tháng 3 năm nay, HAGL trình bày 2 sự kiện tách - nhập xảy ra trong năm 2021 tác động đến chi phí thuế TNDN hoãn lại, đó là thanh lý nhóm công ty HNG và chuyển CTCP Chăn nuôi Gia Lai thành công ty con.
Thứ nhất: Về việc hoàn nhập chi phí thuế TNDN hoãn lại trên BCTC hợp nhất khi tập đoàn thanh lý nhóm công ty HNG trong năm 2021
Trong năm 2021, sau khi hoàn tất thoái vốn đầu tư vào nhóm công ty HNG, khoản đầu tư còn lại vào nhóm công ty HNG được trình bày là khoản đầu tư khác.
Theo đó, tập đoàn đã tiến hành hoàn nhập các khoản chi phí thuế TNDN hoãn lại liên quan đến các khoản như: Dự phòng các khoản đầu tư của HNG vào các công ty con của HNG trên cấp độ hợp nhất; Chi phí lãi vay vốn hoá của nhóm công ty HNG vào các vườn cây trên cấp độ hợp nhất; Lợi nhuận nội bộ chưa thực hiện phát sinh từ các giao dịch giữa nhóm công ty HNG và các đơn vị trong cùng tập đoàn trên cấp độ hợp nhất.
Trong năm 2021, sau khi hoàn tất thoái vốn đầu tư khỏi nhóm công ty HNG, tập đoàn đã tiến hành hoàn nhập các khoản chi phí thuế này trên báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất với khoản thuế TNDN hoãn lại các khoản dự phòng các khoản đầu tư 141 tỷ đồng, thuế TNDN hoãn lại của khoản chi phí lãi vay vốn hoá 120 tỷ đồng và thuế TNDN hoãn lại của khoản lợi nhuận nội bộ chưa thực hiện âm gần 75 tỷ.
Tổng cộng các khoản trên ghi nhận hơn 186 tỷ đồng.
Hình ảnh: Tỉnh ủy Gia Lai
Thứ hai, trong năm 2020, khi chuyển CTCP Chăn nuôi Gia Lai thành công ty con, tập đoàn đã tiến hành định giá lại giá trị hợp lý tài sản (bao gồm vườn cây ăn trái và dự án chăn nuôi) của đơn vị này tại ngày mua.
Chênh lệch giữa giá trị hợp lý trên báo cáo hợp nhất và giá trị tài sản thuần trên báo cáo riêng của Chăn nuôi Gia Lai làm phát sinh chi phí thuế TNDN hoàn lại đã được hạch toán trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020.
Trong năm 2021, tương ứng với các tài sản đã đưa vào khai thác cũng như đã bán trong năm, tập đoàn đã tiến hành trích thêm khấu hao của các vườn cây và đồng thời ghi nhận thêm giá vốn của dự án chăn nuôi vào báo cáo tài chính hợp nhất.
Vì vậy, phần chi phí thuế TNDN hoãn lại đã hạch toán trong 2020 cũng được hoàn nhập một phần tương ứng với số tiền gần 73 tỷ đồng.
Hình ảnh trang trại chăn nuôi bò của Hoàng Anh Gia Lai. Nguồn: xuanlocgialai
Ngày 6/5 vừa qua, theo yêu cầu HAG có văn bản giải trình gửi Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh về căn cứ xác định "Chi phí thuế TNDN" trong BCTC năm 2021. Trong đó, DN viện dẫn điều 52 và điều 19 của Thông tư 202/2014/TT-BTC Hướng dẫn phương pháp lập và trình bày Báo cáo tài chính hợp nhất.
Ý kiến của công ty TNHH Ernst & Young về giải trình này "Các nội dung trích dẫn từ thông tư 202/2014/TTBTC - Hướng dẫn phương pháp lập và trình bày BCTC hợp nhất được HAGL nêu trên, có liên quan tới khoản thuế TNDN hoãn lại trên BCTC đã được kiểm toán năm 2021 là phù hợp với các hướng dẫn mà chúng tôi đã tham chiếu tới trong quá trình kiểm toán BCTC năm 2021 của HAGL."
Báo cáo kiểm toán ghi nhận HAGL có lãi trong năm 2021 giúp công ty của bầu Đức thoát án huỷ niêm yết trên sàn HOSE khi đã thua lỗ 2 năm liên tiếp và công lớn thuộc về một khoản mục ít người để ý trên BCTC.
Đây là nghiệp vụ tài chính HAY nhưng tương đối KHÓ HIỂU với những người ngoài ngành. Trong phạm vi bài viết nhỏ, chúng tôi hi vọng mang lại cho bạn đọc những hình dung cơ bản về chi phí thuế TNDN hoãn lại.
Về bản chất, khoản mục này ra đời từ sự "vênh" giữa Thu nhập tính thuế theo quy định Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) với Lợi nhuận kế toán của công ty. Nó phản ánh sự khác biệt giữa chính sách kế toán công ty áp dụng và chính sách thuế ở một số những khoản thường gặp như chi phí khấu hao, chi phí dự phòng,...
Chuẩn mực kế toán số 17 Thuế TNDN viết rằng: Về nguyên tắc, khi ghi nhận một tài sản hay nợ phải trả trong báo cáo tài chính thì doanh nghiệp phải dự tính khoản thu hồi hay thanh toán giá trị ghi sổ của tài sản hay khoản nợ phải trả đó. Khoản thu hồi hay thanh toán dự tính thường làm cho số thuế thu nhập doanh nghiệp phải trả trong tương lai lớn hơn hoặc nhỏ hơn so với số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm hiện hành mặc dù khoản thu hồi hoặc thanh toán này không có ảnh hưởng đến tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ví dụ sau sẽ giúp các bạn hình dung:
Giả sử DN khấu hao đều
Công ty A mua mới tài sản cố định (TSCĐ) và muốn khấu hao nhanh TS (trong 3 năm), nhưng theo cơ quan thuế TS này khấu hao 5 năm mới hợp lý (do yếu tố công suất, sản lượng...). Về quy định của luật, khấu hao 3 hay 5 năm đều không sai, nhưng nó tạo ra sự khác biệt liên quan đến thuế TNDN phải nộp trong kỳ.
Chi phí khấu hao khác nhau theo 2 cách tính sẽ dẫn đến thuế TNDN và lợi nhuận sau thuế các năm khác nhau.
Từ năm thứ nhất đến hết năm thứ ba, chi phí khấu hao theo cách tính của doanh nghiệp cao hơn làm thuế TNDN thấp hơn. Sang năm thứ tư và thứ năm, ngược lại.
Chúng ta cùng xem sự khác biệt về lợi nhuận sau thuế giữa 2 cách tính trong 3 năm đầu:
Chênh lệch thuế TNDN phải nộp giữa 2 cách tính là 3,2 đồng
Trên nguyên tắc, tổng chi phí khấu hao cho vòng đời 1 tài sản dù nhanh hay chậm cũng không khác nhau, dẫn đến việc khác biệt về thuế TNDN ở từng năm chỉ mang tính chất "tạm thời".
3,2 đồng chênh lệch thuế TNDN chính là thuế TNDN hoãn lại, nó phát sinh vào 3 năm đầu và sẽ được thu hồi vào năm thứ tư và thứ năm khi chi phí khấu hao theo thuế lớn hơn chi phí khấu hao theo DN. Chính vì lý do đó, người ta cần ghi nhận nó lại trên BCTC như một tài sản.
Như trường hợp ví dụ, công ty đã tạm thời nộp thuế TNDN nhiều hơn trong 3 năm đầu và thu lại số tiền chênh lệch đó trong 2 năm tiếp theo, điều này sẽ tạo ra khoản Thu nhập thuế TNDN hoãn lại vào 2 năm sau.
Cũng có những trường hợp ngược lại, công ty tạm thời nộp thuế ít hơn những năm đầu và phải nộp "bù" vào những năm sau sẽ làm phát sinh khoản Chi phí thuế TNDN hoãn lại vào các năm sau.
Ý nghĩa "hoãn lại" của thuế TNDN chính là như vậy. Đây là 1 khoản mục khó nhưng hay, trong nhiều trường hợp, giống như chiếc đũa thần, có thể "hô biến" một DN lãi trước thuế thành lỗ sau thuế và ngược lại, lỗ trước thuế thành lãi sau thuế.
Nhịp sống kinh tế