MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám đốc Quốc gia World Bank Việt Nam: Tham vọng tăng trưởng 6,7% không có gì là sai, quan trọng là đạt mục tiêu như thế nào!

“Chúng tôi phải hỗ trợ phát triển Việt Nam và đây cũng là những ưu tiên chính của chúng tôi”, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia World Bank tại Việt Nam chia sẻ với chúng tôi khi nói về trọng tâm làm việc của ông trong năm 2017.

Ông đánh giá như thế nào về Việt Nam trong thời gian qua?

Về kinh tế Việt Nam nói chung, trong vòng 5 năm qua, tăng trưởng của Việt Nam rất mạnh. Lạm phát chỉ 1 con số, GDP tăng khoảng 7% trong những năm qua, sau đó, giảm xuống trung bình khoảng 6,2% ở 2-3 năm gần đây. Phần trăm tăng trưởng có dấu hiệu chững lại nhưng nhìn ra thế giới, liệu có bao nhiêu nước đạt được tăng trưởng như vậy? Không có nhiều đâu.

Giáo dục cũng là điểm sáng đối với Việt Nam. Có thể thấy điều này thông qua kết quả bài thi đánh giá học sinh quốc tế PISA gần đây. Theo đó, Việt Nam đang đứng thứ 8 trên thế giới. Rõ ràng, không nhiều nước phát triển có được thành tựu giáo dục như vậy. Đấy là những tín hiệu của sự thay đổi tích cực ở Việt Nam.

Hay nói về tạo công ăn việc làm, thu nhập cũng vậy, có rất nhiều việc làm mới được tạo ra, như trong lĩnh vực xây dựng. Như vậy, có thể thấy Chính phủ đã có nhiều nỗ lực mà những thay đổi tích cực đấy là bằng chứng. Việc thực hiện, giữ được tình hình phát triển như Việt Nam hiện nay thực sự là một thử thách đối với nhiều nước khác.

Về mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam năm 2017 là 6,7%, ông có tin mục tiêu này có thể thực hiện được?

World Bank cũng từng khuyến nghị rằng tỷ lệ tăng trưởng không quan trọng bằng chất lượng tăng trưởng. Đối với mức tăng 6,7%, tôi cho rằng đấy là mục tiêu tham vọng nhưng cũng có thể thực hiện được.

Tham vọng không có gì là sai cả. Điểm quan trọng là con đường để đạt mục tiêu là như thế nào, công cụ nào để đạt được mục tiêu đó. Nghĩa là Việt Nam sẽ đưa ra những hành động gì để thực hiện, làm thế nào để huy động được sự tham gia của các đối tác, trong đó có chúng tôi để thực hiện mục tiêu này.

Trong tương lai, ông cho rằng Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức nào?

Trong tương lai, Việt Nam sẽ phải đối mặt và giải quyết một số vấn đề để tiến lên phía trước. Thứ nhất là năng suất lao động. Hiện tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam rất thấp, trong khoảng 4-5%. Trong khi để tăng trưởng cao, cần phải có năng suất lao động cao.

Thứ hai là vấn đề môi trường. Phát triển kinh tế luôn đi kèm những ảnh hưởng lên môi trường, do đó cần phải chú ý đến điều này. Ví dụ như việc thải khí ảnh hưởng đến hiệu ứng nhà kính chẳng hạn. Việt Nam là một nước đầu tiên ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) và là một trong những nước đầu tiên phê duyệt. Như vậy, có thể thấy ý chí rất mạnh từ phía Chính phủ trong việc chuyển dịch sang phát triển xanh hơn. Việt Nam cũng có nhiều tiềm năng về phát triển năng lượng sạch như gió, mặt trời.

Cuối cùng, đấy là vấn đề nghèo đói còn tồn tại ở nhiều khu vực, nhiều vùng của Việt Nam, đặc biệt ở khu vực dân tộc thiểu số. Làm thế nào để có thể cân bằng được tăng trưởng và kéo những người nghèo đi lên cùng chúng ta?

Việt Nam đang có một hệ số GINI (biểu thị độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập) rất tốt, tức là sự phân biệt giàu nghèo không quá cao, nhưng nếu không giải quyết vấn đề sớm nó sẽ tạo thành khoảng cách lớn giữa giàu và nghèo.

Vậy trọng tâm hành động của ông và World Bank trong năm 2017 sẽ là gì?

Về mục tiêu trong tương lai, chúng tôi sẽ tập trung vào một số thứ. Thứ nhất là lập chiến lược mới CPF tức là Khuôn khổ đối tác Quốc gia hỗ trợ Việt Nam. Khuôn khổ này phải phù hợp với những mục tiêu phát triển của Việt Nam để chúng tôi hỗ trợ một cách tốt hơn.

Chúng tôi phải hỗ trợ phát triển Việt Nam và đây cũng là những ưu tiên chính của chúng tôi, nó cũng đưa ra một lộ trình sẽ làm gì trong tương lai.

Mặt khác, chúng tôi cũng muốn tập trung vào việc thực hiện những khuyến nghị đã đưa ra trong Báo cáo Việt Nam 2035, trong đó, đã đưa ra nhiều lĩnh vực ưu tiên và nhóm báo cáo đã đưa ra và thảo luận với rất nhiều cơ quan chức năng để làm thế nào có thể thực hiện một vài ưu tiên trong đó từ cấp Trung ương đến cấp thấp hơn.

Xin cảm ơn ông!

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên