Giảm lãi suất cho vay: Còn chờ…
Mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp so với nhiều năm trước đây, cộng thêm những tín hiệu hỗ trợ tích cực từ thị trường trong nước và thế giới, các doanh nghiệp đang đặt nhiều kỳ vọng vào việc giảm lãi suất cho vay vào mùa cao điểm cuối năm.
- 12-10-2016Các ngân hàng đang "ăn chênh lệch" lãi suất bao nhiêu?
- 11-10-2016Tin vui cho doanh nghiệp: Ngân hàng bắt đầu hạ lãi suất cho vay
- 10-10-2016Mặc kệ các "ông lớn" điều chỉnh giảm, ngân hàng nhỏ lại bắt đầu cuộc đua lãi suất mới
Động thái tích cực
Báo cáo kinh tế vĩ mô 9 tháng đầu năm của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đã nhận định, thông thường, vào quý cuối năm, các ngân hàng thường đẩy mạnh tín dụng để đạt chỉ tiêu cả năm. Bên cạnh đó, từ ngày 26-9, một số ngân hàng thương mại lớn đã giảm lãi suất huy động từ 0,3-0,5 điểm % đối với tiền gửi ngắn hạn và giảm lãi suất cho vay đối với đối tượng ưu tiên cho đến cuối năm 2016. Đây là một tín hiệu tích cực của việc giảm lãi suất cho vay vào mùa cao điểm tín dụng cuối năm.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã điều hành theo hướng điều tiết lượng vốn khả dụng của hệ thống một cách hợp lý, tức là cho phép hệ thống dư thừa thanh khoản, cho phép lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp. Việc này để các tổ chức tín dụng nếu gặp khó khăn về thanh khoản có thể dễ dàng tiếp cận trên thị trường liên ngân hàng, không quay ra cạnh tranh lãi suất huy động từ thị trường 1.
Trước đó, vào tháng 8, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, dư địa để giảm lãi suất cho vay không còn nhiều do chưa có định hướng giảm tình trạng “phân mảnh” tín dụng theo các chương trình khác nhau; do tác động chèn lấn của việc phát hành trái phiếu Chính phủ đối với tín dụng tư nhân và lạm phát kỳ vọng ở mức cao.
Tuy nhiên, khoảng 3 tháng trở lại đây, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm xuống mức thấp kỷ lục, cho thấy dư thừa thanh khoản đang ở mức cao. Nhờ đó, Kho bạc Nhà nước đã sớm hoàn thành kế hoạch huy động trái phiếu Chính phủ. Tính đến 23-9, trái phiếu Chính phủ đã huy động được trên 250 nghìn tỷ đồng. Mặc dù, cơ quan này tiếp tục điều chỉnh kế hoạch phát hành tăng thêm 31.000 tỷ đồng trái phiếu, nhưng mức điều chỉnh này được nhận định cũng không gây nhiều áp lực lên lãi suất.
Về lạm phát, Tổng cục Thống kê đã công bố lạm phát tháng 9 vẫn giữ ở mức tương đối thấp, tăng 3,14% so với cuối năm 2015. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản vẫn duy trì dưới 2% trong 9 tháng cho thấy sức ép từ tổng cầu đối với lạm phát không lớn. Điều này giúp các ngân hàng lớn “yên tâm” và quyết định giảm lãi suất huy động.
Còn quá sớm
Năm 2016 là năm có nhiều hoạt động, chỉ đạo tăng cường sự hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển. Vì thế, giảm lãi suất cho vay cũng không phải ngoại lệ. Từ tháng 5, sau cuộc gặp mặt giữa doanh nghiệp với Thủ tướng, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị 04, là chỉ thị xuyên suốt với Chỉ thị 01, chỉ đạo tác tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn cho hợp lý, tiết kiệm chi phí, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, việc giảm lãi suất cho vay vẫn chưa thực sự đạt được kết quả như mong đợi. Vì thế, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, nguồn huy động dồi dào trong khi tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức vừa phải sẽ tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất hạ nhiệt. Đây là thời điểm thích hợp để từng bước cắt giảm lãi suất cho vay, khi áp lực chạy đua lãi suất không còn diễn ra như những tháng đầu năm. Điều này được kỳ vọng sẽ góp phần tạo cú huých cho doanh nghiệp phát triển vào cuối năm và sang đầu năm 2017.
Có thể thấy, lãi suất cho vay không thể “nói là giảm ngay” mà phải đi từng bước. Theo nhận định của một số chuyên gia, việc giảm lãi suất trên mới chỉ diễn ra tại một số ngân hàng có thanh khoản tương đối mạnh, chưa thành xu hướng chung. Bên cạnh đó, tình trạng nợ xấu cũng là một trở lực cho động thái này của các ngân hàng.
Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho hay, nợ xấu mặc dù có tỷ lệ dưới 3% nhưng lại phân bổ không đồng đều, tập trung chủ yếu tại một số tổ chức tín dụng yếu kém (nợ xấu của 19 tổ chức tín dụng chiếm 55,1% tổng nợ xấu hệ thống). Nguyên nhân xử lý nợ xấu chậm là do năng lực trích lập dự phòng rủi ro hạn chế, việc phát mại tài sản bảo đảm gặp nhiều khó khăn pháp lý, quá trình tố tụng kéo dài.
Hơn nữa, tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm chỉ đạt 10,2% so với cuối năm 2015, còn cách khá xa mục tiêu tăng trưởng cả năm 18-20%. Vì thế, thời điểm này vẫn còn quá sớm để đặt ra nhiều kỳ vọng cho việc giảm lãi suất cho vay, mà cần nhìn nhận trong lộ trình dài hơi hơn.
Trước những vấn đề trên, việc nới lỏng chính sách lãi suất một lần nữa được khơi lại. Tại cuộc họp phiên thường kỳ quý III Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng đã lưu ý các bộ, ngành nghiên cứu dỡ bỏ trần lãi suất huy động 6 tháng (hiện NHNN quy định lãi suất tiền gửi tối đa bằng tiền đồng của các tổ chức, cá nhân tại các tổ chức tín dụng là 5,5%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng).
Ủng hộ đề xuất trên, chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Việt Nam đã đi vào nền kinh tế thị trường nên những biện pháp hành chính để đưa ra trần lãi suất là biện pháp “phi thị trường”. Lãi suất cũng như “cái giá” của đồng tiền, nên cái giá này phải được định theo cung cầu của thị trường, hơn nữa, đây còn là tín hiệu về sức khỏe tài chính của các ngân hàng, ngân hàng nào yếu, đói vốn thì ngân hàng đó sẽ đẩy lãi suất lên.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu khẳng định, tác động của việc gỡ bỏ trần lãi suất có thể làm tăng lãi suất lên trong lúc khởi đầu, nhưng rồi sẽ trở lại mức quân bình. Bởi nếu lãi suất huy động bị đẩy lên cao sẽ gây dư thừa nguồn cung, lãi suất cho vay tăng cao sẽ không ai dám vay, do đó, thị trường và các ngân hàng sẽ tự điều chỉnh về mức hợp lý để có thể tồn tại được.
Mặc dù vậy, với tình hình thị trường tài chính của Việt Nam còn nhiều bất ổn, việc bỏ trần lãi suất có thể tạo thành cú “sốc” cho thị trường, khiến thị trường rơi vào tình trạng hỗn loạn nên cần có một định hướng cụ thể và rõ ràng hơn. Nên trước mắt, vấn đề lãi suất vẫn cần sự điều tiết đúng đắn của NHNN và sự “vững vàng” của các ngân hàng thương mại.