Giao dịch đột biến cổ phiếu VCB phiên 11/2, khối ngoại sang tay hơn 16 triệu đơn vị
Gần 16,1 triệu cổ phiếu VCB được các nhà đầu tư nước ngoài sang tay theo phương thức thỏa thuận trong ngày 11/2.
- 07-02-2022Vietcombank tiếp tục rao bán khối tài sản nghìn tỷ để thu hồi nợ
- 07-02-2022Techcombank lập kỷ lục CASA, MB và Vietcombank "bó tay" đứng nhìn?
- 29-01-2022"Ông lớn" Vietcombank báo lãi trước thuế đạt hơn 27.300 tỷ đồng, vẫn là "quán quân" lợi nhuận hợp nhất toàn ngành
Phiên giao dịch 11/2 ghi nhận giao dịch thỏa thuận đột biến tại cổ phiếu VCB của Vietcombank. Cụ thể, trong ngày hôm nay có tổng cộng gần 16,1 triệu cổ phiếu VCB được các nhà đầu tư sang tay theo phương thức này, chủ yếu tại giá sàn 85.000 đồng/cp, tương đương giá trị hơn 1.369 tỷ đồng. Đáng chú ý, đây đều là giao dịch nội bộ của khối ngoại.
Trong khi đó, khối lượng giao dịch khớp lệnh chỉ đạt hơn 1 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị gần 92,5 tỷ đồng. Đây cũng là mức thanh khoản thấp nhất trong 5 phiên giao dịch đầu năm Nhâm Dần.
Đóng cửa phiên ngày 11/2, thị giá VCB giảm 1,42% xuống còn 90.000 đồng/cp. Tuy nhiên, so với cuối năm 2021, VCB đã tăng tổng cộng 14,2% và là một trong những mã có tỷ suất sinh lời cao nhất trong nhóm ngân hàng cũng như trong rổ VN30.
Theo giới phân tích, cổ phiếu VCB nói riêng và nhóm cổ phiếu ngân hàng khối quốc doanh nói chung đang được hỗ trợ tích cực nhờ kết quả kinh doanh năm 2021 tốt hơn dự báo và triển vọng tăng vốn trong đầu năm nay.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng trong quý I/2022, cổ phiếu nhóm ngân hàng quốc doanh được hỗ trợ bởi các câu chuyện chia cổ tức và kì vọng phát hành riêng lẻ đối tác nước ngoài. Riêng với Vietcombank, nhóm phân tích nhận định động lực chính trong năm sẽ vẫn là tăng trưởng lợi nhuận, dự kiến điểm rơi ở quý 2/2022 và kết quả kinh doanh quý 4/2021 và quý 2/2022 tiêu cực.
VDSC cho biết việc xin nới tỷ lệ sở hữu nước ngoài của và việc tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ của Vietcombank vẫn chưa có nhiều diễn biến mới. Tuy nhiên, trong trường hợp Vietcombank được tiến hành tăng vốn theo cấu phần phát hành riêng lẻ, đây sẽ là động lực bổ sung lớn. Ngoài ra, nhóm phân tích cũng kỳ vọng ngân hàng này sẽ tiếp tục được phép chia cổ tức bằng cổ phiếu, giữ lại lợi nhuận như tờ trình gói hỗ trợ của Quốc hội.
Theo kế hoạch đã được đã được cổ đông thông qua, Vietcombank sẽ phát hành cổ phiếu riêng lẻ quy mô 6,5% vốn điều lệ trong giai đoạn 2021 - 2022.
Trong một diễn biến liên quan, Ngân hàng nhà nước mới đây đã tiếp tục đề nghị Chính phủ chỉ đạo sớm tăng vốn điều lệ cho nhóm Big4, tạo điều kiện cho các ngân hàng này tăng cường năng lực tài chính, phát huy vai trò chủ đạo trong việc thực hiện các chính sách.
Theo NHNN, vốn điều lệ các NHTM Nhà nước tăng không tương xứng với vai trò, vị thế đã hạn chế năng lực trong việc mở rộng tín dụng và ảnh hưởng đến vai trò dẫn dắt, điều tiết thị trường của của các ngân hàng này.
Trí Thức Trẻ