"Giải ngố" thuật ngữ Shark Tank cùng Shark Dzung: Founder sở hữu 46% cổ phần, Shark lấy 40% thì Founder còn lại bao nhiêu? Vì sao offer 1 tỷ đồng đổi 10% của Shark Dzung lại hời hơn 4 tỷ đồng đổi 40% của Shark Hưng?
Pre-money là gì? Cùng định giá công ty 10 tỷ, vì sao trong thương vụ gọi vốn của Printgo trên Shark Tank Việt Nam tập 15, offer 1 tỷ đổi lấy 10% của Shark Dzung lại hời hơn hẳn offer 4 tỷ đổi 40% của Shark Hưng? Cùng nghe Shark Dzung phân tích chuyện "hớ" của startup khi chăm chăm nhìn vào số tiền đầu tư hay Post-money mà quên hẳn tầm quan trọng của Pre-money…
Màn gọi vốn của Nguyễn Tuấn Anh - CEO Printgo - là thương vụ thứ 2 xuất hiện trong Shark Tank Việt Nam tập 15.
Printgo là nền tảng thiết kế, in ấn trực tuyến, đã có giai đoạn chạy thử nghiệm từ tháng 4 - 7/2019, phục vụ được 500 khách hàng và có hơn 20% khách hàng quay lại sử dụng dịch vụ. Công ty có 2 cổ đông gồm CEO Tuấn Anh và một nhà đầu tư thiên thần giữ 54% cổ phần công ty.
Shark Phạm Thanh Hưng – Phó Chủ tịch HĐQT Cen Group - là cá mập đưa ra đề nghị đầu tư đầu tiên và offer mức 4 tỷ cho 40% cổ phần hoặc 2 tỷ cho 20% cổ phần; 2 tỷ còn lại hoặc là chứng quyền, hoặc là Convertible Loan (khoản vay chuyển đổi).
Gia nhập cuộc đua, Shark Dzung Nguyễn - Giám đốc Quỹ đầu tư CyberAgent Việt Nam và Thái Lan (CAV) - đề nghị đầu tư 1 tỷ đổi lấy 10% cổ phần và tuyên bố "về định giá Pre-money đã hơn Shark Hưng"; 3 tỷ còn lại là một khoản vay theo KPI.
"Pre-money trong offer của Shark Hưng là 6 tỷ, của anh là 9 tỷ, gấp 1,5 lần Shark Hưng", Shark Dzung nói.
Pre-money là gì? Yếu tố này quan trọng thế nào trong gọi vốn?
"Pre-money là giá trị công ty trước khi nhà đầu tư bỏ tiền vào. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng trong gọi vốn mà đa số startup không biết nên hay bị "hớ", và đôi khi cả Shark cũng nhầm", Shark Dzung Nguyễn cho biết.
VÍ DỤ: Shark Hưng đề nghị rót 4 tỷ đổi lấy 40% cổ phần. Tức, Post-money (Giá trị công ty sau khi nhà đầu tư bỏ tiền) = 4 tỷ/40% = 10 tỷ đồng.
Vậy Pre-money trong offer của Shark Hưng sẽ là:
Pre-money = Post-money – Khoản tiền đầu tư = 10 tỷ - 4 tỷ = 6 tỷ đồng
Trong offer của Shark Dzung, Post-money vẫn là 10 tỷ đồng, nhưng Pre-money sẽ là:
10 tỷ - 1 tỷ = 9 tỷ đồng (gấp 1,5 lần Pre-money trong offer của Shark Hưng)
Nếu Shark Dzung đưa ra offer để Pre-money bằng với Shark Hưng (6 tỷ đồng) thì số cổ phần yêu cầu sẽ là:
Khoản tiền đầu tư/(Pre-money + Khoản tiền đầu tư) * 100% = 1/(1+6) * 100% = 14,3%
Đồng thời, cổ phần của nhà đầu tư cũ và Founder team sẽ bị dilute (pha loãng) như sau:
Như vậy có thể thấy, với offer của Shark Hưng, cổ phần của Founder và nhà đầu tư cũ bị pha loãng hơn rất nhiều.
Trong trường hợp nhà đầu tư cũ không muốn bị pha loãng cổ phần, thì có thể như Shark Dzung trong deal Luxstay, đề nghị nhà đầu tư mới mua lại một phần Secondary (cổ phần đã phát hành).
Có startup bị hớ khi Shark đưa offer 2 tỷ đổi 20% cổ phần, lại đàm phán để lấy 4 tỷ đổi 40%
Shark Dzung cho biết, rất nhiều trường hợp startup gọi vốn, vì không biết tầm quan trọng của Pre-money hoặc đơn giản cứ thấy 2 tỷ đổi 20% và 4 tỷ đổi 40% na ná nhau nên hay bị thiệt. Cho nên trên sóng truyền hình, anh luôn cố gắng giải thích hoặc cố vấn luôn cho startup hiểu.
Ví như trong thương vụ ống hút cỏ Green Joy Straw trên Shark Tank Việt Nam tập 8. Founder Nguyên Võ ở trạng thái "đẽo cày giữa đường" khi nhận được những offer giằng co gay gắt giữa Shark Dzung, Shark Bình và Shark Liên. Shark Bình thậm chí rời ghế nóng tiến đến sát Nguyên Võ để thuyết phục khiến "cá mập bà ngoại" nhiều lần lớn tiếng "mời Shark Bình về chỗ".
Trong sự bối rối đó, mặc dù đã được cả 3 Shark đề nghị đầu tư với tỷ lệ cổ phần như mong muốn, tức 2 tỷ đổi lấy 20%, nhưng Nguyên Võ đã đưa ra đề nghị 4 tỷ đổi lấy 40% để có sự chung tay của cả Shark Bình và Shark Liên. Đề nghị này khiến Shark Dzung phải cảm thán: "Đang giá trị 8 tỷ lùi xuống 6 tỷ". Khi Shark Liên ngỏ ý rót vốn một mình "vì không muốn thấy mặt Shark Bình trong dự án này", với tỷ lệ 4 tỷ đổi 40%, Shark Dzung đã lên tiếng tư vấn cho startup:
"Cơ hội của anh là số 0 rồi. Trong trường hợp này mình phải vớt vát giá trị bằng cách đứng bên tư vấn cho em. Shark Liên đang đầu tư 4 tỷ 40%, nếu giá trị doanh nghiệp tại thời điểm em đang gọi vốn là 8 tỷ trước khi có đầu tư, Shark rót 2 tỷ đổi 20% thành Post-money là 10 tỷ. Vậy vẫn giá trị trước khi đầu tư là 8 tỷ đồng không thay đổi, Shark Liên đầu tư 4 tỷ thì chỉ có 33%. 4 tỷ đổi 40% dẫn đến giá trị doanh nghiệp (Pre-money) bị giảm xuống 2 tỷ", Shark Dzung nói.
Anh đồng thời chia sẻ một nguyên tắc khi gọi vốn: "Shark tăng thêm tiền thì tỷ lệ của Shark tăng thêm, nhưng giá trị của em (Pre-money) phải không đổi, chứ không thể 2 tỷ đổi lấy 20% thì 4 tỷ tăng lên 40% như vậy".
CÔNG THỨC TÍNH CỤ THỂ: 4 tỷ đổi lấy 40% và 2 tỷ đổi lấy 20% thoạt nghe tưởng như tương đương (Post-money = 4 tỷ/40% = 2 tỷ/20% = 10 tỷ đồng), nhưng thực tế mức Pre-money chênh rất lớn, ảnh hưởng rất lớn tới tỷ lệ cổ phần sở hữu của Founder team và các nhà đầu tư xuống tiền trước đó.
- Với mức offer 2 tỷ đổi 20%:
Pre-money = Post-money – khoản tiền đầu tư = 10 tỷ - 2 tỷ = 8 tỷ đồng
- Với mức offer 4 tỷ đổi 40%:
Pre-money = 10 tỷ - 4 tỷ = 6 tỷ đồng
Như vậy để định giá Pre-money không đổi, nếu Shark tăng đầu tư từ 2 tỷ lên 4 tỷ thì Post-money phải là:
Post-money = Pre-money + Khoản tiền đầu tư = 8 tỷ + 4 tỷ = 12 tỷ đồng
Với định giá Pre-money như trên, cổ phần của Shark Liên khi rót 4 tỷ đồng là:
Khoản tiền đầu tư/Post-money = 4 tỷ/12 tỷ * 100% = 33%
Nhờ tư vấn của Shark Dzung, thương vụ gọi vốn của Green Joy Straw đã chốt lại với mức rót vốn 4 tỷ đổi 33% cổ phần từ Shark Liên.
Trí thức trẻ