Giảm từ 30%- 50% xe công tới năm 2020: Tiết kiệm cho ngân sách gần 4.000 tỉ đồng
Các chuyên gia nhận định việc thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng về xe công từ nay tới năm 2020 có thể sẽ “cứu” ngân sách tới gần 4.000 tỉ đồng chỉ riêng về chi phí nuôi xe.
- 31-10-2016Sau khoán xe công, sẽ khoán cả nhà công vụ, điện thoại
- 31-10-2016Cần cụ thể hóa quy định khoán xe công
- 30-10-2016Khoán xe công: Phải tính được hiệu quả cụ thể thì mới làm đại trà
Trước tình hình nợ công ở mức báo động, ngày 2.11 vừa qua, Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương trình dự thảo sửa đổi, bổ sung Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 4.8.2015 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó sửa đổi đơn giá khoán kinh phí sử dụng xe ôtô phù hợp cho từng nhóm chức danh có tiêu chuẩn sử dụng và định mức xe ôtô phục vụ công tác chung.
Quyết liệt tiết giảm chi phí công
Thủ tướng nêu rõ mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 giảm khoảng từ 30% - 50% số lượng xe ôtô phục vụ công tác chung đang được trang bị cho các Bộ, ngành, địa phương, trừ các đơn vị thuộc địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn; đồng thời xác định lộ trình thực hiện chế độ khoán kinh phí sử dụng xe ôtô áp dụng đối với chức danh thứ trưởng và tương đương, xe ôtô phục vụ công tác chung. Bên cạnh đó, người đứng đầu chính phủ cũng yêu cầu các ban bộ ngành hạn chế việc trang bị bằng hiện vật, chuyển dần sang cơ chế khoán.
Ngay sau khi nhận được chỉ đạo từ người đứng đầu của chính phủ, lãnh đạo bộ Tài chính đã yêu cầu các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, hoàn chỉnh dự thảo về quản lý, sử dụng tài sản công cũng như vấn đề khoán xe công để sớm trình Thủ tướng.
Trao đổi với báo Lao Động ngày 3.11, thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí - cho biết, đã chỉ đạo Cục quản lý Công sản và các ban ngành liên quan tiến hành rà soát, đánh giá lại việc triển khai khoán xe công đồng thời xây dựng lộ trình để sớm trình Chính phủ.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Tài chính, việc thực hiện khoán xe công đang được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. Bộ cũng đang cắt giảm dần số lượng lái xe hiện có; sắp xếp, điều động từ nơi thừa sang nơi thiếu, điều chuyển dần lái xe phục vụ chức danh riêng sang phục vụ lái xe công tác chung các cơ quan bộ hoặc bố trí làm công việc khác phù hợp.
Sẽ tiết kiệm hàng nghìn tỉ đồng
Theo tính toán của các chuyên gia, nếu các bộ ngành có thể giảm khoảng từ 30% - 50% số lượng xe ôtô công, ngân sách sẽ tiết giảm được hàng nghìn tỉ đồng. Trên thực tế, theo Bộ Tài chính, một xe công trung bình mỗi năm sẽ tốn chi phí (bao gồm cả chi phí trả lương lái xe, chi phí hao mòn, sửa chữa, xăng dầu…) vào khoảng 320 triệu đồng/năm trong khi lượng xe công hiện đang có khoảng 40.000 xe. Nếu cắt giảm được 30-50% số xe công nói trên, chỉ riêng chi phí nuôi xe cũng có thể thiết giảm từ 3.800 đến 6.400 tỉ đồng. Không chỉ vậy, nếu số xe công dư thừa được thanh lý, số tiền bù thêm cho ngân sách còn lớn hơn.
Cũng theo các chuyên gia, bên cạnh việc đẩy mạnh khoán xe công thông qua một lộ trình rõ ràng, hiệu quả, các bộ ngành cũng cần siết lại tình trạng mua xe vượt tiêu chuẩn, định mức, việc điều chuyển xe ôtô giữa các đơn vị không đúng thẩm quyền quy định hay việc thỏa thuận, mua sắm xe chuyên dùng chưa chặt chẽ. Điều này cũng sẽ giúp tiết giảm đáng kể chi phí công.
Trước đó, Bộ Tài chính từng chỉ ra nhiều bất cập trong vấn đề sử dụng xe công khi nhiều đơn vị áp dụng tiêu chuẩn định mức quy định chưa phù hợp, mua sắm, thanh lý xe phức tạp, tốn kém và việc sử dụng xe ôtô sai đối tượng…
Giảm xe công từ 30 - 50% đến năm 2020: Cần mạnh dạn tinh giản biên chế
“Để phấn đấu thực hiện việc giảm xe công từ 30 - 50% đến năm 2020 cần sự quyết tấm rất lớn của cả hệ thống chính trị” - ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nói.
Trao đổi với báo Lao Động bên lề Quốc hội, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) - Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho rằng: Tôi hoàn toàn ủng hộ Chỉ thị này của Thủ tướng, bởi hiện nay vấn đề sử dụng xe công còn lãng phí. Theo tôi vấn đề quan trọng nhất trong việc thực hiện Chỉ thị này là việc giải quyết công ăn việc làm cho những lao động dôi dư là đang là lái xe trong các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu kỹ về tính đặc thù của đội ngũ lái xe trong các cơ quan nhà nước hiện nay, như đào tạo lại đội ngũ lái xe để sắp xếp lại lao động như thi tay nghề nếu không đáp ứng được sẽ thực hiện tinh giản.
Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội:
Tôi cho rằng có hai yếu tố liên quan đến vấn đề này, đó là phương tiện và người lao động. Về phương tiện, sau khi rà soát, tính toán nhu cầu sử dụng của từng cơ quan thì số xe cần phải giảm sẽ mang ra đấu giá để thu lại một phần tài sản cho nhà nước. Đặc biệt là qua việc giảm xe công sẽ đồng nghĩa việc dư thừa lái xe, do vậy sắp xếp lại đội ngũ lao động là rất quan trọng. Tôi cho rằng đối với những trường hợp lái xe đã có thâm niên công tác, nhiều tuổi thì nên khuyến khích họ xin nghỉ hưu trước tuổi, còn đối với những lái xe còn nhiều thời gian công tác thì nên có phương án đào tạo để chuyển đổi nghề hay bố trí lại công việc khác, còn nếu không đáp ứng được nhu cầu công việc thì cơ quan, đơn vị nên mạnh dạn chấm dứt hợp đồng để tinh giản biên chế. XUÂN HẢI
Lao động