Giải pháp nào để xử lý dứt điểm tình trạng cuộc gọi rác?
Tình trạng các cuộc gọi rác, cuộc gọi quảng cáo, tiếp thị chào mời sử dụng dịch vụ… tăng mạnh thời gian gần đây khiến người nghe rất khó chịu.
- 18-08-2022Làm CCCD gắn chip đã lâu nhưng chưa có, người dân có thể dùng giấy tờ gì thay thế các thủ tục hành chính?
- 18-08-2022Bất ngờ về 2 tỉnh lọt Top các bảng xếp hạng về chính quyền số
Khi việc mua bán SIM rác vẫn còn dễ dàng thì cuộc gọi rác vẫn còn xuất hiện. Ngoài ra, còn những nguyên nhân khác như dữ liệu cá nhân người dùng được rao bán công khai, việc xử phạt các thuê bao phát tán cuộc gọi rác, tin nhắn rác chưa thực sự quyết liệt...
Để chấn chỉnh tình trạng này, kể từ ngày 1/8, các nhà mạng phải xác thực thông tin thuê bao qua hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo đó, một SIM sẽ chỉ được đứng tên một người duy nhất.
Thiếu tá Hoàng Văn Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục C06, Bộ Công an - cho biết: "Thông qua xác thực thông tin, chúng tôi sẽ đảm bảo được dữ liệu của công dân tại các nhà mạng sẽ được xác thực một cách chính xác nhất, hạn chế tình trạng đăng ký nhiều SIM hoặc sử dụng các SIM rác".
Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến đưa tiêu chí phản ánh cuộc gọi rác từ người dùng là một trong các tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ của nhà mạng.
Ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông - khẳng định: "Trong quá trình phát triển thông tin thuê bao, thuê bao mới của các doanh nghiệp, chúng tôi sẽ cùng các doanh nghiệp rà soát hàng ngày. Như vậy sẽ giảm được tối đa lượng thông tin thuê bao không chính xác trên toàn mạng".
Đối với người dân, cơ quan chức năng khuyến cáo, cần cẩn trọng khi cung cấp thông tin cá nhân cho người khác, tránh để đối tượng xấu sử dụng thông tin, gọi điện làm phiền. Khi nhận được cuộc gọi rác, người dùng có thể phản ánh tới cơ quan chức năng.
Người dùng được khuyến cáo cẩn trọng khi cung cấp thông tin cá nhân cho người khác để tránh bị đối tượng xấu sử dụng thông tin, gọi điện làm phiền
Tuy nhiên, một khi việc quản lý dữ liệu cá nhân người dùng và quản lý mua bán SIM điện thoại chưa thực sự chặt chẽ thì người dân phản ánh cuộc gọi này sẽ lại có cuộc gọi khác phát sinh.
PGS.TS. Nguyễn Ái Việt - nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng: "Nếu chúng ta giải quyết được quyền bảo vệ thông tin riêng tư của cá nhân thì động lực để có nhiều số thuê bao phát sinh các cuộc gọi rác sẽ giảm xuống. Tuy nhiên, vẫn cần có một số giải pháp đồng bộ, phối hợp nhiều giải pháp khác nhau vào để giải quyết một vấn đề cũng như thật kiên quyết về việc thực thi thì tôi nghĩ là có thể làm được".
Từ cuối năm 2020, Nghị định 91 của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác có hiệu lực. Theo đó, gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong Danh sách không quảng cáo có thể bị phạt tới 100 triệu đồng.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, hệ thống của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp Không gian mạng Việt Nam đã tiếp nhận gần 95.000 phản ánh của người dân về cuộc gọi rác.
VTV