MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giảng viên ĐH Harvard: Tư duy này sẽ khiến bạn trở thành ứng viên tiềm năng trong mắt mọi nhà tuyển dụng

22-06-2020 - 09:45 AM | Sống

“Nếu thuê một người chỉ có thể làm một số công việc cụ thể, vậy thì khi mà công ty cần thay đổi chúng tôi sẽ phải tuyển dụng lại những nhân viên mới. Do vậy chúng tôi hướng tới những ứng viên thông minh và có khả năng khái quát tốt ngay từ đầu”, một nhà tuyển dụng của Google chia sẻ.

Đại đa số mọi người tin rằng chuyên môn cao sẽ dẫn tới uy tín, mức lương và sự thăng tiến trong công việc được nâng cao. Thế nhưng mọi chuyện có thể sẽ khác trong tương lai, khi mà khả năng khái quát hóa được đánh giá giá là những kĩ năng quan trọng và cần thiết để thành công ở những thập kỉ tới.

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ cùng với những sự thay đổi liên tục sẽ khiến cho những logic về nghề nghiệp kinh điển nhất trong quá khứ không hiệu quả trong tương lai. Thế giới đang và đã thay đổi từng ngày thế nhưng những quan điểm của chúng ta về việc phát triển các kỹ năng để tồn tại và phát triển thì chưa thể theo kịp.

Trong suốt 50 năm qua, chúng ta thường quan niệm rằng chỉ cần giỏi ở lĩnh vực của mình thôi là đủ. Nhiều người trong chúng ta đã được dạy rằng chìa khóa thành công là phát triển các kỹ năng thuộc một chuyên ngành nhất định và trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó. Và đúng là đã có nhiều người thành công khi đi theo cách tiếp cận này.

Thế nhưng những thứ tạo ra hiệu suất trong quá khứ chưa chắc đã mang lại kết quả trong tương lai. Sự phức tạp của một thế giới năng động ngày nay đòi hỏi nhiều hơn một kỹ năng hay sự hiểu biết gói gọn trong một phạm vi nhất định. Đã đến lúc chúng ta cần phải cân nhắc kĩ năng nào là quan trọng trong tương lai. Chuyên môn hóa hay là khái quát hóa?

Giảng viên ĐH Harvard: Tư duy này sẽ khiến bạn trở thành ứng viên tiềm năng trong mắt mọi nhà tuyển dụng - Ảnh 1.

Tương lai thuộc về những người có khả năng khái quát tốt

Mark Twain có một câu nói nổi tiếng rằng: “Với người đàn ông có một cái búa trong tay, mọi thứ trông như chiếc đinh”. Ý nói tới việc những người chỉ có một số công cụ, kỹ năng nhất định thì cách họ nhìn thế giới và vạn vật xung quanh khá hạn hẹp. Vậy thì sẽ như thế nào nếu người đàn ông đó có thêm tô vít và cờ lê? Việc bổ sung thêm các công cụ này có thể sẽ khuyến khích sự tìm tòi và những cách giải quyết tốt hơn đối với một vấn đề.

Điều này không có nghĩa phủ định vai trò của tính chuyên môn cao. Chỉ sở hữu chiếc búa không phải vấn đề, chỉ là thế giới đang thay đổi rất nhanh, và chúng ta cần trang bị thêm những công cụ cần thiết khác như tô vít, cờ lê để nhanh nhẹn và linh hoạt hơn trước những sự không chắc chắn trong tương lai.

Làm thế nào để trở thành người có khả năng khái quát tốt?

Để trở thành người có khả năng khái quát tốt, điều quan trọng bạn cần làm là lùi lại 1 bước để chú ý tới bối cảnh mà bạn đang đưa ra quyết định. Hãy đọc toàn bộ trang giấy chứ không phải chỉ quan tâm tới lĩnh vực của bạn. Nếu chuyên môn của bạn là dầu và khí đốt, hãy nghiên cứu thêm về các yếu tố ảnh hướng tới lĩnh vực bán lẻ. Nếu bạn là một chuyên gia về tài chính, tại sao không đọc thêm một cuốn sách về tiếp thị? Hãy suy nghĩ lớn hơn và rộng hơn.

Một chiến lược khác là suy nghĩ về những phát triển có vẻ không liên quan nhưng có thể tác động lẫn nhau, giống như cách mà các nhà tư tưởng có tính hệ thống thường làm. Hãy suy nghĩ về tính kết nối giữa các ngành và tưởng tượng sự thay đổi của một miền có thể phá vỡ hoạt động thuộc các lĩnh vực khác như thế nào.

Bởi vì những người có khả năng khái quát tốt có nhiều kỹ năng và công cụ để sử dụng, cho nên họ có thể điều chỉnh hành động khi có tình huống phát sinh. Hãy nghĩ về việc thế giới đã thay đổi nhanh chóng như thế nào với sự phát triển của Internet và công nghệ dữ liệu không dây. Ông chủ Amazon Jeff Bezos vốn không phải một chuyên gia bán lẻ. Ông chỉ là một người mới tiếp cận với lĩnh vực này khi gia nhập thị trường thế nhưng Jeff Bezos đã có thể thích nghi nhanh chóng và nắm bắt cơ hội để đạt được những thành công như hiện tại.

Cơ hội cho những người có khả năng khái quát tốt

Giảng viên ĐH Harvard: Tư duy này sẽ khiến bạn trở thành ứng viên tiềm năng trong mắt mọi nhà tuyển dụng - Ảnh 2.

Hiện nay, nhiều công ty đang hướng tới việc tìm kiếm những ứng viên đa năng khi tuyển dụng. Điều này rất cần thiết cho các tổ chức lớn, ví dụ như tại Google, nơi nhân viên thường xuyên được luân chuyển từ nhóm này sang nhóm khác, từ vai trò này sang vai trò khác.

Lisa Stern Hayes, một trong những nhà tuyển dụng hàng đầu của Google đã nói trong một chương trình phát thanh rằng công ty của họ đánh giá cao những người có khả năng giải quyết vấn đề, nhận thức khái quát tốt hơn là những người chỉ có kiến thức về nhiệm vụ của họ.

“Nếu thuê một người chỉ có thể làm một số công việc cụ thể, vậy thì khi mà công ty cần thay đổi chúng tôi sẽ phải tuyển dụng lại những nhân viên mới. Do vậy chúng tôi hướng tới những ứng viên thông minh và có khả năng khái quát tốt ngay từ đầu”, nhà tuyển dụng của Google chia sẻ.

Nếu bạn vừa mới gia nhập thị thường lao động, lời khuyên của Tiến sĩ Vikram Mansharamani giảng viên Đại học Harvard là hãy quản lý sự nghiệp của bạn sao cho đa dạng hóa kinh nghiệm và các kỹ năng. Những khả năng phân tích khái quát về tình hình cũng như kinh nghiệm ở nhiều vị trí sẽ giúp hồ sơ của bạn cạnh tranh hơn là những ứng viên chỉ tập trung vào một kỹ năng nhất định.

Có một điều chắc chắn về tương lai là nó sẽ không chắc chắn. Sự tiến bộ nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo và những đổi mới công nghệ đã thương mại hóa thông tin. Những kỹ năng chuyên môn nhất định sẽ mất dần giá trị. Thay vào đó, một cách tiếp cận, một triết lý hay một cách suy nghĩ sẽ giúp bạn thành công trong những thập kỉ tới đó là khả năng mở rộng tư duy và mở rộng tầm nhìn.

Bài viết là những quan điểm của Tiến sĩ Vikram Mansharamani, giảng viên tại Đại học Harvard và là tác giả của cuốn sách Think for Yourself: Restoring Common Sense in an Age of Experts and Artificial Intelligence.

Hoàng Lan

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên