Giảm được 1 ngày thông quan, doanh nghiệp tiết kiệm hàng tỷ USD
Theo TS.Nguyễn Đình Cung, nếu nước ta nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, chỉ cần giảm được 1 ngày thông quan, doanh nghiệp tiết kiệm hàng tỷ USD.
- 08-02-2016Cải thiện môi trường kinh doanh: Không dừng lại!
- 22-12-2015Quy định tốt nhất và tồi nhất tác động đến môi trường kinh doanh
- 03-09-2015Với FTA Việt Nam - EU, môi trường kinh doanh sẽ có thay đổi lớn
-
Người dân, DN đóng góp nguồn tài chính cho các quỹ ngoài ngân sách gần như không biết chi tiết việc sử dụng, chi tiêu các quỹ ra sao
Theo Nghị quyết 19/2016 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2017, năng lực cạnh tranh của Việt Nam phải đạt mức trung bình trong nhóm 4 nước phát triển của ASEAN (gồm Singapore, Thái Lan, Malaysia và Philippines).
Thách thức: Giảm khoảng cách giữa quy định và thực tiễn
Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho hay triển khai Nghị quyết 19/2016, Bộ Tài chính gặp thách thức là phải tiếp tục giải quyết vấn đề của năm 2014 và 2015, đó là rút ngắn khoảng cách giữa quy định và thực tiễn. Nay lại thêm thách thức mới, đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng Bộ Tài chính mà còn của các bộ ngành liên quan và cả Chính phủ, đó là chỉ số 39,4% đóng góp của doanh nghiệp về thuế, bảo hiểm.
Theo ông Tuấn, đây là một chỉ số để đánh giá. Nếu cứ duy trì chỉ số này thì rất khó tiến bộ. Trong 39,4% đó, thuế chỉ 14-15%, so sánh quốc tế thì khả năng giảm xuống mức này là khó. Các quốc gia khác trong nhóm G20 thì thuế khoảng 25-27% với DNVVN, 32% DN lớn. Đối với Đông Nam Á thì thuế cạnh tranh nhất là Singapore chỉ từ 7-17%, tùy loại doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là, so với Đông Nam Á, nước ta có gì đồng nhất và không đồng nhất với họ? Từ góc độ nghiệp vụ, ông Tuấn đề nghị đánh giá cho rõ thực trạng, theo thông lệ quốc tế. Cần xem lại một số chỉ tiêu để kiến nghị giải pháp thực hiện phù hợp.
Phân tích rõ hơn điểm này, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn dẫn chứng từ lĩnh vực hải quan. Chỉ tiêu về thời gian giao dịch thương mại nêu trong Nghị quyết 19 là chỉ tiêu tổng hợp của 14 bộ ngành, trong đó trách nhiệm Bộ Tài chính chiếm 28%. Bản thân Bộ Tài chính tin tưởng khả thi cao đạt phần mục tiêu thuộc về Bộ. Nhưng quan trọng là 72% còn lại phụ thuộc vào 13 bộ khác, trong đó liên quan đến 87 luật, nghị định, thông tư.
Do đó, ông Tuấn đề nghị, với vai trò chủ trì đôn đốc triển khai Nghị quyết 19/2016 là Văn phòng Chính phủ cần triển khai ngay công tác triển khai thực hiện Nghị quyết này tại các bộ, ngành, địa phương.
Hãy hành động thực chất
TS. Nguyễn Đình Cung cũng lưu ý rằng, Nghị quyết 19/2016 phân rất rõ 2 phần nhiệm vụ. Một là, nhiệm vụ chung giao cho các bộ, ngành, địa phương. Hai là, nhiệm vụ cụ thể giao cho từng bộ, ngành. Do đó, nhiệm vụ chung là xây dựng kế hoạch hành động. Kinh nghiệm cho thấy, thực hiện Nghị quyết 19 trước đây, nhiều bộ, ngành, địa phương đưa ra kế hoạch hành động thường không bám sát Nghị quyết 19, thậm chí giống như là cắt – dán ở đâu đó vào cho có.
Theo Văn phòng Chính phủ, điểm mới trong triển khai thực hiện Nghị quyết 19 năm 2016 là Văn phòng Chính phủ sẽ trực tiếp chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu. Văn phòng Chính phủ sẽ trực tiếp vào cuộc để kiểm tra, giám sát các Bộ, ban ngành và địa phương trong việc thực hiện triển khai các bộ chỉ tiêu về: cải cách môi trường kinh doanh liên quan đến thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội...
Trước đây, hai Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Bộ Tài Chính (BTC) được Chính phủ giao là đầu mối trực tiếp điều hành việc thực hiện Nghị quyết 19. Các bộ ban ngành và địa phương có trách nhiệm thực hiện, báo cáo Chính phủ tiến trình và kết quả thực hiện.
Vì thế, “lần này chúng tôi sẽ đọc đánh giá các kế hoạch hành động từ bộ, ngành, địa phương gửi lên, nếu thấy không bám sát Nghị quyết 19, sẽ báo cáo Chính phủ yêu cầu địa phương, bộ, ngành sửa kế hoạch hành động cho bám sát nhiệm vụ Nghị quyết 19 đã nêu. Bởi vì, kế hoạch hành động là công cụ rất quan trọng, nó sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện sau đó”- TS. Cung nhấn mạnh.
Còn ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó GĐ Sở KHĐT Thành phố Hồ Chí Minh, thẳng thắn rằng, trong cải cách thủ tục hành chính, các chỉ tiêu thứ hạng đặt ra thì nhiều, nhưng cốt lõi phải là ở con người - đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện việc cải cách hành chính. Đội ngũ này có tính quyết định, chủ trương có tốt mà cán bộ thực hiện không tốt thì sẽ khó đạt yêu cầu, mục tiêu đặt ra.
Cho nên ông Minh kiến nghị, các cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước phải nhận thức rõ và thực hiện coi người dân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ chứ không phải khi doanh nghiệp cần thì nhà nước ban phát. Cùng với đó, cần ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước. Ứng dụng hiệu quả sẽ giảm nhũng nhiễu trong đội ngũ cán bộ, công chức.
Theo đánh giá của ông Minh, thủ tục hành chính của nước ta còn rất nhiêu khê. Dù cố gắng đưa công khai lên mạng cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận. Nhưng thực chất thì người bình thường vẫn khó tiếp cận được, chỉ cán bộ, chuyên viên quen làm việc đó mới có thể điền được đúng các thông tin như yêu cầu. Cho nên, thay vì khâu kiểm tra thủ tục ở phần cuối khi nhận hồ sơ, cơ quan nhà nước nên chủ động giải thích, hướng dẫn cụ thể từ khi bắt đầu làm hồ sơ để khi người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ đến cơ quan nhà nước là được ngay, không phải mất thời gian bổ sung, sửa chữa.
Đặc biệt, khi địa phương có vướng mắc, có sự chưa hiểu, chưa rõ về quy định, thủ tục của bộ, ngành nào đó ban hành ra, địa phương có ý kiến lên Bộ thì Bộ nên trả lời kịp thời. Thực tế, hiện cán bộ dưới địa phương vẫn rất khó nhận được trả lời từ trên Bộ. Vì thế, có những vướng mắc doanh nghiệp hỏi, địa phương phải chờ bộ trả lời thì mới giải đáp cho doanh nghiệp được. Song, do bộ không rõ ràng thời điểm sẽ trả lời nên địa phương thành ra phải thất hứa với doanh nghiệp, không biết khi nào mới trả lời họ được.
Bình luận về điểm này, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), dẫn ví dụ nói rằng, chỉ số thông quan qua biên giới (không chỉ là xuất nhập khẩu) là chỉ số rất quan trọng với nền kinh tế Việt Nam. Đã có tính toán chỉ ra rằng, nếu giảm được 1 ngày thông quan, tiết kiệm hàng tỷ USD chi phí cho doanh nghiệp. Việc này liên quan nhiều bộ, ngành nhưng thực tế các bộ còn rất trì trệ trong phối hợp với Bộ Tài chính triển khai chỉ số này.
Ví dụ, ông Cung cho biết, cổng một cửa quốc gia có kết nối với các bộ, hiện mới có vài thủ tục được kết nối trong hàng trăm thủ tục. Các bộ chủ yếu mới thực hiện kết nối thủ tục ít ảnh hưởng đến lợi ích của Bộ đó, còn những thủ tục mà ảnh hưởng nhiều và tác động tích cực đến cộng đồng doanh nghiệp và có thể kéo giảm chi phí này thì vẫn chưa được kết nối. Cho nên, cần phải thực hiện kết nối thực sự thực chất, không nên kết nối một cách hình thức để báo cáo./.
VOV