Giảm sàn phiên thứ 7 liên tiếp, hơn 44 triệu cổ phiếu EIB được mua khớp lệnh trong ''1 nốt nhạc'', thanh khoản cao kỷ lục
Hơn 44 triệu cổ phiếu EIB đặt bán giá sàn được mua hết chỉ trong vòng 15 phút, giá trị khoảng 800 tỷ đồng.
- 16-11-2022Cổ phiếu Eximbank giảm sàn 5 phiên liên tiếp, ngân hàng nói gì?
- 29-10-2022Cổ đông lớn rút vốn, Eximbank chuẩn bị họp ĐHCĐ bất thường, bầu bổ sung thành viên HĐQT
- 28-10-2022Thêm chuyển động mới tại Eximbank: Khối ngoại bán ròng gần 74,5 triệu cổ phiếu, giá trị hơn 2.900 tỷ
Nối tiếp đà phục hồi từ phiên hôm qua, sắc xanh tiếp tục tràn ngập thị trường chứng khoán Việt Nam trong ngày 17/11. Riêng nhóm ngân hàng, ngay từ phiên sáng đã chứng kiến nhiều mã tăng 4 – 5%, thậm chí tăng kịch trần.
Dù vậy, cổ phiếu EIB của Eximbank vẫn có diễn biến khá tiêu cực khi liên tục ở trong trạng thái giảm sàn, dư bán hàng chục triệu đơn vị. Ghi nhận lúc 14h, có tới hơn 44 triệu cổ phiếu EIB được đặt bán giá sàn 18.150 đồng/cp. Tuy nhiên, toàn bộ số cổ phiếu này đã được mua hết chỉ trong vòng 15 phút và đến 14h15, giá EIB đã vọt lên mức 20.000 đồng/cp, tương đương tăng gần 2,6% so với giá tham chiếu.
Dù vậy, lực bán tăng mạnh về cuối phiên vẫn đẩy cổ phiếu này giảm về giá sàn với tổng cộng gần 51 triệu cổ phiếu được giao dịch khớp lệnh trực tiếp, giá trị 928 tỷ đồng. Đây là mức thanh khoản lớn nhất kề từ khi niêm yết của cổ phiếu Eximbank.
Với phiên giảm kịch mức cho phép hôm nay, EIB đã nằm sàn 7 phiên liên tiếp. Tính từ mức đỉnh 42.000 đồng ghi nhận vào ngày 27/10, thị giá EIB đã mất tổng cộng gần 57%.
Mới đây, Eximbank đã có văn bản giải trình về việc giá cổ phiếu giảm sàn 5 phiên liên tiếp từ ngày 09-15/11/2022. Theo Eximbank, giá cổ phiếu EIB tăng giảm là do cung cầu của thị trường, nằm ngoài tầm kiểm soát của Ngân hàng.
Eximbank cho biết hiện vẫn hoạt động bình thường, hiệu quả kinh doanh 9 tháng đầu năm đạt kết quả khả quan với nhiều chỉ tiêu hoạt động đã vượt kế hoạch năm 2022.
Eximbank khẳng định hoạt động kinh doanh của Ngân hàng trong thời gian qua tăng trưởng tốt, an toàn và luôn tuân thủ đúng các quy trình của pháp luật và quy định của Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, sự biến động của giá cổ phiếu không ảnh hưởng gì đến hoạt động kinh doanh của Ngân hàng.
Ở diễn biến khác, Hội đồng quản trị ngân hàng mới đây đã quyết định chốt danh sách cổ đông vào 28/11/2022 để tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường, dự kiến tổ chức tháng 1/2023 tại TP. Hồ Chí Minh.
Đồng thời, HĐQT Eximbank cũng ban hành Nghị quyết thông qua việc đề xử nhân sự dự kiến bầu bổ sung vào HĐQT của Eximbank nhiệm kỳ VII (2020-2025). Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền đề cử là 11/11/2022. Số lượng thành viên dự kiến bầu bổ sung sẽ được nêu và công bố thông tin tại thông báo gửi cổ đông.
Kế hoạch bầu bổ sung thành viên HĐQT diễn ra sau khi 2 thành viên HĐQT của Eximbank liên quan đến Tập đoàn Thành Công đã có đơn từ nhiệm thời gian gần đây. Cụ thể, ngày 24/10, bà Lê Hồng Anh (Thành viên HĐQT) và ông Đào Phong Trúc Đại (Thành viên HĐQT độc lập) đã có đơn từ nhiệm khỏi HĐQT Eximbank vì lý do cá nhân.
Trước đó, nhóm cổ đông Tập đoàn Thành Công đã tiến hành thoái vốn khỏi Eximbank theo phương thức giao dịch thỏa thuận. Trong đó, Nguyễn Thị Hồng Ngọc, con gái của bà Lê Hồng Anh đã chuyển nhượng toàn bộ hơn 11 triệu cổ phiếu EIB. Ngoài ra, 3 tổ chức liên quan đến bà Hồng Anh là Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Công cũng đã bán hơn 60,5 triệu cổ phiếu EIB (tỷ lệ 4,924%), Hợp Tác xã Cổ phần Thành Công bán hơn 44,7 triệu cp EIB (tỷ lệ 3,637%), Công ty Cổ phần Phúc Thịnh bán hơn 12,2 triệu cp EIB (tỷ lệ 1,005%).
Ngoài 2 nhân sự trên, hồi tháng 9, ông Võ Quang Hiển cũng không còn là thành viên HĐQT Eximbank và thành viên/ủy viên các hội đồng/ủy ban trực thuộc Eximbank. Lý do miễn nhiệm là do ông Võ Quang Hiển không còn làm người đại diện theo ủy quyền của cổ đông Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) tại Eximbank từ ngày 14/9. SMBC là cổ đông chiến lược nước ngoài, nắm giữ 15% vốn Eximbank.
Về kết quả kinh doanh, Eximbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 3.181 tỷ đồng, tăng 229% so với cùng kỳ. Theo kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông thông qua, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2.500 tỷ đồng năm 2022. Như vậy, sau 9 tháng, ngân hàng đã vượt kế hoạch cả năm.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chấp thuận cho Eximbank tăng vốn điều lệ thêm tối đa 2.459 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối theo Phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông Eximbank thông qua. Theo đó, Eximbank sẽ phát hành 245,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 20%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu EIB sẽ nhận được số cổ phần mới tối đa là 20 cổ phần. Đây là lần đầu tiên Eximbank chia cổ tức kể từ năm 2014.
Nhịp sống Thị trường