Giám đốc Schneider Electric IT Việt Nam: Điện toán biên là xu hướng đúng đắn và cấp thiết cho doanh nghiệp
Doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt là các giám đốc công nghệ cần chuẩn bị gì cho một tương lai hậu bình thường mới? Những xu hướng nào đang được các doanh nghiệp thế giới triển khai để thúc đẩy sự bền bỉ, ổn định và bảo mật?
Ông Morgan Duarte - Giám đốc Schneider Electric IT Việt Nam (phụ trách thương hiệu APC by Schneider Electric), đồng thời là Phó tổng giám đốc Schneider Electric Việt Nam đã có những chia sẻ chuyên sâu về những chuyển biến và xu hướng mới của tương lai.
Q: 2021 được dự đoán sẽ là thời điểm phục hồi và tăng tốc của các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh sau một thời gian dài gián đoạn bởi ảnh hưởng của dịch bệnh. Điều này có lạc quan so với tình hình thực tế, thưa ông?
Cho đến thời điểm hiện tại, đại dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và xuất hiện các tâm dịch mới tại các quốc gia như Ấn Độ, Campuchia, Thái Lan. Do đó, có lẽ còn quá sớm để đưa ra các dự báo về bức tranh tổng thể 2021, tuy nhiên những hệ quả mà đại dịch để lại cho các ngành công nghiệp, sản xuất và dịch vụ là không thể bàn cãi. Đơn cử như sự gián đoạn chuỗi cung ứng, sản xuất ngưng trệ, thiếu hụt nguồn vốn lưu động và suy giảm doanh số một cách nghiêm trọng so với các năm trước đó.
Để giảm thiểu các tác động tiêu cực nói trên, doanh nghiệp, tổ chức và thậm chí là các quốc gia đều có những chiến lược đổi mới, sáng tạo và đặc biệt là ứng dụng công nghệ để chuyển đổi mô hình vận hành, kinh doanh. Điều này có thể được thấy rõ nét thông qua tổng chi tiêu cho CNTT toàn cầu năm 2020 ước tính đạt xấp xỉ 3.700 tỷ USD (Gartner).
Bên cạnh đó, khảo sát của KPMG và Harvey Nash trên các giám đốc công nghệ trong năm 2020 cũng chỉ ra trong khoảng thời gian ba tháng sau khi dịch Covid-19 bùng phát, chi tiêu cho công nghệ số đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử.
Ở một khía cạnh nào đó, đại dịch đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp trên toàn cầu mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Việt Nam là một trong những ngoại lệ hiếm hoi trong bức tranh kinh tế toàn cầu khi vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương, môi trường kinh tế - xã hội – chính trị ổn định đồng thời kiểm soát dịch bệnh thành công sau các làn sóng thứ 2 và thứ 3.
Mới đây nhất, World Bank cũng cho chúng ta nhìn thấy những chỉ dấu rất tích cực khi kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4.5% trong quý 1, đồng thời chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,1% (so cùng kỳ năm trước) vào tháng 03/2021.
Lĩnh vực năng động nhất được ghi nhận bao gồm F&B – thực phẩm và giải khát do các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất để phục vụ nhu cầu trong nước vào mùa hè. Các ngành chế tạo kim loại, linh kiện điện tử, thiết bị điện, máy móc và xe cơ giới cũng tăng trưởng nhờ sức cầu mạnh từ khu vực kinh tế đối ngoại.
Nhìn chung, 2021 là một bức tranh hỗn hợp nhưng phần tích cực đang nghiên về các nền kinh tế mới như Việt Nam. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức với các doanh nghiệp để tái cấu trúc, sắp xếp lại bộ máy và tìm ra động lực tăng trưởng mới nhờ công nghệ, đặc biệt là trong việc phân bổ xây dựng hạ tầng cơ sở thông tin.
Q: Như ông đã đề cập, công nghệ, và cụ thể là kiến trúc hạ tầng công nghệ thông tin sẽ giữ vai trò như thế nào trong bình thường tiếp theo (next normal)?
Trong một tương lai đầy biến động, các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh cần nhanh chóng thay đổi, cải tiến để nắm bắt và đi trước thị trường. Câu hỏi quan trọng cần đặt ra cho các lãnh đạo và giám đốc công nghệ là họ sẽ cần những dịch chuyển cụ thể nào, đặc biệt là trong quá trình xây dựng và tái thiết kiến trúc hạ tầng công nghệ thông tin.
Công nghệ mới sẽ đóng vai trò thúc đẩy sắp xếp lại các hoạt động sản xuất, tối ưu quá trình vận hành, nâng cao trải nghiệm cho người dùng đầu cuối từ đó xây dựng mô hình doanh nghiệp bền bỉ, sẵn sàng thay đổi thích nghi với mọi thay đổi.
Trong đó, 6 xu hướng mới sẽ giúp các DN định hình và xây dựng mô hình doanh nghiệp bền bỉ là: Vận hành mọi nơi (Anywhere operations), Hạ tầng tối ưu (Optimal infrastructure), Vận hành xuyên suốt (Operational continuity), Cải tiến hoạt động lõi (Core modernization), Đám mây phân tán (Distributed cloud), Đa dạng kỹ năng vs. Chuyên biệt hoá nhiệm vụ (Critical skills vs. critical roles).
Trong đó xu hướng Hạ tầng tối ưu (Optimal infrastructure) định hình sự dịch chuyển từ "cơ sở hạ tầng và hoạt động" sang "tích hợp và hoạt động". Các lựa chọn cơ sở hạ tầng khác nhau, chẳng hạn như điện toán đám mây, điện toán biên có thể áp dụng cho các vị trí và khối lượng công việc khác nhau để gia tăng tính bền bỉ, ổn định và bảo mật cho toàn bộ hệ thống.
Khảo sát thực hiện bởi Tech Research Asia đã chỉ ra một con số đáng ngạc nhiên, 1100 CTOs của các tập đoàn, doanh nghiệp khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đều chọn Điện toán biên là nhiệm vụ ưu tiên cho 12 tháng tiếp theo. Điều này có ý nghĩa rất lớn khi chứng minh tính đúng đắn và cấp thiết của xu hướng này trong bối cảnh bình thường tiếp theo (next normal).
Q: Với kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực quản trị năng lượng và tự động hoá, đặc biệt là trong cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tích hợp, ông đánh giá việc triển khai các xu hướng mới, đặc biệt là điện toán biên có phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp Việt Nam?
Để có thể đánh giá một cách toàn diện, chúng ta cần xem xét từ kiến trúc thượng tầng cho đến bối cảnh và nhu cầu thực tế của thị trường và các doanh nghiệp.
Hiện nay, chiến lược ứng dụng điện toán biên nằm trong quy hoạch chuyển đổi số tổng thể của quốc gia hướng đến tầm nhìn 2045 (Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045). Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ xác định việc xây dựng các nền tảng số trong đó có cơ sở hạ tầng dữ liệu là giải pháp đột phá để phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Vào tháng 12/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã xây dựng dự thảo Chiến lược dữ liệu quốc gia giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trong vai trò là định hướng và hành động để các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp triển khai các hoạt động phát triển dữ liệu số.
Xem xét kỹ lưỡng về nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại, các công cụ quản lý cơ sở hạ tầng điện toán biên chính là chìa khoá quan trọng để chuyển đổi số thành công, giữ được sự tin cậy, bền bỉ của hạ tầng mạng và các tiêu chuẩn bảo mật cao. Những công cụ này phục vụ như "tai mắt" ở những nơi doanh nghiệp không thể và không đủ khả năng để bố trí nhân viên.
Không chỉ vậy, các công cụ tốt nhất có thể được triển khai nhanh chóng và hiệu quả về mặt chi phí, rút ngắn thời gian sửa chữa trung bình (MTTR) cho các sự cố mất điện đột ngột đồng thời cải thiện hiệu quả và giảm độ trễ trong tốc độ ra quyết định.
Với lượng dữ liệu và thông tin thu thập tức thời, được xử lý bởi công nghệ AI, doanh nghiệp, tổ chức có thể nhận được các phân tích chuyên sâu và khuyến nghị phù hợp để dự đoán và chủ động sửa chữa, bảo trì từ đó nâng cao hiệu quả bộ máy vận hành và năng lượng sử dụng tại biên.
Điều này giúp cải thiện tính bền vững với môi trường và con người về mặt dài hạn khi mọi quyết định vận hành đều được tối ưu chính xác, hiệu quả, giảm thiểu hao phí.
Trong thời điểm hiện tại, việc triển khai ứng dụng điện toán biên đã diễn ra mạnh mẽ ở các quốc gia trên thế giới và thậm chí tại một số doanh nghiệp của Việt Nam.
Tại Long An, các doanh nghiệp, hộ gia đình đã sử dụng Drone được lập trình cho các hoạt động như phun thuốc trừ sâu, giám sát diện tích canh tác, nhờ đó giảm thất thoát lúa gạo, tài nguyên (điện, nước…) sử dụng đồng thời bảo vệ sức khoẻ người canh tác một cách hiệu quả.
Q: Để hỗ trợ và đồng hành cùng các doanh nghiệp áp dụng và triển khai điện toán biên trong kiến trúc hạ tầng công nghệ thông tin, Schneider Electric đang triển khai các giải pháp của mình tại Việt Nam như thế nào? Đâu là những điểm cốt lõi mà các giám đốc công nghệ cần biết để tận dụng xu thế mới này?
Với kinh nghiệm triển khai và quản lí vận hành các giải pháp quản lí năng lượng và tự động hoá tại rất nhiều quốc gia trên toàn cầu, Schneider Electric luôn tiên phong phát triển và đưa vào ứng dụng những giải pháp mới. Trong đó, Điện toán biên là một trong những mũi nhọn chiến lược để hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức trong các lĩnh vực như ngân hàng, sản xuất, thực phẩm và giải khát.
Tính đột phá và chiến lược triển khai, cung cấp các giải pháp Điện toán biên của Schneider Electric tại Việt Nam tập trung đảm bảo hai yếu tố: Tính Đơn giản và Chắc chắn trong quá trình thiết kế, triển khai và quản lí hệ thống biên với các giải pháp trọng điểm: EcoStruxure™ Micro Data Centers, APC Smart-UPS Lithium-ion, EcoStruxure™ IT.
Đặc biệt, Schneider Electric vừa giới thiệu giải pháp tiểu trung tâm dữ liệu 43U - một trong những đột phá mới nhất thuộc dòng EcoStruxure Micro Data Center C-series với khả năng triển khai chỉ trong vài tuần.
Nhờ vào việc tích hợp tất cả giải pháp vào trong một tủ rack duy nhất được thiết kế tinh gọn, giải pháp này có chi phí đầu tư thấp hơn 48% so với việc lắp đặt trung tâm dữ liệu truyền thống vì có thể cắt giảm các hạ tầng phụ trợ.
Đồng thời, với tiểu trung tâm dữ liệu 43U, doanh nghiệp giám sát tập trung các thiết bị quản trị hạ tầng như theo dõi tình trạng UPS, tình trạng thiết bị làm lạnh… trên một màn hình HMI duy nhất, mang đến khả năng quản trị an toàn và bảo mật từ khắp mọi nơi.
Ngoài ra, phía trong sản phẩm còn trang bị Rackmount UPS 6kVA. Khách hàng có thể tùy chỉnh loại UPS có khả năng lưu trữ điện năng phù hợp với nhu cầu hoạt động. Trong trường hợp lựa chọn các sản phẩm UPS có pin Lithium-ion, hiệu quả và không gian sử dụng sẽ càng được tối ưu hơn nữa.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!