Giám đốc ADB Việt Nam: Vẫn hơi sớm để Việt Nam lo về bẫy thu nhập trung bình
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nói: "Cách đây chỉ 9 năm thì Việt Nam vẫn còn là một quốc gia thu nhập thấp, mà các nước thu nhập cao hiện nay thì cũng phải mất đến hơn 20 năm mới chuyển được từ thu nhập thấp sang thu nhập cao".
- 29-09-2019Hàn Quốc vượt Trung Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam
- 28-09-2019Doanh nghiệp châu Âu nhìn thấy cơ hội rộng mở từ EVFTA
- 28-09-2019Thương mại 9 tháng xuất siêu 5,9 tỷ USD, chủ yếu vẫn nhờ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài
Việt Nam đã sắp qua thời kỳ dân số vàng nhưng lại chưa thoát được bẫy thu nhập trung bình, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Eric Sidgwick: Hiện nay, Việt Nam vẫn còn một thời gian nữa để tận dụng dân số trẻ, nhưng trong tương lai, tỷ lệ người không lao động sẽ ngày càng gia tăng và Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa để tránh việc chưa giàu đã già.
Việt Nam đã đi gần hết giai đoạn chiến lược 2016-2020, và đang xây dựng chiến lược phát triển kinh tế mới trong giai đoạn tiếp theo. Bẫy thu nhập là rủi ro mà Việt Nam có thể vướng vào.
Nhưng cách đây chỉ 9 năm, Việt Nam vẫn còn là một quốc gia thu nhập thấp, mà các nước thu nhập cao hiện nay thì cũng phải mất đến hơn 20 năm mới chuyển được từ thu nhập thấp sang thu nhập cao. Nên theo tôi là vẫn hơi sớm để lo sợ bẫy thu nhập trung bình. Từ đó đến nay Việt Nam vẫn đang tăng trưởng rất mạnh mẽ.
Rõ ràng là rất nhiều quốc gia cũng vướng vào bẫy thu nhập trung bình. ADB cũng đang giám sát những vấn đề này rất chặt chẽ và muốn tạo ra những khâu đột phá trong chương trình cải cách để không bị vướng vào bẫy thu nhập trung bình.
Muốn làm được như vậy, nền kinh tế phải có sự dịch chuyển từ tích tụ tư bản, vốn, đất đai, lao động sang nâng cao năng suất và hiệu quả lao động, tạo ra thêm giá trị trong chuỗi giá trị. Sự dịch chuyển này không hề dễ dàng.
Theo ông, đâu là điểm sáng nhất trong kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện tại?
Ông Eric Sidgwick: Nếu như nhìn quanh khu vực châu Á và Đông Nam Á thì các quốc gia tăng trưởng cũng khá ổn, nhưng Việt Nam đang trội hơn hẳn về tốc độ tăng trưởng cũng như lạm phát thấp và cán cân thanh toán mạnh, tiếp tục thắt chặt chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ thận trọng.
Về dòng vốn FDI cũng như xuất khẩu, mặc dù xuất khẩu có giảm ở một vài thị trường nhưng đó là những thị trường mà Việt Nam có thị phần lớn. Chúng tôi không thấy có quá nhiều điểm tiêu cực. Tuy nhiên không phải đã vận hành tốt trong thời gian vừa qua thì sẽ ổn trong những tháng còn lại của năm.
6 tháng trước, mức độ rủi ro không cao như hiện nay, Việt Nam đang đứng ở vị trí rủi ro cao hơn, cũng như các quốc gia khác đang đối mặt với căng thẳng thương mại, dù có nhiều bằng chứng cho thấy Việt Nam hưởng lợi. Tất nhiên căng thẳng này kéo càng dài thì tác động tổng thể đối với thương mại toàn cầu sẽ vượt quá lợi ích mà Việt Nam đang được hưởng nên rất khó để dự báo về tác động cụ thể.
Vậy các lĩnh vực mà Việt Nam nên đẩy mạnh trong thời gian tới là gì?
Ông Eric Sidgwick: Việt Nam cần cải thiện cơ sở hạ tầng quốc gia, không chỉ số lượng mà là cả chất lượng. Không chỉ cơ sở hạ tầng cứng mà còn cả cơ sở hạ tầng mềm, phát triển giao thông đô thị.
Thứ hai là nâng cao kỹ năng lao động và phát triển nguồn lực con người lên tới cấp độ cao nhất của giáo dục, cách dạy học, phân tích, giải quyết vấn đề,... Cần sử dụng công nghệ sáng tạo trong việc giảng dạy để tạo ra những thứ thị trường cần.
Cần tạo ra thêm động lực tăng trưởng cho khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước. Khu vực tư nhân cần phải tham gia tích cực hơn vào chuỗi giá trị và trở thành động lực chính của tăng trưởng trong thời gian tới. Khu vực tư nhân cần được quản lý tốt hơn và ưu đãi về cơ chế tốt hơn.
Hệ thống ngân hàng cần phải được phát triển sâu rộng hơn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trung gian tài chính cần được đẩy mạnh hơn nữa.
Việt Nam đứng trước những rủi ro của biến đổi khí hậu nên cần phải tính toán cả điều đó vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời quan tâm đến sự chia sẻ lợi ích giữa các thành phần trong quá trình tăng trưởng.
Ngài Thủ tướng cũng đã nói rất nhiều về đổi mới khoa học công nghệ, khởi nghiệp, nền kinh tế số. Việt Nam sẽ có được vị thế của mình nếu tận dụng được những điều đó.
Cảm ơn ông!