MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giảm lãi suất - nhiều yếu tố hỗ trợ

01-10-2016 - 10:42 AM | Tài chính - ngân hàng

Sau khi 4 ngân hàng thương mại lớn giảm lãi suất, đã có một vài ngân hàng nhỏ “noi theo”. Các ngân hàng cho rằng, thanh khoản dồi dào trong khi tín dụng quý IV khó tăng đột biến, vì vậy có cơ sở để giảm lãi suất.

Tín hiệu đáng mừng

Tuần qua, thị trường tiền tệ đón nhận thông tin nóng về việc 4 ngân hàng thương mại lớn là VietinBank, BIDV, Vietcombank và Agribank đồng loạt giảm lãi suất huy động. Cụ thể, lãi suất áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng được các ngân hàng này công bố ở mức 0,3 - 0,5%/năm, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng ở mức 4,2 - 4,3%/năm, kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 5 tháng ở mức 4,8%/năm, kỳ hạn từ 5 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 5%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng ở mức 5,3%/năm, và kỳ hạn từ 9 tháng đến dưới 12 tháng ở mức 5,5%/năm.

Động thái này có phần bất ngờ, mặc dù Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra lời “hiệu triệu” giảm lãi suất từ tháng 4.2016. Bất ngờ ở chỗ, thông thường càng về cuối năm, nhu cầu huy động vốn càng cao để đáp ứng nhu cầu cho vay, nên khó giảm lãi suất huy động, thậm chí còn tăng.

Theo một chuyên gia tài chính - ngân hàng, phải có sự chỉ đạo của NHNN, 4 “ông lớn” ngân hàng mới đồng loạt hạ lãi suất như vậy. Can thiệp hành chính là cần thiết để có điều kiện giảm mặt bằng lãi suất và tạo sức lan tỏa cho thị trường. Bằng chứng, vài ngày sau đó, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng “noi theo”, điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Lãnh đạo ngân hàng cho biết, quyết định này hưởng ứng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN về việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cá nhân trong hoạt động sản xuất kinh doanh và nền kinh tế.

TS. Trần Du Lịch - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, động thái giảm lãi suất đã thể hiện vai trò dẫn dắt thị trường của các ngân hàng thương mại lớn. Và khi có một vài ngân hàng nhỏ hưởng ứng, sẽ tạo cơ hội tốt hơn để neo mặt bằng lãi suất cho vay chung hoặc giảm đôi chút trong những tháng cuối năm.

Vẫn cần sự đồng thuận

Vài tuần trước khi 4 ngân hàng lớn giảm lãi suất huy động, tất cả các ngân hàng đã họp với lãnh đạo NHNN về diễn biến huy động vốn và cho vay, dự báo tín dụng cuối năm. Nhìn chung các ngân hàng cho rằng, năm nay thanh khoản khá tốt, thậm chí có ngân hàng đã giảm lãi suất huy động nhưng tiền vẫn vào, trong khi tín dụng quý IV khả năng sẽ không tăng đột biến, nên có cơ sở để giảm lãi suất huy động. Bên cạnh đó, giới chuyên gia cũng bình luận, sau khi Chính phủ hoàn thành mục tiêu phát hành trái phiếu (người mua phần lớn là các tổ chức tín dụng), các ngân hàng có thể cân đối nguồn vốn để đi đến quyết định giảm lãi suất huy động.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng khá thận trọng “chờ” Tổng cục Thống kê công bố một số chỉ số kinh tế tháng 9 và 9 tháng năm 2016 mới ra quyết định giảm lãi suất huy động. Đặc biệt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 của cả nước được ghi nhận tăng 0,54% so với tháng 8. So với tháng 12.2015, CPI tháng 9 tăng 3,14%. Như vậy, nếu nhìn vào CPI thì mặc dù các ngân hàng giảm lãi suất huy động, người gửi tiền vẫn được hưởng lãi suất thực dương.

Tuy vậy, việc giảm lãi suất huy động cũng cần phải có sự đồng thuận, hợp tác từ các ngân hàng. Bởi, cùng một mức lãi suất thì bao giờ ngân hàng lớn cũng hút tiền gửi hơn ngân hàng nhỏ. Theo chia sẻ của lãnh đạo một ngân hàng thương mại lớn, thực tế, với nguồn vốn dồi dào, ngân hàng đã có ý định giảm lãi suất huy động từ trước đó nhưng vẫn lo ngại mất khách do các ngân hàng quy mô nhỏ và trung bình có mức lãi suất huy động cao hơn.

Nhìn nhận động thái giảm lãi suất huy động là rất tích cực nhưng theo TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính ngân hàng, để lãi suất cho vay tiếp tục giảm, cần có thêm nhiều yếu tố như: Lạm phát thấp, xử lý nhanh nợ xấu, tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém để không tái diễn hiện tượng cạnh tranh lãi suất…

Theo Bình Nhi

Đại biểu nhân dân

Trở lên trên