MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gian nan gỡ khó xuất khẩu thép sang Hoa Kỳ

28-05-2018 - 21:12 PM | Thị trường

Chưa hết loay hoay với mức thuế NK 25% áp dụng cho mặt hàng thép NK vào Hoa Kỳ, mới đây, ngành thép Việt lại thêm “đau đầu” bởi Hoa Kỳ quyết định áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp “mạnh tay” lên sản phẩm thép từ Việt Nam được cho là có xuất xứ Trung Quốc.

Ngày càng bất lợi

Ngày 21/5, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã tuyên bố áp thuế NK “mạnh tay” lên các sản phẩm thép từ Việt Nam nhưng được cho là có xuất xứ Trung Quốc. Cụ thể, Hải quan Hoa Kỳ sẽ thu thuế chống bán phá giá 199,76% và thuế chống trợ cấp ở mức 256,44% đối với thép cuộn cán nguội (cold-rolled steel) sản xuất tại Việt Nam bằng thép chất nền (substrate) có xuất xứ Trung Quốc. Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng cho biết sẽ đánh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tương tự đối với thép chống gỉ (corrosion-resistant steel) và thép cuộn cán nguội từ Việt Nam có nguồn gốc là thép cuộn cán nóng (hot-rolled steel) do Trung Quốc sản xuất. Trong đó, thép chống gỉ từ Việt Nam chịu mức thuế chống bán phá giá 199,43% và thuế chống trợ cấp 39,05%.

Ngày 8/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp hạn chế NK thép và nhôm theo Mục 232 Đạo luật Thương mại mở rộng năm 1962 (Trade Expansion Act) dưới hình thức tăng thuế NK. Theo đó, một số sản phẩm thép và nhôm NK vào nước này sẽ phải chịu mức thuế 25% với thép và 10% với nhôm. Những mức thuế mới công bố ngày 21/5 vừa qua sẽ được cộng thêm với thuế quan 25% đối với hầu hết các sản phẩm thép NK vào Hoa Kỳ theo quyết định trước đó của Tổng thống Donald Trump.

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết: Từ trước tới nay, thép Việt XK sang nhiều thị trường như ASEAN, Hoa Kỳ, EU... Tại các thị trường này, thép đều đã từng bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Tính chung từ trước tới nay, ngành thép Việt đã phải đối diện với khoảng 25 vụ việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại từ thị trường NK, trong đó điển hình phải kể tới các vụ việc khởi xướng từ thị trường Australia, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, gần đây là Hoa Kỳ và EU. Việc bị khởi kiện, áp thuế khiến thép Việt XK vào các thị trường tăng giá, giảm tính cạnh tranh. Với riêng thị trường Hoa Kỳ, năm 2017, số thép XK của Việt Nam sang Hoa Kỳ chỉ hơn 0,5 triệu tấn. Đây là một phần rất nhỏ so với tổng sản lượng XK thép của Việt Nam là 4,7 triệu tấn, cho nên việc áp thuế của Hoa Kỳ không có tác động nhiều tới hoạt động sản xuất trong nước. Tuy nhiên, những tháng tới, XK thép sang các thị trường như Hoa Kỳ, EU sẽ gặp thêm khó khăn là điều không tránh khỏi. Đáng chú ý, về lâu dài, khi ngành thép phát triển, việc Hoa Kỳ dựng lên hàng rào thuế quan cao sẽ là điều bất lợi.

Nghiên cứu kỹ điều kiện miễn trừ

Xung quanh những rào cản thuế quan mà Hoa Kỳ áp dụng đối với thép Việt, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho hay: Hiện tại, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa ra điều kiện miễn trừ đối với sản phẩm thép sản xuất tại Việt Nam XK sang Hoa Kỳ với điều kiện là sử dụng nguồn nguyên liệu NK từ nước thứ ba và sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, trong đó có những quy trình thủ tục yêu cầu DN XK chứng minh. “Tôi khuyến nghị các DN nghiên cứu để đáp ứng được các điều kiện miễn trừ mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa ra”, ông Trung nói.

Ông Nguyễn Văn Sưa thông tin thêm, cạnh tranh trong ngành thép gồm rất nhiều khía cạnh như: Chất lượng, giá cả, dịch vụ, bảo hành… Vì vậy trong tương lai, để gia tăng tính cạnh tranh, giảm bớt rủi ro thị trường, giải pháp căn bản nhất là các DN thép phải liên tục cải tiến công nghệ, nâng cao khả năng quản trị, sản xuất... Các DN cũng phải nâng cao sự hiểu biết về thương mại quốc tế, các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), luật pháp của các nước để tránh rủi ro thương mại. Ngoài ra, các DN phải có sự phân bổ thị trường hợp lý, không nên chỉ tập trung vào một thị trường, tránh tình trạng sản lượng tăng đột biến, tạo cớ để các nước dựng lên hàng rào thương mại.

“Hiệp hội Thép Việt Nam mong muốn ngày càng nhận được nhiều hơn sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là các đơn vị trực tiếp như Bộ Công Thương. Cụ thể, hệ thống tham tán thương mại ở các nước có thể hỗ trợ cho DN ngành thép thông tin về thị trường cũng như các luật lệ, quy định của thị trường. Trên có sở, DN có thể hiểu biết rõ hơn về thị trường cũng như rào cản luật pháp để tránh xảy ra tranh tụng thương mại”, ông Sưa nói.

Theo Uyển Như

Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên