Giám đốc Sở QHKT Hà Nội: Đất vàng sao cứ phải xây cao tầng mới là 'điểm nhấn'
Tại phiên chất vấn HĐND thành phố sáng 9/12, trao đổi về dự án tại địa chỉ đất vàng 31-33-35 Lý Thường Kiệt, Giám đốc Sở QHKT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho biết, kể cả thiết kế đô thị xuống 3 tầng cũng phải chấp nhận, chứ không phải 8 tầng.
- 06-12-2022Hà Nội lên tiếng về khu 'đất vàng' gần Hồ Gươm xin xây tăng tầng
- 06-12-2022Hà Nội thông tin về dự án chung cư trên 'đất vàng' Trung tâm triển lãm Giảng Võ
- 02-12-2022Bà Rịa - Vũng Tàu xin ý kiến Thủ tướng đấu giá khu 'đất vàng' nghìn tỷ
Tại phiên chất vấn Kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội sáng 9/12, đại biểu Lê Kim Anh nêu về cam kết tập trung chỉ đạo rà soát không gian khu vực đối với dự án trụ sở văn phòng tại số 31, 33, 35 Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm), bởi lẽ, đây là dự án nằm trên “đất vàng” cần sớm thực hiện đầu tư xây dựng.
Trả lời đại biểu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, địa chỉ 31 – 33 – 35 Lý Thường Kiệt có quy mô 2.245 mét vuông, là địa điểm rất đặc biệt bởi có 3 mặt phố Lý Thường Kiệt – Hàng Bài – Vọng Đức; đang thuộc quyền sử dụng của Ngân hàng TMCP Hà Nội SHB.
Theo ông Tuấn, chủ đầu tư của dự án này đề xuất xây dựng trụ sở Ngân hàng SHB theo quy mô khoảng 45 mét, tương đương hơn 13 tầng.
Giám đốc Sở QHKT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh. Ảnh: PV
"Nếu tuân thủ các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc thì không vấn đề gì, nhưng theo chiến lược hoạt động, nhà đầu tư mong muốn đảm bảo quy mô của trụ sở", ông Tuấn nói đồng thời cho biết, theo quy hoạch quy định, cơ bản không được xây cao quá 8 tầng.
Theo ông Tuấn, trong các năm 2017 - 2028, UBND thành phố đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép Ngân hàng SHB, chủ đầu tư được xây dựng trụ sở quy mô cao trên 13 tầng.
Sau đó, Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản giao nhiệm vụ cho UBND thành phố phải thống nhất với Bộ Xây dựng và chủ đầu tư dự án. Bộ cũng đã có văn bản trao đổi với UBND thành phố, tinh thần xác định việc nghiên cứu tạo điểm nhấn ở các công trình tại các giao lộ, ngã tư, dù thuộc khu phố cũ của Hoàn Kiếm.
Trên cơ sở đó, theo ông Tuấn, từ năm 2020, Sở QHKT đã báo cáo UBND thành phố về 2 phương án. Nếu triển khai theo phương án "điểm nhấn" sẽ phải nghiên cứu thiết kế đô thị tuyến phố Lý Thường Kiệt. Phương án 2 là triển khai ngay thì tuân theo quy hoạch kiến trúc, không được cao quá 8 tầng.
"Chủ đầu tư, Ngân hàng SHB đề nghị theo phương án 1. Vì thế, UBND thành phố giao nhiệm vụ cho Sở QHKT và quận Hoàn Kiếm nghiên cứu nhiệm vụ thiết kế đô thị từ tháng 1/2021. Dự kiến tháng 12 sẽ báo cáo về nhiệm vụ, sau khi thành phố phê duyệt nhiệm vụ sẽ triển khai đồ án thiết kế đô thị", ông Tuấn nói, đồng thời thông tin, dự án này là trụ sở văn phòng, không có chất hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng dân cư, xã hội gì khác.
Về lộ trình, theo ông Tuấn, tháng 12 trình phê duyệt nhiệm vụ, sớm nhất phải Quý II/2023 mới có đồ án thiết kế. Trên cơ sở quy mô quy hoạch kiến trúc mới xác định được quy mô vào năm 2024. Còn nếu không được cao hơn thì công trình tuân thủ theo quy hoạch, căn cứ vào đó triển khai chủ trương đầu tư...
Trao đổi thêm, Giám đốc Sở QHKT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho biết, nhà đầu tư lựa chọn phương án 1, Sở đã có hướng dẫn. Về việc lập đồ án, đã hướng dẫn chủ đầu tư làm song song, nhưng chủ đầu tư chưa nộp hồ sơ nên chưa biết quy mô, diện tích cụ thể ra sao.
Về thiết kế đô thị của tuyến Lý Thường Kiệt, ông Trúc Anh cho biết, kể cả thiết kế đô thị xuống 3 tầng cũng phải chấp nhận. "Hiện cũng còn nhiều vấn đề băn khoăn, cao không phải là điểm nhấn. Đặc thù góc phố đó đẹp, phải hài hoà với không gian thế nào", ông Trúc Anh nói.
Trước đó, trao đổi với báo giới về điểm nhấn trong quy hoạch kiến trúc, KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng: Khu vực đô thị nào cũng có điểm nhấn mà điểm nhấn đó nó phải là công trình với kiến trúc đặc biệt đem lại giá trị sử dụng, giá trị văn hóa và nó đóng góp cho diện mạo kiến trúc đô thị đó. Đấy mới là điểm nhấn chứ không phải cứ cao tầng lên là điểm nhấn.
Tiền phong