MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải pháp phục hồi ngành du lịch Đà Nẵng và du lịch Việt Nam sau dịch COVID-19

03-11-2021 - 15:25 PM | Bất động sản

Phục hồi ngành du lịch Đà Nẵng và du lịch Việt Nam sau dịch COVID-19. Ảnh: Thành Vân

Phục hồi ngành du lịch Đà Nẵng và du lịch Việt Nam sau dịch COVID-19. Ảnh: Thành Vân

Trong thời gian trước mắt, ưu tiên số một là duy trì khả năng tồn tại với việc tăng cường kiểm soát chi phí, đàm phán với các đối tác, mở rộng lĩnh vực kinh doanh để đa dạng nguồn thu, tìm hiểu mô hình kinh doanh mới.

Trong những năm cuối thời kỳ thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ngành du lịch đã có những bước phát triển vô cùng mạnh mẽ.

Năm 2019, du lịch Việt Nam đã đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 lượt triệu khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 755 nghìn tỷ đồng và được đánh giá là một trong 10 quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Du lịch đã khẳng định được vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội với tỷ lệ đóng góp vào GDP cả nước lên đến 9,2%.

Hệ thống cơ sở lưu trú cũng phát triển mạnh mẽ với tổng số khoảng 30.000 cơ sở lưu trú du lịch, trên 650.000 buồng. Sự phát triển của du lịch thực sự thúc đẩy tăng trưởng, phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương trên cả nước.

Phát triển du lịch đã là niềm cảm hứng, là động lực phát triển mạnh mẽ với những đóng góp hết sức quan trọng vào tăng trưởng kinh tế; góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá; bảo vệ môi trường và giữ vững quốc phòng, an ninh quốc gia.

Tác động của đại dịch COVID-19 với ngành du lịch

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát đã gây ra những tác động hết sức to lớn đối với ngành du lịch cũng như cả nền kinh tế. Có thể nói, trong lịch sử phát triển ngành du lịch, chưa bao giờ ngành du lịch phải chịu những khó khăn, thách thức nặng nề trước tác động tiêu cực của đại dịch như lần này.

Năm 2020 với 2 đợt bùng phát, cả nước chỉ đón được 3,8 triệu lượt khách Quốc tế (khách quốc tế chỉ có trong 3 tháng đầu năm), khách nội địa giảm 50% toàn ngành thiệt hại khoảng 530 nghìn tỷ đồng. Tác động của đại dịch là hết sức nghiêm trọng tới toàn bộ hệ thống: các cơ sở lưu trú, các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở ăn uống, mua sắm phục vụ khách du lịch... và đặc biệt là đội ngũ lao động du lịch, cả trực tiếp và gián tiếp.

Đến nửa đầu năm 2021, với 2 đợt bùng phát gần đây, lượng khách nội địa cả nước ước tỉnh chỉ đạt 30,5 triệu lượt trong đó có 15,8 triệu lượt khách có lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch chỉ đạt khoảng 134 nghìn tỷ đồng, giảm trên 24% so với cùng kỳ 2020. Việt Nam vẫn chưa đón khách du lịch quốc tế và việc giảm mạnh lượng khách nội địa, đặc biệt là giảm giá các dịch vụ hàng không, lưu trú đã gây ra những tác động to lớn tới tổng nguồn thu và hiệu quả hoạt động kinh doanh của toàn ngành du lịch.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, lượng khách nội địa cả nước ước tính chỉ đạt 31,5 triệu lượt, trong đó có khoảng 16 triệu lượt khách có lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch chỉ đạt khoảng 137 nghìn tỷ đồng, giảm trên 41% so với cùng kỳ 2020. Việt Nam vẫn chưa đón khách du lịch quốc tế (từ tháng 4/2020 đến nay) và việc giảm mạnh lượng khách nội địa, đặc biệt là giảm giá các dịch vụ hàng không, lưu trú đã gây ra những tác động to lớn tới tổng nguồn thu và hiệu quả hoạt động kinh doanh của toàn ngành du lịch.

Từ tháng 7 đến nay, hoạt động du lịch gần như đình trệ, các doanh nghiệp du lịch và lực lượng lao động ngành du lịch tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thử thách to lớn. Đại dịch COVID-19 đã, đang và sẽ thay đổi ngành du lịch hết sức sâu sắc, đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới đối với phát triển du lịch trong giai đoạn mới.

Có thể nói, COVID-19 là thách thức to lớn nhất, chưa từng có tiền lệ cả về tính chất và quy mô đối với du lịch Việt Nam cũng như cả Thế giới. Một điều có thể được khẳng định chắc chắn rằng, COVID-19 sẽ thay đổi ngành du lịch hết sức sâu sắc.

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới UNWTO, khách du lịch quốc tế vẫn giảm sâu trong quý I/2021, với mức giảm lên tới đến 83% so với cùng kỳ năm ngoái (73%) là năm tồi tệ nhất trong lịch sử khi doanh thu từ du lịch trên toàn cầu năm 2020 ước tính mất tới 1.300 tỷ USD.

Trong khi đó, con số này có thể còn cao hơn do các biện pháp hạn chế đi lại phần lớn vẫn diễn ra trong những tháng đầu của năm 2021.

Kịch bản phục hồi ngành du lịch từ nhận định của các tổ chức quốc tế và trong nước

Do kết quả thực tế không như dự báo quý I/2021, cùng với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên toàn cầu với lo ngại về biến chủng mới cùng khả năng phong tỏa trở lại tại nhiều quốc gia, UNWTO đã điều chỉnh kịch bản cho năm 2021 theo hướng giảm:

Kịch bản thứ nhất: Khách quốc tế bắt đầu phục hồi từ tháng 7/2021, lượng khách quốc tế sẽ tăng 40% so với năm 2020 (so với mức tăng 66% theo dự báo tháng 3/2021), tuy nhiên vẫn giảm 63% so với năm 2019.

Kịch bản thứ hai: Khách quốc tế bắt đầu phục hồi từ tháng 9/2021, lượng khách quốc tế sẽ tăng 10% so với năm 2020 (so với mức 22% dự báo tháng 3/2021), tuy nhiên vẫn giảm 75% so với năm 2019.

Bi quan hơn, ngày 30/6 vừa qua, Nghiên cứu của UNCTAD (Hội nghị Liên Hợp quốc về Thương mại và Phát triển) cho thấy sự bất bình đẳng về vaccine có thể gây tổn thất lớn như thế nào đối với kinh tế toàn cầu. Trong đó, riêng ngành du lịch có thể thiệt hại từ 1,7-2,4 nghìn tỷ USD trong năm nay, cho dù hoạt động đi lại có thể tăng mạnh ở những nước như Pháp, Đức, Anh và Mỹ.

Theo Báo cáo của UNWTO, trước những diễn biến khó đoán định đó, gần 50% các chuyên gia được hỏi dự báo lượng khách du lịch quốc tế chỉ có thể bằng mức năm 2019 vào năm 2024 hoặc muộn hơn, trong khi tỷ lệ đánh giá khả năng phục hồi bằng mức năm 2019 vào năm 2023 giảm còn 37% so với mức 43% vào tháng 1/2021.

Thiệt hại rơi vào ngành du lịch của các nước đang phát triển có thể chiếm tới 60% con số trên, nghĩa là có thể lên đến 1,4 nghìn tỷ USD trong năm nay – theo bản báo cáo được UNCTAD phối hợp với Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên Hợp quốc (UNWTO) thực hiện.

Ở trong nước, mới đây, Hội đồng Tư vấn Du lịch thuộc Tổng cục Du lịch có thực hiện một cuộc điều tra khảo sát khách du lịch. Kết quả cuộc điều tra này là cơ sở cho một số gợi mở quan trọng cho việc phát triển, chuyển đổi trong ngành du lịch thời gian sắp tới.

Kết quả cuộc điều tra khảo sát tập trung vào 5 vấn đề hết sức quan trọng đối với ngành du lịch hiện nay là: (i) Năm xu hướng hành vi chính của khách du lịch Việt Nam; (ii) Phân tích thị trường khách du lịch từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; (iii) Phân tích 5 điểm đến trong nước được quan tâm nhất và (iv) Những thay đổi và xu hướng duy trì.

Một số nhận định hết sức quan trọng có thể rút ra từ kết quả khảo sát như sau:

Nhu cầu du lịch bị dồn nén lâu và luôn chờ đợi để được bùng nổ trong sự an toàn được đảm bảo.

Nhu cầu du lịch biển giữ vị trí cao nhất (67%) bên cạnh Nhu cầu khám phá thiên nhiên (48%) và Nghỉ dưỡng núi (36%) là các xu hướng mới và ghi nhận sự gia tăng mạnh so với trước thời kỳ COVID-19.

Xu hướng đi ngắn ngày trước đây hiện nay được thể hiện ngày càng rõ rệt hơn với 49% lựa chọn các chuyến đi 2-3 ngày. Xu hướng đi theo nhóm nhỏ, đi cùng gia đình cũng là xu hướng chủ đạo (77% đi cùng gia đình hoặc theo nhóm nhỏ bạn bè).

Đặt dịch vụ trực tuyến vượt qua phương thức đặt trực tiếp vươn lên vị trí dẫn đầu với 42%.

Kết quả 2 đợt khảo sát, thăm dò ý kiến khách du lịch vào tháng 9/2020 và tháng 3/2021 cho thấy Đà Nẵng, Lâm Đồng, Kiên Giang (chủ yếu là Phú Quốc) luôn là những điểm đến hàng đầu, đặc biệt Đà Nẵng đã giữ vị trí thứ nhất trong đợt khảo sát tháng 3/2021.

Trong 3 điểm đến hàng đầu kể trên, đối với thị trường Hà Nội, Đà Nẵng là điểm đến được yêu thích nhất với xu hướng đi thể hiện rất rõ ràng: xu hướng nổi trội đi 4-5 ngày (tiếp theo là 2-3 ngày), đi theo nhóm gia đình và bạn bè, người quen. Sản phẩm ưu tiên là du lịch biển và thiên nhiên. Xu hướng đặt dịch vụ trực tuyến ghi nhận sự sụt giảm tương đối mạnh so với đặt trực tiếp tuy nhiên vẫn duy trì vị trí dẫn đầu (có thể do các ưu đãi mà các cơ sở dịch vụ thông tin trực tiếp tới khách hàng khi đặt dịch vụ).

Đối với thị trường TP.HCM, điểm đến Đà Nẵng xếp thứ 3 sau Lâm Đồng và Kiên Giang. Các xu hướng đi du lịch của thị trường TP.CHM đối với điểm đến Đà Nẵng cũng tương tự như của thị trường Hà Nội, đó là đi ngắn ngày 2-3 và 4-5 ngày, đi cùng gia đình hoặc bạn bè, người thân với sự quan tâm chính dành cho du lịch biển và du lịch trải nghiệm thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên. Khác với Hà Nội, lựa chọn đặt dịch vụ trực tuyến của khách du lịch TP.HCM gia tăng hết sức mạnh mẽ.

Các ưu tiên của thị trường nội địa nói chung được dành cho vấn đề: An toàn dịch bệnh (giữ vị trí số 1 với 58%), Khả năng tài chính phù hợp (52%), Điểm đến an ninh an toàn (51%), và Chính sách (về giá, cùng cấp dịch vụ) linh hoạt với 44%.

Vấn đề đặt ra từ thực tế

Cũng từ kết quả khảo sát doanh nghiệp có thể thấy một số vấn đề đặt ra từ thực tế như sau:

Trong thời gian trước mắt, ưu tiên số 1 là duy trì khả năng tồn tại với việc tăng cường kiểm soát chi phí, đàm phán với các đối tác, mở rộng lĩnh vực kinh doanh để đa dạng nguồn thu, tìm hiểu mô hình kinh doanh mới

Tương lai lâu dài: thực hiện chuyển đổi số, đầu tư sản phẩm phù hợp, đảm bảo nhân sự cốt cán, tìm kiếm, liên kết với các đối tác mới.

Quan điểm ứng xử với dịch bệnh và phát triển kinh tế được thể hiện rất rõ qua phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, theo đó, tới thời điểm này, Việt Nam chưa thay đổi mục tiêu đã đề ra, nhưng phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hài hòa giữa phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế-xã hội.

Giải pháp phục hồi ngành du lịch

Về cơ bản, các giải pháp phục hồi ngành du lịch nói chung và Du lịch Đà Nẵng nói riêng trước tác động của đại dịch COVID-19 bao gồm: Kiểm soát dịch bệnh và tiêm chủng; Thúc đẩy du lịch nội địa; Chuẩn bị các điều kiện để đón khách quốc tế; Quảng bá điểm đến và nghiên cứu phát triển sản phẩm mới phù hợp; Chính sách hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp và người lao động.

Cụ thể hơn, các giải pháp chính sách đối với lĩnh vực du lịch bao gồm:

Tạo cơ chế đối thoại, trao đổi thông tin hiệu quả, nhanh chóng giữa chính quyền, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội. Trao đổi thông tin hiệu quả nhanh chóng giữa các doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, y tế, giao thông vận tải và chính quyền địa phương sẽ góp phần nhanh chóng đưa ra các biện pháp cụ thể cần thiết, kịp thời tháo gỡ khó khăn và tận dụng các cơ hội.

Thúc đẩy du lịch nội địa luôn là một chính sách quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi du lịch nội địa là thị trường duy nhất hiện có.

Nhấn mạnh các chính sách về đảm bảo sức khỏe, an ninh an toàn để giành được sự tin tưởng của du khách. Nội dung này bao gồm việc xây dụng các quy trình, ban hành các hướng dẫn cho các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là lữ hành, nhà hàng. Các hướng dẫn có thể được phổ biến qua nhiều hình thức và có thể tổ chức các lớp tập huấn riêng. Nội dung hướng dẫn cần rõ ràng, chính xác, ngắn gọn và hiệu quả.

Tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến có mục tiêu (targeted marketing campaigns) cụ thể để nâng cao hiệu quả và có thể mang lại những tác động tức thời. Việc thực hiện các hoạt động xúc tiến có mục tiêu này có thể dựa trên kết quả khảo sát của TAB kể trên, các đợt điều tra khảo sát của thành phố Đà Nẵng đã thực hiện trước đây. Nếu cần có thể thực hiện thêm một số cuộc thăm dò quy mô nhỏ có mục tiêu rõ rằng nhắm tới các đối tượng hết sức cụ thể để nâng cao hiệu quả chiến dịch quảng bá, xúc tiến.

Rà soát các chính sách, quy định hiện hành để có thể bổ sung hoặc điều chỉnh, lược bỏ, đơn giản hóa một số quy định phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nhanh chóng phát triển các sản phẩm mới phù hợp với xu hướng, nhu cầu của thị trường dựa trên kết quả của các cuộc điều tra khảo sát khách du lịch.

Tiếp tục đẩy nhanh việc chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong phát triển du lịch trong các khâu: quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, quản lý điểm đến, nghiên cứu thị trường, quảng bá xúc tiến, bán hàng… Nhiệm vụ này gắn chặt với nhiệm vụ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là lực lượng lao động nghề.

Tìm các nguồn thu bổ sung nhằm tăng thu nhập cho đội ngũ lao động là một giải pháp đặc biệt quan trọn nhằm tháo gỡ khó khăn cho người lao động ngành du lịch để đảm bảo giữ được đội ngũ lao động lành nghề. Thực thi các biện pháp nhằm duy trì tối đa lực lượng lao động có tay nghề hiện có (ví dụ điều chỉnh giờ làm, nghỉ luôn phiên…). Biện pháp này rất phù hợp với Đà Nẵng là địa phương có hệ thống cơ sở lưu trú quy mô lớn và thị trường nghỉ dưỡng biển là thị trường chủ yếu. Đưa ra các phương án hỗ trợ theo nhu cầu đối với từng nhóm người lao động hoặc thậm chí từng lao động cụ thể để phát huy hiệu quả cao nhất của các hình thức hỗ trợ. Mới đây UBND thành phố Đà Nẵng đã chấp thuận chủ trương cho người lao động du lịch vay vốn từ ngân hàng chính sách (dự kiến tối đa 100 triệu đồng thời hạn 3-5 năm) là rất đáng hoan nghênh.

Đảm bảo duy trì sự ổn định của các chính sách, đặc biệt là các chính sách về đầu tư để xây dựng niềm tin đối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Ổn định về chính sách là vấn đề hết sức quan trọng, đặc biệt đối với Đà Nẵng hiện nay.

Trong thời kỳ khó khăn này, vấn đề liên kết trở nên quan trọng hơn bao giờ hết và cần được quan tâm đặc biệt. Liên kết để có thể chia sẻ kinh nghiệm và kết nối nguồn lực thích ứng với biến động, vượt qua khó khăn, thách thức. Kết nối để nâng cao năng lực cạnh tranh của chuỗi điểm đến và kết nối để có thể đa dạng hóa, chuyên biệt hóa sản phẩm và giảm thiểu cạnh tranh nội bộ.

Trong tương lai lâu dài, việc lập kế hoạch quản lý rủi ro, thiên tai (trong đó có rủi ro dịch bệnh) ở các quy mô, cấp độ là hết sức cần thiết để có thể sẵn sàng đối phó với các tình huống khủng hoảng và có thể nhanh chóng phục hồi.

Theo TS Nguyễn Anh Tuấn

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên