MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám đốc USAID: Việt Nam ngày càng trở thành đối tác quan trọng về kinh tế của Mỹ

"Hoa Kỳ cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển mạnh mẽ, độc lập, thịnh vượng với thương mại, tự do, công bằng và cùng có lợi", ông Michael Greene, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam nói.

Thông tin được đưa ra tại hội nghị "Hiến kế cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh COVID-19" diễn ra chiều 26/5.

Ông Michael Greene, Giám đốc USAID tại Việt Nam đã dành lời khen ngợi cho các chiến lược ấn tượng và các biện pháp chủ động của Chính phủ Việt Nam trong ứng phó với đại dịch COVID-19. Nhờ các biện pháp nhất quán, Việt Nam đã có thể mở cửa lại sớm hơn các quốc gia khác.

Đại diện USAID nhận định dịch COVID-19 đã phá hủy nặng nề nền kinh tế toàn cầu, nhiều doanh nghiệp đang cố gắng lấy lại đà kinh doanh trước đây, nhiều doanh nghiệp chật vật để tiếp tục hoạt động.

Trong thời điểm như vậy, Hoa Kỳ và Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ trong công tác chống lại dịch bệnh COVID-19. Cụ thể, Mỹ đã cam kết cung cấp 9,5 triệu USD thông qua USAID tại Việt Nam để hỗ trợ các sáng kiến ca Việt Nam trong ứng phó với đại dịch COVID-19, đặc biệt là cộng đồng các doanh nghiệp nhỏ và vừa là đối tượng ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch.

"Chúng tôi hy vọng với nguồn bổ sung này sẽ giúp Việt Nam vực dậy khủng hoảng, hỗ trợ Việt Nam tiếp tục lộ trình trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao", ông nói.

"Hoa Kỳ cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển mạnh mẽ, độc lập, thịnh vượng với thương mại, tự do, công bằng và cùng có lợi. Việt Nam ngày càng trở thành đối tác quan trọng về kinh tế của Hoa Kỳ", ông nhấn mạnh thêm.

Trong hơn 3 tháng qua, dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của DNNVV do USAID tài trợ đã hỗ trợ Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng và Hiệp hội DNNVV thực hiện khảo sát các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên toàn quốc. Khảo sát đã thu thập thông tin về đánh giá của doanh nghiệp với gói hỗ trợ trên 62.000tỷ đồng, thu thập ý kiến, kiến nghị, đề xuất về cải cách thủ tục hành chính.

Ông Michael Greene hy vọng những số liệu của kết quả khảo sát này sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đề xuất quy định, thủ tục hiệu quả, giúp doanh nghiệp hồi phục hậu COVID-19, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia.

Liên quan đến thủ tục cấp phép đầu tư, kinh doanh, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) tại Việt Nam cho biết nhiều nhà đầu tư Mỹ, Anh, Nhật, Singapore… đang bị phong tỏa. Do đó, việc lấy tài liệu được hợp pháp hóa lãnh sự và chữ ký tươi ở các nước này đang là một thách thức và điều này trì hoãn việc nộp hồ sơ cho các thủ tục tại Việt Nam trung bình khoảng 2 tháng.

Mặc dù đây không phải là vấn đề của Việt Nam, song vấn đề này đang trở thành một vấn đề lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, do thực tế các cơ quan hành chính của Việt Nam chưa có sự linh động để miễn trừ hay đơn giản hóa các yêu cầu về hành chính này.

Để giải quyết những vấn đề nêu trên, AmCham đề xuất Chính phủ tiếp tục xây dựng hệ thống ứng dụng trực tuyến mạnh mẽ. Các cơ quan chức năng áp dụng các tiếp cận chủ động để rà soát và đơn giản hóa quy trình chấp thuận cho các dự án đầu tư nước ngoài để thực sự thu hút làn sóng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tiếp theo cho Việt Nam.

T.Công

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên