Gian thương bán hoa quả, tỏi, khoai tây... Trung Quốc nhưng bảo hàng Việt, lừa người tiêu dùng
Nạn hàng giả, hàng nhái. xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp và xuất hiện những xu hướng mới, tinh vi hơn, từ những tổ chức đường dây chuyên nghiệp đến hộ kinh doanh nhỏ lẻ, người bán hàng rong đều có thể sử dụng rất nhiều chiêu thức khác nhau để lừa dối người tiêu dùng.
Sáng ngày 26/11, phát biểu tại diễn đàn "Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam: Thách thức và giải pháp" ông Nguyễn Tiến Đạt, phó cục trưởng Cục nghiệp vụ Quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay, nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp và xuất hiện những xu hướng mới, tinh vi hơn, chuyên nghiệp hơn và mang yếu tố nước ngoài nhiều hơn.
Các đối tượng vi phạm thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn và có sự tham gia của các đối tượng nước ngoài, được tổ chức ngày càng tinh vi, có sự câu kết từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, sử dụng phương tiện công nghệ, kỹ thuật cao để đối phó các cơ quan chức năng. Một số mặt hàng vi phạm nổi cộm trong thời gian vừa qua bao gồm thực phẩm (mỳ chính, bánh mứt kẹo, đồ uống, rượu bia, thực phẩm đóng gói sẵn, thực phẩm chức năng); dược phẩm (đông dược, tân dược ngoại nhập); mặt hàng phụ tùng ô tô, xe máy; xe máy điện, xe đạp điện; mặt hàng tiêu dùng, thời trang,…
Bên cạnh đó, để trốn tránh kiểm tra, kiểm soát, các đối tượng vi phạm có sự phân công chặt chẽ, hình thành các đầu mối chuyên cung cấp nguyên vật liệu, linh phụ kiện, đầu mối chuyên sản xuất các loại bao bì, tem, nhãn giả; hàng giả được sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh (bán sản phẩm) ở một nơi, sau đó đặt gia công ở một nơi khác để lắp ráp, đóng gói thành phẩm; thành phẩm sau khi có đơn đặt hàng mới được gắn nhãn mác giả mạo nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và giao liền cho khách hàng đặt mua, sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, không cất trữ chờ tiêu thụ;...
Đặc biệt, tình trạng gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thông qua mạng internet ngày càng phổ biến và diễn biến phức tạp trong khi các chế tài xử lý vi phạm vẫn chưa được hoàn thiện. Việc kiểm tra, xử lý các vi phạm trên internet là rất khó khăn, đặc biệt là việc thu thập thông tin, manh mối cũng như chứng cứ đảm bảo căn cứ pháp lý để xử lý vi phạm hành chính.
Thậm chí có trường hợp bán hàng tại Việt Nam nhưng cơ sở chính lại ở nước ngoài (server tại nước ngoài), trang web, cơ sở giới thiệu sản phẩm ở một nơi nhưng nơi xuất hàng lại ở nơi khác. Các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả ngay tại nhà ở, trong thôn xóm để trốn tránh, dễ tẩu tán tang vật nếu bị phát hiện, kiểm tra.
Từ những tổ chức, đường dây chuyên nghiệp đến hộ kinh doanh nhỏ lẻ, người bán hàng rong đều có thể sử dụng rất nhiều chiêu thức khác nhau để lừa dối người tiêu dùng.
"Chẳng hạn, đơn giản như trường hợp người bán hàng rong bán hoa quả, khoai tây, hành tỏi,… xuất xứ Trung Quốc, khi người tiêu dùng hỏi xuất xứ thì họ sẵn sàng nói là hàng của Việt Nam để người tiêu dùng mua hàng của mình", ông lấy ví dụ.
Theo ông Đạt, hiện nay, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về giả mạo xuất xứ gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nếu cơ quan thực thi không có có bằng chứng rõ ràng, không bắt quả tang hoặc giám định chất lượng thì việc phát hiện vi phạm là rất khó khăn, đặc biệt là đối với hàng nhập lậu sau khi đã được đưa qua các đường mòn, lối mở,...
Đối với hàng hóa giả mạo xuất xứ không có doanh nghiệp chủ thể quyền rõ ràng thì càng khó khăn (chẳng hạn như hàng nông sản, hàng hóa nguyên liệu, hàng hóa giả mạo doanh nghiệp, địa chỉ không có thật,…). Kể cả giám định chất lượng, nếu không có những chỉ tiêu chất lượng cụ thể để phân biệt giữa hàng thật và hàng giả mạo xuất xứ thì khó có thể xác định vi phạm được.
Do đó, để phòng ngừa, ngăn chặn hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam hiệu quả hơn trong thời gian tới, ông Đạt cho rằng lực lượng QLTT cần đổi mới phương pháp thu thập thông tin, thống kê, phân loại các chủng loại mặt hàng kinh doanh trên địa bàn (khu dân cư, chợ, trung tâm thương mại,...), triển khai sâu rộng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến để cho người dân, doanh nghiệp nắm vững hơn các quy định của pháp luật, nắm được các thông tin về phân biệt hàng giả, xuất xứ hàng hóa.
Đối với doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng nâng cao trách nhiệm của mình trong việc quản lý hệ thống phân phối, đại lý hàng hóa của mình để chủ động phát hiện, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; tăng cường áp dụng các biện pháp công nghệ kỹ thuật nhằm bảo vệ sản phẩm của mình như: ứng dụng truy xuất nguồn gốc xuất xứ, tem chống hàng giả sử dụng công nghệ mới,...