Giải pháp phân tích lợi nhuận đa chiều cho ngân hàng
Ông Trần Đình Vinh, Phó Tổng Giám đốc Khối Khách hàng Dịch vụ Tài chính, KPMG Việt Nam đã có những chia sẻ về mô hình phân tích lợi nhuận đa chiều cho ngân hàng mà KPMG phát triển gần đây.
Trong nhiều năm qua, hàng loạt phương pháp đã được phát triển để phân tích lợi nhuận của ngân hàng. Các phương pháp này chủ yếu tập trung vào việc giải quyết vấn đề phân bổ chi phí hoạt động, qua đó xác định lợi nhuận của sản phẩm và dịch vụ.Tuy nhiên các phương pháp hiện tại chưa thực sự liên kết chặt chẽ việc phân bổ chi phí với chiến lược kinh doanh và phân tích lợi nhuận một cách toàn diện.
Tiếp tục tiếp thu ưu điểm từ các phương pháp hiện tại, đồng thời kết hợp với các cải tiến của mình, KPMG phát triển mô hình phân tích lợi nhuận đa chiều nhằm cung cấp các thông tin phân tích lợi nhuận thấu đáo và toàn diện cho lãnh đạo ngân hàng.
Mô hình phân tích lợi nhuận đa chiều là gì?
Mô hình phân tích lợi nhuận đa chiều là tập hợp các chuỗi giá trị mô phỏng các khía cạnh hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Mô hình tổng hợp các yếu tố tạo ra giá trị thực sự trong từng khía cạnh kinh doanh và từ đó cung cấp thông tin phân tích lợi nhuận tương ứng để hỗ trợ hiệu quả cho việc thực hiện các quyết định chiến lược (Hình 1).
Tại sao chúng ta cần phân tích lợi nhuận đa chiều?
Mô hình phân tích lợi nhuận đa chiều được phát triển nhằm mục đích hỗ trợ ban lãnh đạo ngân hàng thực hiện các quyết định kinh doanh chiến lược. Thông qua phương pháp tiếp cận theo yếu tố tạo ra giá trị (driver-based approach), mô hình liên kết chặt chẽ giữa các hoạt động phát sinh chi phí với doanh thu được tạo ra từ các hoạt động này, qua đó cung cấp các thông tin hữu ích cho việc tối ưu hóa chi phí và nâng cao hiệu quả doanh thu.
Bên cạnh đó, mô hình được kỳ vọng sẽ khắc phục các nhược điểm của các phương pháp hiện tại với việc đơn giản hóa và nâng cao tính minh bạch trong quy trình phân bổ. Qua đó ngân hàng có thể tập trung nguồn lực cho việc phân tích và tối ưu hóa chi phí hoạt động thay vì phải tiêu tốn thời gian và nguồn lực cho việc truy nguyên quá trình phân bổ.
Làm thế nào để phân tích và xây dựng mô hình phân tích lợi nhuận đa chiều?
Tại KPMG, chúng tôi tin rằng một mô hình phân tích lợi nhuận đa chiều thành công được xây dựng dựa trên việc phân tích các yếu tố sau: sổ cái, cơ cấu tổ chức, chuỗi giá trị và chiều phân tích.
Cụ thể hơn, sổ cái sẽ được rà soát để xác định tất cả các đầu doanh thu và chi phí. Đồng thời, cơ cấu tổ chức sẽ được phân tích và chia thành 4 Khối: Khối kinh doanh; Khối hỗ trợ kinh doanh; Khối quản trị và Khối hỗ trợ chung.
Doanh thu và chi phí sẽ được phân bổ giữa các khối chức năng dựa trên một trật tự và các tiêu thức đã được xác định trước. Tại giai đoạn này, ma trận phân bổ và tiêu chí phân bổ tương ứng được KPMG xây dựng dựa trên cơ cấu tổ chức theo cấp độ phòng ban chức năng.
Sau khi hoàn thành việc phân bổ doanh thu và chi phí, các chuỗi giá trị sẽ được xác định cho mỗi chiều phân tích. Cuối cùng, các báo cáo lợi nhuận cho các chiều phân tích sẽ được phát triển chủ yếu dựa trên chuỗi giá trị đã được thiết lập này (Hình 2).
Các chiều phân tích
Cơ chế phân bổ của mô hình:
Phân bổ chi phí: Theo quan điểm của KPMG, việc tiếp cận dưới góc độ yếu tố tạo ra giá trị (driver-based approach) để phân bổ chi phí từ các bộ phận hỗ trợ đến các bộ phận kinh doanh là phương pháp hiệu quả, tăng tính minh bạch của quá trình phân bổ chi phí. Trong phương pháp này, chi phí trước tiên được xác định cho từng phòng ban chức năng trong 4 Khối đã được xác định từ trước. Tiếp theo các khoản mục chi phí từ Khối hỗ trợ chung sẽ được phân bổ qua Khối quản trị, Khối hỗ trợ kinh doanh và Khối kinh doanh. Các khoản mục chi phí trực tiếp của của Khối quản trị và Khối hỗ trợ kinh doanh, cùng với chi phí phân bổ từ Khối hỗ trợ chung tiếp tục được phân bổ cho Khối kinh doanh. Khối kinh doanh là khối cuối cùng nhận toàn bộ doanh thu và chi phí để hình thành lợi nhuận theo các chiều phân tích đã xác định trước.
Tiêu chí phân bổ: Theo quan điểm của KPMG, chúng tôi khuyến khích hạn chế số lượng các tiêu chí phân bổ nhằm mục tiêu đảm bảo tính minh bạch và tinh giản của quá trình phân bổ. Thông thường sẽ có 3 loại tiêu chí được sử dụng trong phương pháp phân bổ theo yếu tố ảnh hưởng của chúng tôi (tham khảo hình 3: các tiêu chí phân bổ tiêu biểu)
Các tiêu chí phân bổ tiêu biểu
Các giai đoạn triển khai mô hình
Theo quan điểm của KPMG, chúng tôi đề nghị phương pháp triển khai 2 giai đoạn trong quá trình phát triển mô hình phân tích lợi nhuận đa chiều. Giai đoạn 1, mô hình sẽ được thiết kế và kiểm thử trên một nền tảng đơn giản, dễ sử dụng để ngân hàng có thể đánh giá tính khả thi và phù hợp của mô hình với mục tiêu của ngân hàng. Giai đoạn 2, sau khi mô hình đã được thẩm định và xác nhận phù hợp, ngân hàng có thể triển khai tích hợp mô hình vào hệ thống của Ngân hàng với một giải pháp phần mềm quản lý lợi nhuận thích hợp.
Bài viết đầy đủ về giải pháp phân tích lợi nhuận đa chiều của KPMG có thể tham khảo tại: https://home.kpmg/vn/en/home/insights/2019/09/banking-mul-dimensional-profitability-model.html. Mọi thắc mắc về bài viết xin vui lòng liên lạc với KPMG qua địa chỉ: Bà Lưu Bảo Liên (lbluu@kpmg.com.vn) hoặc Ông Nguyễn Vũ Nguyên (nguyenvnguyen@kpmg.com.vn).