MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giảm thuế giá trị gia tăng: Đòn bẩy kích cầu tiêu dùng

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất việc giảm thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 8-4-2023 về hội nghị Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2023.

Hai phương án giảm thuế GTGT

Tại nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân để giảm áp lực chi phí, thúc đẩy sản xuất; xem xét, thực hiện các giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất năm 2023.

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền trước ngày 15-4 để xem xét, thực hiện các giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất áp dụng cho năm 2023. Trong đó, nghiên cứu, đề xuất cả việc giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Liên quan việc giảm thuế GTGT, Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, trong đó đưa ra 2 phương án giảm 2% thuế GTGT năm 2023. Phương án 1, giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%). Phương án 2, giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như đã áp dụng trong năm 2022 theo Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Vụ Chính sách thuế đề xuất việc giảm thuế dự kiến từ ngày 1-7 đến hết ngày 31-12-2023. Vụ Chính sách thuế đề nghị Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan tổng kết đánh giá việc thực hiện chính sách giảm 2% thuế GTGT đã thực hiện trong năm 2022. Đồng thời, đánh giá tác động số thu ngân sách theo 2 phương án nêu trên và đề xuất phương án giảm thuế GTGT áp dụng cho năm 2023.

Chính sách giảm thuế GTGT được người dân, DN đánh giá cao khi triển khai trong năm 2022, theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Hàng loạt hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại đã thực hiện giảm thuế GTGT từ 10% còn 8% như "đòn bẩy" kích cầu tiêu dùng.

Chia sẻ với phóng viên, chị Trần Hà Anh (trú quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) cho biết với mỗi hóa đơn hàng gần 1 triệu đồng sẽ tiết kiệm khoảng 20.000 đồng nếu được giảm thuế GTGT. Theo chị Hà Anh, trong bối cảnh khó khăn sau dịch bệnh, các khoản được miễn, giảm đều rất ý nghĩa. Chị Hà Anh mong muốn chính sách giảm thuế GTGT tiếp tục được thực hiện từ nay đến hết năm 2023.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào ngày 9-4, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả - Bộ Tài chính, ủng hộ đề xuất tiếp tục giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% như đã triển khai trong năm 2022.

Theo ông Long, hiệu quả của chính sách này đã thấy rõ trong một năm triển khai khi việc giảm thuế này không chỉ tiết kiệm chi phí cho người dân, kích cầu tiêu dùng mà còn thúc đẩy đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho DN trong bối cảnh bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19.

PGS-TS Ngô Trí Long khẳng định chính sách giảm thuế GTGT cần được ban hành sớm vì đã bước sang quý II/2023. Tuy nhiên, ông Long lưu ý chính sách giảm thuế liên quan đến thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, nên cần đẩy nhanh quá trình hoàn thiện phương án để trình cấp có thẩm quyền.

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), bày tỏ lo ngại về bức tranh kinh tế trong quý I/2023. Ông cho rằng các giải pháp hỗ trợ phục hồi thiết thực, tác động ngay đến nền kinh tế như giảm thuế GTGT cần được triển khai sớm.

Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, thành viên Hội Tư vấn và Đại lý Thuế TP HCM, cho biết trong năm 2022, thuế suất thuế GTGT giảm từ 10% còn 8% và được áp dụng trong 11 tháng (mức 8% không áp dụng cho 13 ngành kinh tế như tài chính - ngân hàng, bất động sản…). Năm 2023, ngành thuế dự kiến áp dụng thuế GTGT trong vòng 6 tháng (từ ngày 1-7 đến hết tháng 12-2023) là quá ngắn, không đủ độ trễ để chính sách này phát huy tác dụng hỗ trợ DN. Điều này có thể làm cho người nộp thuế chưa tính toán xong kế hoạch kinh doanh thì việc giảm thuế GTGT đã hết thời gian áp dụng. Để hỗ trợ DN, Singapore và một số quốc gia đã giảm thuế suất thuế GTGT còn 7%, Việt Nam nên chốt ở mức 8% là phù hợp và áp dụng cho mọi ngành nghề để có sự công bằng. Từ đó, DN có đủ thời gian để tính toán giảm giá thành sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh, khơi thông đầu ra khi sức mua trên thị trường ngày càng sụt giảm.

Tránh tác động không mong muốn

Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN), rất ủng hộ chủ trương giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% để kích thích tiêu dùng.

"Chúng ta đã có kinh nghiệm từ đợt giảm thuế GTGT năm ngoái nên lần này kỳ vọng công tác triển khai sẽ nhuần nhuyễn, tránh những tác động không mong muốn khi DN thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến thuế. Chính phủ cũng cần tính toán đến cả chuỗi cung ứng từ đầu vào cung ứng nguyên liệu đến khâu bán lẻ cuối cùng để thuận lợi cho DN trong áp dụng" - Tổng Giám đốc VISSAN kiến nghị.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc An, đề xuất giảm thuế GTGT trong 6 tháng hơi ngắn trong khi DN, nhất là DN bán lẻ, phải điều chỉnh giá bán theo mức thuế mới, in ấn và dán lại hàng loạt bảng giá cũng tốn thời gian, công sức. Do đó, ông An cho rằng chính sách này cần kéo dài ít nhất 1 năm, để mùa Tết Nguyên đán 2024 người tiêu dùng còn được giảm thuế, tăng mua sắm trong mùa cao điểm nhất của năm.

Ông Nguyễn Văn Thứ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT), cho rằng giảm thuế GTGT là cần thiết vì giảm trực tiếp cho người tiêu dùng, giúp họ mạnh dạn mua hàng, DN bán được hàng nhiều hơn để hồi phục sản xuất - kinh doanh.

"Tôi cho rằng nên chọn phương án giảm thuế suất tất cả nhóm hàng hóa có thuế suất 10% về 8% thay vì loại trừ một số nhóm hàng vì dễ thực hiện và nên áp dụng tối thiểu 1 năm. Tôi cũng kiến nghị đưa thuế GTGT với nhóm hàng nông sản, thực phẩm về 0% bởi đây là nhóm hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu. Hiện tại, các DN bán hàng xuất hóa đơn phải tính thuế cho người tiêu dùng trong khi các hộ kinh doanh, nộp thuế khoán lại không cộng thuế tạo ra sự bất bình đẳng" - Phó Chủ tịch AFT bày tỏ. 

Nên giảm thuế thu nhập cá nhân

Ông Nguyễn Văn Thứ kiến nghị nên giảm thuế thu nhập cá nhân hoặc tăng mức khấu trừ cho cá nhân người chịu thuế và người phụ thuộc. Theo ông, với giá cả sinh hoạt như hiện nay, mức 11 triệu đồng (không phải đóng thuế thu nhập cá nhân) cho bản thân là quá thấp, ít nhất phải nâng lên 20 triệu đồng. Khi giảm thuế này, người dân sẽ có thêm nguồn tiền để mua sắm, kích thích nền kinh tế.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, nếu chỉ nâng mức giảm trừ gia cảnh mà các bậc thuế và thuế suất không thay đổi thì chỉ điều chỉnh rất ít cho những người chưa đến ngưỡng nộp thuế; trong khi những người đang nộp thuế lại không được điều chỉnh đáng kể.

Theo MINH PHONG - NGỌC ÁNH - THY THƠ

Người lao động

Trở lên trên