Giảm gần 10% từ đỉnh, chứng khoán bao giờ ngừng "rơi"?
Theo chuyên gia, để thị trường cân bằng và xác lập đáy thì giá cần chiết khấu đủ sâu và thời gian giảm cần đủ lâu.
- 23-04-2024Góc nhìn CTCK: Rủi ro điều chỉnh gia tăng, VN-Index có khả năng hướng về 1.150 điểm
- 23-04-2024Thủ tướng: Khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán
- 23-04-2024Nhà đầu tư đam mê vay tiền để mua cổ phiếu, tỷ lệ dư nợ ký quỹ trên TTCK Việt Nam thiết lập đỉnh cao mới, áp lực "call margin" liệu có đáng ngại?
Thị trường chứng khoán đang trải qua giai đoạn đầy khó khăn khi liên tục sụt giảm mạnh. VN-Index đã "bay" hơn 100 điểm (~ 9%) kể từ mức đỉnh thiết lập hồi cuối tháng 3 để về 1.177 điểm. Mức giảm nhanh chóng mặt gần như đã xoá sạch mọi thành quả tăng giá của thị trường kể từ đầu năm.
Điều đáng ngại là xu hướng giảm gần như không có bất cứ nỗ lực hãm đà nào. Thanh khoản thị trường gần như "mất hút" khi vắng bóng những phiên giao dịch tỷ USD, giá trị giao dịch bình quân trên HOSE chỉ duy trì quanh 15.000 tỷ đồng trong nhiều phiên gần đây. Dòng tiền sụt giảm ngay cả trong những phiên thị trường giảm mạnh cho thấy dòng tiền vẫn kiến quyết đứng ngoài khi chưa có tín hiệu tạo đáy rõ ràng.
Thực tế, nhiều quan điểm cho rằng VN-Index rất khó giảm 15-20% và ngưỡng MA200 tại vùng 1.170-1.180 điểm có thể sẽ là điểm cân bằng cho chỉ số, song vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy thị trường đã hình thành đáy. Sau những nhịp giảm sốc, liệu VN-Index bao giờ ngừng rơi?
Đà giảm có thể chưa kết thúc
Ông Ngô Minh Đức, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính LCTV cho rằng thị trường hiện tại đang vẫn đang trong xu hướng điều chỉnh. Sau 4 phiên giảm mạnh tuần trước, thị trường có 1 phiên bull trap vào ngày 22/4, sau đó rơi trở lại có lúc thủng MA200 vào chiều 23/4. Thông thường, thị trường ít khi "rơi" thẳng tuột một mạch 8-10 phiên như giai đoạn Covid mà sẽ giảm 4-5 phiên rồi hồi phục và giảm tiếp. Đây là diễn biến quan trọng nhà đầu tư nên theo dõi để không mua vào quá sớm.
Vị chuyên gia cho rằng lượng margin cao sẽ là áp lực chính trong thời gian tới. Tuy áp lực margin có thể không chạm đến ngưỡng giải chấp trên diện rộng, nhưng nhiều nhà đầu tư sẽ chủ động bán hạ margin có thể khiến nhịp điều chỉnh thêm sâu hơn.
Nhận định về mức thanh khoản thấp hiện tại, ông Đức cho rằng nhiều nhà đầu tư hiện đang kỳ vọng thị trường chiết khấu thêm, bởi sau nhịp tăng gần 300 điểm thì một nhịp giảm nhanh 9% từ đỉnh là chưa đủ hấp dẫn.
Đồng thời, thị trường chưa có dấu hiệu kỹ thuật về việc tạo đáy khiến nhà đầu tư trading cũng dè dặt hơn trong việc xuống tiền. Mặt khác, kết quả kinh doanh quý 1 chưa công bố hết cũng khiến nhà đầu tư giao dịch chậm lại để tìm kiếm những doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tới.
Theo chuyên gia, để thị trường cân bằng và xác lập đáy thì giá cần chiết khấu đủ sâu và thời gian cần đủ lâu chứ không chỉ trong 1-2 phiên. Trong kịch bản lạm phát tháng 4 gia tăng hoặc FED trì hoãn việc giảm lãi suất sớm, áp lực bán có thể tăng mạnh hơn khiến chỉ số "thủng" ngưỡng hỗ trợ MA200 ngày tại 1.175 điểm. Nếu kịch bản này xảy ra, khả năng VN-Index có thể về lại vùng 1.120-1.135 điểm.
Nhà đầu tư có thể đứng ngoài thay vì cố bắt đáy
Để dòng tiền quay trở lại dẫn dắt chỉ số đi lên, thị trường cần có bệ đỡ vĩ mô ổn định như lạm phát thấp, tỷ giá hạ nhiệt và lãi suất không tăng thêm. Do đó, bên cạnh việc quan sát những tín hiệu kỹ thuật, nhà đầu tư nên chú ý một số chỉ báo vĩ mô để phân bổ danh mục và tỷ trọng đầu tư của mình đúng hướng.
Trong ngắn hạn, nhà đầu tư vẫn nên "đứng ngoài" để tránh rủi ro. "Đáy được hình thành là một vùng chứ không phải trong vài phiên và trong một xu hướng giảm luôn có những phiên tăng xen kẽ nhưng không giúp thay đổi xu hướng chung.
Thay vì bắt đáy, nhà đầu tư nên đợi thị trường ổn định và xác lập vùng cân bằng rồi mới giải ngân lại để phòng ngừa rủi ro. Đồng thời nhà đầu tư nên tuân thủ kỷ luật chốt lời/ cắt lỗ khi hàng về", ông Đức đưa ra khuyến nghị.