MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giảm nghèo bền vững: Khi "cho không" là không đủ!

Mới đây, đề xuất về nghiên cứu bãi bỏ chính sách "cho không", hỗ trợ có điều kiện với hộ nghèo được đưa ra bàn luận trong mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025.

Cần thay đổi chiến lược hỗ trợ để giảm nghèo bền vững

Trong cuộc họp mới đây, Cơ quan thẩm tra của Quốc hội đề xuất nghiên cứu bãi bỏ một số chính sách cho không hộ nghèo, thực hiện chính sách hỗ trợ có điều kiện, tập trung đầu tư con người, tiếp tục tăng nguồn lực, tăng mức đầu tư để thoát nghèo bền vững... Đây cũng được cho là điểm đột phá mới, là mục tiêu, chiến lược để giải quyết những hạn chế hiện nay.

Nhìn lại kết quả giám sát tại 6 tỉnh, tổng hợp báo cáo của 40 tỉnh, thành phố cho thấy các mục tiêu giảm nghèo do Quốc hội và Chính phủ đề ra đều hoàn thành.

Dù đạt được nhiều kết quả ấn tượng, nhưng kết quả giảm nghèo đến hết năm 2019 và dự báo cuối năm 2020 chưa bền vững, còn có sự chênh lệch giữa các vùng, miền. Số hộ tái nghèo bằng khoảng 5% số hộ thoát nghèo; số hộ nghèo mới phát sinh bằng khoảng 1/4 số hộ thoát nghèo.

Giảm nghèo bền vững: Khi cho không là không đủ! - Ảnh 1.

Các khoản "cho không" tạo thái độ ỷ lại của một bộ phận người nghèo. (Ảnh minh họa: NLĐ)

Tình trạng chênh lệch giàu nghèo, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao như: Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La.

Chính sách "cho không" có thực sự hiệu quả?

Các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo ("cho không") chiếm khá lớn nguồn lực giảm nghèo, nhưng thực tế các khoản "cho không" với người vùng khó khăn bao nhiêu cũng không đủ và tạo thái độ ỷ lại của một bộ phận người nghèo, thậm chí một số vùng nghèo vẫn muốn "nghèo bền vững" được trợ cấp. Số tiền nếu tính từng người thì nhỏ, cộng lại hàng triệu lượt người hưởng là khoản chi cực lớn. Vấn đề đặt ra là một số khoản không thực sự hiệu quả giúp phần vào giảm nghèo, thoát nghèo, thậm chí còn gây khó cho đối tượng nhận.

Ghi nhận tại Bắc Kạn, cứ 3 tháng một lần, đại diện hộ nghèo từ các thôn bản xa xôi lại về trụ sở xã Nghiêm Loan, Ba Bể, Bắc Kạn để lĩnh tiền điện - 153.000 đồng. Số tiền tuy không nhiều nhưng chưa bao giờ vắng một người đến lĩnh.

51.000 đồng/hộ/tháng là tiền điện chủ yếu để thắp sáng, thực tế có góp phần vào giảm nghèo của từng hộ? Về tâm lý, lâu thành quen, cứ gì nhà nước cho thì nhận, nhưng chính sách "cho không" dù thiết thực, nhưng một số người dân lại không nhận.

Ông Vi Văn Thịnh (bản Khe Thơi, xã Lạng Khê, Con Cuông, Nghệ An) kiên quyết "từ chối" tiền hỗ trợ xây nhà cho hộ nghèo. Lý do ông không nhận tiền là vì mang tiền về cũng chẳng đủ xây nhà mới và ông cũng chẳng biết làm gì với số tiền này.

Không để vợ chồng ông ở căn lều nát, thôn, xã đã đi vận động quyên góp đủ 31 triệu đồng vật liệu, huy động thanh niên trong thôn góp 3 tuần công xây nhà cho gia đình ông.

Thay đổi chiến lược hỗ trợ để giảm nghèo bền vững

Vào năm 2018, Chính phủ đã bãi bỏ Quyết định số 102 về hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn do những thay đổi thực tiễn khiến chính sách không còn ý nghĩa; thay vào đó sẽ lồng ghép nguồn lực thực hiện các chương trình chính sách dân tộc khác, đặc biệt là các chương trình, chính sách đang thực hiện tại vùng đặc biệt khó khăn nhưng chưa được bố trí vốn...

Giảm nghèo bền vững: Khi cho không là không đủ! - Ảnh 2.

Việc cho không hay không cho không sẽ không còn nặng nề nếu những giải pháp thoát nghèo được trao vào tay người dân.

Đến nay, lại một lần nữa một số chính sách "cho không" tiếp tục được đề xuất xóa bỏ, nhưng lần này là trong chương trình, mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025. Điều đó cho thấy đã có sự thay đổi rõ rệt trong tư duy làm chính sách giảm nghèo.

Học nghề là lối thoát

Việc cho không hay không cho không sẽ không còn nặng nề nếu những giải pháp thoát nghèo được trao vào tay người dân, cụ thể ở đây là giáo dục đào tạo. Ví dụ, một lao động có trình độ thì thu nhập một tháng bằng khoảng 2 - 3 lần cả gia đình họ làm nương rẫy, ngày ngày trông chờ vào những diện tích cằn cỗi. Thoát nghèo không chỉ là chờ đợi tiền hỗ trợ, hay thoát ly mà còn phải đi học nghề, có nghề mới là hướng thoát nghèo bền vững.

Lần đầu tiên, huyện biên giới Tương Dương, Nghệ An thí điểm đưa một lớp học sinh vừa tốt nghiệp THCS về xuôi học nghề. Tại đây, các em vừa được học văn hóa, vừa được học các nghề điện tử, cắt gọt kim loại và hàn.

Theo mô hình 9+, học viên được nhà nước miễn 100% học phí và có thể tốt nghiệp với tấm bằng trung cấp hoặc cao đẳng sau 2 - 3 năm nữa. Với nhóm lao động trẻ từ vùng khó khăn, chỉ có học nghề mới là lối thoát.

Rõ ràng, nhiều phương án, mô hình và nguồn lực cho vùng khó khăn đã được triển khai. Tuy nhiên, việc tận dụng thế nào để đem lại giá trị cao hơn còn tiếp tục phải tính toán, rà soát. Chính sách giảm nghèo đã xác định "cho cần câu chứ không cho cá", nhưng câu thế nào cũng cần phải hướng dẫn, để không chỉ là thoát nghèo mà là thoát nghèo bền vững; thay đổi quan niệm, nhận thức để chủ động thoát nghèo.

Theo Ban Thời sự

Theo VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên