Giải mã 'sức hút' địa phương liên tục lọt top 10 nhiều BXH, sắp có sân bay lớn nhất cả nước - thuộc 16 dự án được mong chờ nhất thế giới
Mặc dù là tâm dịch trong làn sóng dịch thứ 4, Đồng Nai vẫn ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong tăng trưởng kinh tế thời gian qua.
- 26-12-20215 quy định liên quan đến tiền lương đóng thuế thu nhập cá nhân NLĐ cần nắm rõ
- 26-12-2021Hàng nghìn container ùn ứ ở cửa khẩu Lạng Sơn được giảm phí lưu kho bãi
- 24-12-2021VNDIRECT dự báo tăng trưởng của các doanh nghiệp bán lẻ và phân phối sẽ ra sao năm 2022?
Kinh tế Đồng Nai năm 2021 sau thời gian bị COVID-19 'phủ bóng'
Thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cách trung tâm TP. HCM khoảng 30km, trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Đồng Nai luôn đạt mức cao và ổn định. Đồng Nai cũng là một trong 10 tỉnh, thành phố có đông dân cư nhất (hơn 2 triệu), là tỉnh có dân cư đô thị cao nhất (chỉ sau TP. HCM và Hà Nội - tỷ lệ đô thị hóa trên > 37%), dân số đô thị tăng trưởng cao (60% trong 10 năm).
Năm 2021, dù nhiều tháng liền thực hiện giãn cách xã hội nhưng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2021 đạt 707,8 nghìn tỷ đồng, tăng 4,45% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,1%.
Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2021 ước đạt 187.103 tỷ đồng, tăng 2,01% so với năm trước. Dù phải thực hiện giãn cách xã hội, nhưng Đồng Nai đã nỗ lực duy trì sản xuất ở mức cao nhất có thể.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh năm 2021 ước đạt 21,194 tỷ USD (tăng 12,76% so với năm 2020). Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ước đạt 19,943 tỷ USD (tăng 36,17% so với cùng kỳ). Cán cân thương mại hàng hóa năm 2021 ước tính xuất siêu đạt 1,251 tỷ USD.
Lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng có nhiều khởi sắc. Năm 2021, toàn tỉnh có 165 dự án của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới và đăng ký bổ sung thêm vốn. Trong đó, có 55 dự án cấp mới với tổng vốn đăng ký 450 triệu USD và 110 dự án đề nghị bổ sung vốn thêm 850 triệu USD.
Theo đó, thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh năm nay đạt 1,3 tỷ USD, vượt kế hoạch đề ra nhưng giảm nhẹ so với năm 2020. Nguyên nhân khiến thu hút đầu tư FDI năm nay giảm nhẹ là do dịch bệnh COVID-19, các nhà đầu tư FDI khó khăn trong việc đi lại ký kết hợp đồng. Bên cạnh đó, còn do các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh không còn nhiều diện tích đất để cho doanh nghiệp FDI thuê.
Các dự án FDI đăng ký mới và tăng thêm vốn đa số vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, bất động sản. Mới nhất, giữa tháng 11, Đồng Nai đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án nhà máy sản xuất, gia công KSM ENG Vina với 100% vốn Hàn Quốc, đóng tại KCN Giang Điền, huyện Trảng Bom với tổng vốn đầu tư 10 triệu USD (tương đương 225 tỷ đồng).
Liên tục thuộc top 10 với nhiều chỉ số
Thực tế, Đồng Nai từ lâu đã được đánh giá là tỉnh có sức hấp dẫn rất lớn với các nhà đầu tư trong nước và FDI, điều này được thể hiện qua số vốn của doanh nghiệp trong nước đầu tư vào tỉnh tăng đáng kể mỗi năm.
Năm 2020, tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt 28,5 tỷ USD, giảm 25% so với 2019 vì tác động của đại dịch COVID-19. Trong đó, vốn thực hiện đạt 19,9 tỷ USD. Đồng Nai xếpt hứ 7 trong top 10 tỉnh thành về thu hút FDI trên cả nước, với số vốn đầu tư là 928 triệu USD.
Đáng chú ý, theo kết quả công bố sơ bộ của Khảo sát mức sống dân cư năm 2020 của Tổng cục Thống kê, Đồng Nai là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao thứ 4 cả nước, đạt 5,62 triệu đồng/người/tháng. Con số này cao hơn bình quân chung cả nước là khoảng 1,37 triệu đồng/người/tháng.
Nếu xét với hai nhóm: thu nhập cao nhất và thấp nhất, thì nhóm hộ giàu nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất – nhóm 5) tại Đồng Nai có thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2020 đạt 10,025 triệu đồng. Con số này cao gấp hơn 3,8 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (nhóm gồm 20% dân số nghèo nhất – nhóm 1) tại Đồng Nai, với mức thu nhập đạt 2,6 triệu đồng.
Đặc biệt, Đồng Nai vẫn thuộc top 10 tỉnh thành có thu nhập bình quân trong nhóm hộ giàu nhất.
Cú hích từ dự án sân bay lớn nhất Việt Nam
Ngày 5/1/2021, lễ khởi công xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 đã được tổ chức tại Đồng Nai. Đây là dự án thuộc top 16 dự án sân bay được mong chờ nhất thế giới.
Sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng (tương đương 16 tỷ USD, áp dụng tỷ giá của năm 2014), trong đó giai đoạn một 114.450 tỷ đồng (5,45 tỷ USD). Tháng 11/2017, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành với tổng mức đầu tư gần 23.000 tỷ đồng.
Giữa năm 2018, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã ký hợp đồng với tư vấn JFV (liên danh nhà thầu Nhật - Pháp - Việt) để thực hiện gói thầu tư vấn khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn một.
Đầu tháng 11/2021, trong một hội nghị trực tuyến Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã nhấn mạnh, sân bay Long Thành là công trình trọng điểm của quốc gia có vai trò đặc biệt trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và cả nước, được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện để triển khai.
Hiện nay, chủ đầu tư cùng tỉnh Đồng Nai đang tiến hành công tác giải phóng mặt bằng. Tỉnh đã thu hồi 4.108 ha trong tổng 5.000 ha dự án, đạt gần 85% tiến độ. Song song với đó, gói thầu thiết kế kỹ thuật cũng đã được triển khai từ tháng 6/2021.
Mọi công tác thiết kế sẽ được đảm bảo tiến độ để có thể khởi công dự án vào tháng 3/2022 và hoàn tất vào 2025. Đối với gói thầu thiết kế cơ sở các công trình phụ trợ, ACV đã tổ chức đấu thầu quốc tế từ tháng 9 và dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 12/2022.
Ngoài ra, vừa qua UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương giao tỉnh này triển khai hai dự án: Tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – sân bay Long Thành và tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu.
Trong đó, dự án đường sắt nhẹ kết nối hành khách giữa Trung tâm TP HCM với sân bay quốc tế Long Thành dài hơn 37 km, dự kiến tổng vốn đầu tư 174 triệu USD.
Dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối đường sắt quốc gia với cảng Cái Mép và các cảng biển khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu có chiều dài 84 km, chia làm hai giai đoạn, dự kiến tổng vốn đầu tư là 2,47 tỷ USD.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, nếu được Chính phủ chấp thuận, tỉnh này sẽ khẩn trương lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đồng thời phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương liên quan sớm triển khai thực hiện.
Kế hoạch đưa ra là các dự án đường sắt này sẽ kịp thời vận hành vừa khớp thời gian sân bay Long Thành được xây dựng xong và đưa vào khai thác.