MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám đốc AutoTech: Thực tế, Việt Nam mới bắt đầu chuyển giao sang công nghiệp 3.0

"Theo kinh nghiệm trong lĩnh vực tự động hóa hơn chục năm nay của chúng tôi, khách hàng chính của chúng tôi là doanh nghiệp FDI chứ chưa có khách hàng là doanh nghiệp Việt Nam", bà Phạm Thị Hương - Giám đốc Công ty cổ phần Chế tạo máy Autotech Việt Nam cho biết.

Phát biểu tại phiên thảo luận Chuyển đổi số ngành sản xuất hướng tới sản xuất thông minh trong khuôn khổ Industry 4.0 Summit, bà Phạm Thị Hương - Giám đốc Công ty Cổ phần Chế tạo máy Autotech Việt Nam cho biết: "Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thực tế chúng ta đang phát triển chậm so với các nước như Hàn, Nhật, châu Âu rất nhiều. Do đó, chúng ta cần phải khát khao nhiều hơn, đam mê nhiều hơn thì mới có thể phát triển công nghiệp ngang với các nước khác".

Bà Hương cho rằng, để tiến đến công nghệ 4.0 thì cần phải hoàn thiện cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, thứ hai và thứ ba rồi mới đến thứ tư. Nhưng thực tế Việt Nam mới bắt đầu chuyển giao sang công nghiệp 3.0. 

Khi tham gia xây dựng nhà máy thông minh thì cần làm thế nào? Nhà máy thông minh là một sự tiến bộ tổng hợp từ một hệ thống sản xuất tự động hóa truyền thống sang một hệ thống sản xuất được kết nối linh hoạt để có thể kết nối và xử lý dữ liệu liên tục từ hoạt động sản xuất kinh doanh để có thể tự học và tự thích nghi với nhu cầu của thị trường sản xuất. Hiểu đơn giản là sự kết nối phần mềm ứng dụng vào hệ thống máy móc để đưa ra quyết định hỗ trợ tối ưu nhất cho công việc quản lý và điều hành nhà máy.

Thực hiện nhà máy thông minh cần 5 bước: kết nối, thu thập, kiểm tra trực quan, phân tính và tự động hóa. 

Xây dựng một nhà máy thông minh, tất cả các thiết bị máy móc phải được kết nối vào một hệ thống mạng chung và phải có nền tảng máy móc tự động hóa, đưa dữ liệu lên để xây dựng nhà máy thông minh. Dựa trên bước số một, thu thập toàn bộ dữ liệu vào trạm vận hành để xử lý.

Thu thập dữ liệu không chỉ để lưu trữ mà phải xử lý và đưa ra báo cáo trực quan để thấy chất lượng sản phẩm thế nào, máy móc vận hành ra sao, tỷ lệ lỗi bao nhiêu. Sau đó phần mềm sẽ giúp ta phân tích đưa ra hỗ trợ, xử lý vấn đề và tạo ra chất lượng, cuối cùng là tự động hóa, tự vận hành.

Nói về những vướng mắc trong việc ứng dụng tự động hóa vào nhà máy của doanh nghiệp Việt Nam, bà Hương nhận định rằng: "Thực tế các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang mong muốn áp dụng tự động hóa để tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm, nhưng vẫn còn những vướng mắc khiến việc ứng dụng chưa nhiều. Theo kinh nghiệm trong lĩnh vực tự động hóa hơn chục năm nay của chúng tôi, thực tế khách hàng chính của chúng tôi là doanh nghiệp FDI chứ chưa có khách hàng là doanh nghiệp Việt Nam.

Không phải chúng tôi không muốn cung cấp hệ thống tự động hóa cho doanh nghiệp Việt Nam. Mà khi chúng tôi chào hàng sản phẩm của mình cho họ, chúng tôi cũng nhận được yêu cầu nhưng khi chào giá, đến giai đoạn đầu tư thì lại gặp rất nhiều khó khăn khi họ có quyết định đầu tư hay không. Chi phí gần như là khó khăn lớn nhất.

Nhận thức của lãnh đạo về việc tự động hóa sản xuất cũng là một điểm khó. Làm sao để doanh nghiệp hiểu được ý nghĩa của tự động hóa trong quá trình sản xuất. Hiệp hội tự động hóa cần đưa ra nhận thức về tự động hóa, kết nối doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài để cơ hội tự động hóa cao hơn".

Hoàng An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên