MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI: Dệt may trong thời gian tới sẽ khó khăn cả ở cung và cầu

28-05-2020 - 15:13 PM | Doanh nghiệp

"Trong giai đoạn xuất khẩu còn mờ nhạt về tín hiệu hồi phục thì thị trường trong nước xứng đáng để các nhà sản xuất quan tâm và tập trung", bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) nhận định.

Đó là chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về câu chuyện dệt may, chuyện doanh nghiệp xuất khẩu trong tọa đàm trực tuyến "Hậu Covid-19: Chuẩn bị gì để trở lại đường đua" tại Thời báo Kinh tế Sài Gòn tuần trước.

Chia sẻ tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng dệt may vốn là ngành mũi nhọn với các thị trường xuất khẩu như Mỹ, châu Âu…. Covid-19 đã khiến ngành này bị ảnh hưởng rất lớn. Lúc đầu bệnh dịch bùng phát tại Trung Quốc thì gây ảnh hưởng nguyên liệu đầu vào cho dệt may tại Việt Nam. Sau đó, Mỹ và châu Âu bùng phát dịch, dệt may bị ảnh hưởng lớn về cầu.

"Tôi lo ngại, thời gian tới, nhu cầu về dệt may vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng. Một mặt kinh tế các nước chưa phục hồi. Bên cạnh đó, sau dịch, nhu cầu tiêu dùng đồ dệt may có thể thay đổi", bà Thu Trang nói.

Bà Trang đưa ra lý giải rằng, trước dịch, nhiều người ở Mỹ, châu Âu đã cho rằng việc sử dụng quá nhiều đồ mới, thải đồ cũ có thể gây ô nhiễm môi trường và họ đã tìm cách chia sẻ quần áo cho nhau. Và sau dịch, xu hướng chia sẻ, bảo vệ môi trường sẽ được đẩy mạnh hơn nữa.

"Nhu cầu của thế giới đã thay đổi. Không phải là nhu cầu thông thường mà người tiêu dùng có mong muốn mặc những hàng chất lượng tốt, không gây hại cho môi trường. Do đó, nhà sản xuất cần tăng giá trị thực cho sản phẩm", bà Trang nói.

Giám đốc Trung tâm WTO nhận định rằng có thể kim ngạch xuất khẩu không được như cũ nhưng trước đây các doanh nghiệp dệt may gia công chỉ được hưởng 2-20% giá trị chuỗi sản phẩm thì nếu tăng giá trị thực của sản phẩm lên trên 20% thì doanh nghiệp vẫn được lợi. 

Đó là về mặt nhu cầu. Bà Thu Trang cho hay, phần cung cũng sẽ gặp khó. Cụ thể, xuất khẩu dệt may của Việt Nam đứng thứ 2, thứ 3 thế giới nhưng cách Trung Quốc rất xa. Thời gian tới, nếu Việt Nam thu hút được đầu tư dịch chuyển từ Trung Quốc sang, trong đó có ngành phụ trợ và nếu nguồn cung nguyên liệu trong nước tốt hơn thì có thể có tia lạc quan cho ngành dệt may. Bởi khi đó, dệt may có thể tăng giá trị sản phẩm lên để tận dụng ưu đãi thuế quan vì quy tắc xuất xứ được thỏa mãn tốt hơn.

Giám đốc Trung tâm WTO cho rằng, dù doanh nghiệp dệt may gặp khó khăn nhưng nếu họ làm quyết liệt và có giải pháp thì vẫn phát triển được. Nhiều doanh nghiệp đã làm từ khâu thiết kế, phát triển những nguyên liệu vải có sẵn tại Việt Nam…. Trước kia doanh nghiệp trong ngành này chỉ làm mỗi được dệt may, giờ đã có thể làm cả sợi và xuất khẩu sợi. Sự chủ động thay đổi, thích nghi với điều kiện mới sẽ giúp doanh nghiệp đứng vững sau đại dịch.

Đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước

Nói về xuất khẩu khi các ngành như dệt may… gặp khó, bà Thu Trang cho rằng ngành xuất nhập khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào 2 yếu tố: sức mua của thị trường toàn cầu và mức độ cạnh tranh với các đối thủ xuất khẩu mặt hàng tương tự.

Xét trên 2 yếu tố này, bà Trang cho rằng hiện tại cầu vẫn yếu; cung thì trong giai đoạn dịch bệnh, Việt Nam được lợi một chút khi các nền kinh tế đối thủ bị đình đốn, nhưng đến quí 2 năm 2020, khi cầu ở các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu sụt giảm đột ngột thì cung cũng bị ảnh hưởng theo.

Khi các nền kinh tế lớn của thế giới khởi động trở lại sau dịch, nguồn cung của thế giới cũng sẽ gặp khó khăn. Ví dụ, Trung Quốc bắt đầu khởi động lại nền kinh tế, và các nhà xuất khẩu tại Trung Quốc sẽ dùng giá rẻ làm lợi thế cạnh tranh. Từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, các nhà xuất khẩu sẽ e ngại rủi ro đến từ việc "tập trung trứng vào một giỏ", và có sự điều chỉnh các ngành nghề thiết yếu đang phụ thuộc vào nước ngoài.

Theo bà, sẽ có xu hướng dịch chuyển sản xuất là đa dạng hóa thị trường sản xuất, và nhiều nền kinh tế sẽ chuyển dịch nhà máy sản xuất về gần nước họ. Thậm chí có nhiều nước còn hỗ trợ để nhà đầu tư quay về thị trường bản địa. Do đó, các nhà xuất khẩu không chỉ bị cạnh tranh với các nhà xuất khẩu ở nước khác mà còn chịu sức ép cạnh tranh ở chính thị trường nội địa bởi ngành sản xuất nội địa của nước bản địa đang lớn dần lên.

Theo bà Trang, Việt Nam vẫn có cơ hội. Thứ nhất, về cầu thì trong thời gian dịch bệnh, Việt Nam đã nâng được uy tín của mình từ việc kiểm soát tốt dịch bệnh, có sự ứng xử nhân văn với các nước đối tác, nước bạn. Thứ hai, một số mặt hàng như lương thực thực phẩm, vật tư y tế, thiết bị máy tính có thế mạnh xuất khẩu thì nhu cầu trên toàn cầu cũng tăng lên.

Ngoài ra, ở thị trường EU, việc hiệp định EVFTA đi vào thực tế cũng tạo cho Việt Nam nhiều cơ hội. EU là thị trường xuất khẩu lớn, trên 400 triệu dân, nhưng là khu vực có sức mua lớn thứ 2 thế giới. Đặc biệt, các đối thủ cung cấp hàng hóa có tính cạnh tranh với Việt Nam tại EU như Trung Quốc đều chưa có hiệp định với nền kinh tế này.

"Giai đoạn này là giai đoạn cần nghiên cứu lại chính thị trường trong nước, ổn định hệ thống và tận dụng việc chi phí vận chuyển và vận hành đang rẻ. Trong giai đoạn xuất khẩu còn mờ nhạt về tín hiệu hồi phục thì thị trường trong nước xứng đáng để các nhà sản xuất quan tâm và tập trung", bà Trang nói.

Theo bà, các nước đang thu hút nhu cầu về mình, doanh nghiệp Việt Nam cũng nên chinh phục lại thị trường trong nước để đi hai chân, vừa tăng cường xuất khẩu vừa tăng cường tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Thế Trần

Tổ Quốc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên