Giãn cách do Covid-19 đưa thị trường edtech vốn đã rất hấp dẫn thêm thu hút: Hàng trăm tỷ đồng từ các quỹ ngoại ồ ạt đổ vào các startup Việt từ đầu năm 2021
Một trong số nhà đầu tư ngoại là Forge Ventures cho biết, hợp tác với startup edtech Marathon là cơ hội để công ty tiếp cận gần hơn với nền giáo dục Việt Nam. Trong đó, nhu cầu học trực tuyến tăng cũng thu hút mạnh các nhà đầu tư thời gian qua.
Mới đây, startup giáo dục trực tuyến Clevai Vietnam vừa nhận được 2,1 triệu USD, tương đương 50 tỷ đồng, cho vòng gọi vốn pre-Series A từ Altara Ventures, nguồn tin từ DealStreetAsia.
Được biết, Clevai là hệ thống e-learning dạy kèm cho học sinh, được cố vấn bởi ông Bùi Hải Hưng - hiện đang là Giám đốc Viện nghiên cứu VinAI.
Cùng thời điểm, CoderSchool, startup trong lĩnh vực công nghệ giáo dục chuyên tập trung giảng dạy lập trình online của Việt Nam vừa huy động thành công 2,6 triệu USD trong vòng gọi vốn pre-seed (tiền hạt giống), theo Techcrunch.
Monk's Hill Ventures dẫn dắt vòng gọi vốn này cùng sự tham gia của các nhà đầu tư khác như Iterative, XA Network và iSeed Ventures. Số vốn được tài trợ mới được cho là sẽ giúp CoderSchool thúc đẩy mô hình giảng dạy online và mở rộng cơ sở hạ tầng công nghệ cho các chương trình đào tạo kỹ thuật của công ty.
Ghi nhận, thương vụ đầu tư vào Clevai và CoderSchool mới đây là tiếp nối của làn sóng rót vốn mạnh mẽ từ quỹ ngoại vào thị trường edtech Việt Nam, trong bối cảnh cả nước gần như phải học trực tuyến do ảnh hưởng Covid-19.
Trước đó, Marathon cũng vừa thông báo tiếp tục huy động được 1,5 triệu USD tiền vốn pre-seed do Forge Ventures (quỹ mới do Alto Partners ra mắt), với sự tham gia của các nhà đầu tư bao gồm Venturra Discovery và iSeed SEA.
Được thành lập bởi 2 sáng lập là ông Phạm Đức và ông Trần Việt Tùng, Marathon là nền tảng kết nối các gia sư với học sinh sau giờ học chính trên trường. Hiện, Marathon tập trung vào các môn toán và khoa học từ lớp 6 đến lớp 12 trong Chương trình Quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo (MOET) Việt Nam phát triển, và cuối cùng sẽ bao gồm tất cả các môn học của Bộ.
Ông Phạm Đức cho biết, khi dịch Covid-19 bùng phát đã thay đổi thói quen học tập, từ đó việc học trực tuyến được bậc phụ huynh đón nhận và quan tâm nhiều hơn. Ghi nhận sau 1 năm gần như học tập tại nhà do giãn cách, Marathon nhận thấy có sự thay đổi rõ rệt trong hành vi của các bậc cha mẹ: Họ dễ tiếp thu hơn với việc học trực tuyến, theo đó tỷ lệ tham gia hiện đã đạt mức 99%.
Điều này cho thấy tiềm năng của việc học trực tuyến trong tương lai. Phía rót vốn là Forge Ventures cũng cho biết, hợp tác với Marathon là cơ hội để công ty tiếp cận gần hơn với nền giáo dục Việt Nam. Trong đó, nhu cầu học trực tuyến tăng cũng thu hút mạnh các nhà đầu tư thời gian qua.
Hay đầu tháng 7 mới đây, Educa Corporation – Startup Việt Nam trong lĩnh vực Giáo dục tiếng Anh (Edtech) cũng thông báo nhận khoản đầu tư trị giá 2 triệu USD tại vòng gọi vốn Series A từ quỹ đầu tư Redefine Capital Fund có trụ sở ở Singapore. Sau 3 năm ra mắt, Edupia ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh chóng với 500.000 người dùng trả phí, trở thành thương hiệu hàng đầu trên thị trường Tiếng Anh online.
Tựu chung, thống kê cho thấy Việt Nam từ đầu năm đến nay đã có 9 công ty edtech nhận được hơn 28 triệu USD, tương đương 660 tỷ đồng, đầu tư từ đầu năm đến nay. Bên cạnh các đơn vị vừa điểm tên, còn có Edmicro huy động được vốn từ công ty đầu tư mạo hiểm Beenext...
Thị trường edtech Việt đã tăng trưởng mạnh từ năm 2019 và lọt top 10 tăng trưởng e-learning thế giới
Thực tế, thị trường giáo dục trực tuyến cũng đã thu hút đầu tư mạnh từ năm 2019 với tổng vốn tài trợ lên đến 32 triệu USD, dữ liệu từ Do Ventures cho hay.
Sang năm 2020, đại dịch Covid-19 như chất xúc tác thúc đẩy sự bùng nổ trên thị trường học trực tuyến của Việt Nam. Khi mà, Covid-19 khiến nhiều quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng buộc phải áp dụng lệnh giãn cách.
Theo đó, lĩnh vực edtech được hưởng lợi mạnh mẽ, bao gồm cả bộ phận học sinh và phụ huynh từng nhận định rằng, nếu phải chi tiền cho giáo dục, họ muốn chi tiền cho các hoạt động giáo dục trực tiếp.
Báo cáo từ TechInAsia nhấn mạnh đây là khoảng thời gian chín muồi để các startup edtech "cất cánh". Ngay cả trước đại dịch, phụ huynh và học sinh đã cho thấy nhu cầu mạnh mẽ cho các dịch vụ giáo dục hiệu quả, độc lập và học ngoại ngữ. Những dịch vụ này được kỳ vọng sẽ lấp đầy các khoảng trống mà giáo dục truyền thống đang tồn tại.
Ngoài ra, theo chia sẻ người trong cuộc, hiện người Việt Nam tin tưởng các lớp học trực tuyến nhiều hơn so với thời điểm những năm 2010. Bởi một nguyên nhân khác, hạ tầng di động đã được cải thiện rất nhiều, mọi người cũng đã quen với hình thức thanh toán trực tuyến nhiều hơn.
Với tiềm năng trên, không chỉ các đơn vị trong nước, startup Astrid (Thụy Điển) cũng đã áp dụng kinh nghiệm từ lĩnh vực game di động nhằm tiến vào thị trường học trực tuyến tại Việt Nam. Tính đến hiện tại, Astrid đã kêu gọi được 5,3 triệu USD, bao gồm 4 triệu USD vòng hạt giống vừa thực hiện thành công hồi tháng trước. Bên cạnh đó, công ty cũng bày tỏ mong muốn mở rộng sang cả Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia.