MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giảng viên đại học Ngoại thương: Sinh viên kém năng động, thích an nhàn, lỗi tại phụ huynh!

Nhiều phụ huynh đầu tư cho con học xong chỉ muốn con mình có thể "lách" được vào cơ quan nhà nước. Tâm lý này phần nào ảnh hưởng đến quyết định chọn lựa việc làm của các sinh viên. Điều này cũng phần nào giải thích cho tỷ lệ 2/3 sinh viên muốn làm việc trong khu vực công vì ổn đinh (số liệu ILO tháng 1/2017).

Đây là những nhận xét của ông Ngô Quý Nhâm, trưởng bộ môn Quản trị nguồn nhân lực đại học Ngoại Thương trước kết quả khảo sát của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Theo đó, 2/3 sinh viên muốn làm việc trong khu vực nhà nước sau tốt nghiệp vì ổn định.

“Đằng sau lý do sinh viên chọn một công việc ổn định có thể khẳng định tính năng động của sinh viên đang có vấn đề một chút, không dám thử thách bản thân, chấp nhận rủi ro…”.

Ông Nhâm cũng lý giải tâm lý này không chỉ tự bản thân của các sinh viên mà còn đến từ chính các bậc phụ huynh. Bởi họ đầu tư cho con học xong chỉ mong muốn con mình có thể “lách” vào được một cơ quan nhà nước.

“Thậm chí người ta sẵn sàng chấp nhận làm công việc của một anh bưu chính đi xe máy đưa thư với mức lương chỉ khoảng 2 triệu đồng còn hơn làm nhân viên vận hành máy hay trưởng nhóm ở một công ty tư nhân với mức lương 5 – 6 triệu/tháng, thậm chí hơn”, ông Nhâm đưa ra ví dụ.

“Các phụ huynh vẫn không ngần ngại hỏ ra 200-300 triệu để có được một chỗ làm ở cơ quan nhà nước dù là pha trà rót nước. Những chỗ “ngon hơn” có thể lên đến 500 triệu đến cả tỷ đồng”, ông nói thêm.

Trên thực tế, khảo sát về chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) do Trung tâm nghiên cứu hỗ trợ phát triển cộng đồng, Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã từng đưa ra một con số giật mình khi cho biết 50% người phải “lót tay” khi xin vào khu vực công.

Có thể thấy, lương thấp, mất phí lót tay khá cao nhưng để được "ổn định", nhiều người vẫn chấp nhận việc này. Ổn định ở đây có thể được lý giải là tâm lý "yên tâm" khi vào biên chế, cho dù làm việc không hiệu quả cũng không lo mất việc như cách nhìn nhận của bà Lê Thị Thu Hiền, chuyên gia tâm lý, nguyên giảng viên trường ĐHSP Hà Nội

"Hiện nay, thủ tục cho nghỉ việc một công chức, viên chức làm việc không hiệu quả phải qua khá nhiều vòng, họp lên họp xuống nhiều lần", Hiền bà cho biết,

Hay như TS. Đặng Đức Đạm, Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục nghề nghiệp cho biết: "Công chức tuy lương thấp, nhưng khoản thu nhập ngoài lương rất lớn cũng như những lợi thế không phải vật chất cao".

Tuy nhiên, ông Ngô Quý Nhâm này cũng nhấn mạnh việc Chính phủ đang có những động thái mới, mạnh mẽ đối với công tác cán bộ, trong đó, chấn chỉnh lại việc tuyển chọn, bổ nhiệm, phân công công việc. Việc này đồng nghĩa là trong tương lai, định nghĩa về “ổn định” mà 2/3 sinh viên kể trên tin tưởng có thể không còn như trước. Nếu không có sự thay đổi, thích nghi, cải tiến trong công việc, những sinh viên này vẫn có khả năng bị đào thải, cho dù đang làm trong khu vực công.

Chia sẻ thêm, ông Ngô Quý Nhâm cho biết, khảo sát việc làm năm 2015 của cựu sinh viên Ngoại thương cho thấy sự khác biệt khá lớn với kết quả của ILO. Theo đó, trong 95,9% sinh viên tốt nghiệp có việc làm chỉ có 6,2% đang làm trong khu vực nhà nước, 70% làm trong khu vực tư nhân, 23,2% làm việc trong khu vực nước ngoài và 0,6% đang tự tạo ra việc làm.

“Có thể đây là sự khác biệt lớn của sinh viên Ngoại thương. Chúng tôi cũng hi vọng trong 10 năm tới, tỷ lệ tự tạo việc làm của sinh viên Ngoại thương sẽ tăng lên 5%”, ông Ngô Quý Nhâm cho biết.

Nam Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên