Giáo sư Áo tiết lộ điều cần thiết nhất khi một doanh nghiệp làm nông nghiệp hữu cơ
Giáo sư Bernhard Freyer – Trưởng bộ môn Nông nghiệp Hữu cơ, Khoa Hệ thống Nông nghiệp Bền vững, Đại học Khoa học và Tài nguyên Thiên nhiên Áo (BOKU) – trao đổi về những điều mà một doanh nghiệp cần lưu ý khi làm nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam.
Nhiều người hiểu sản xuất hữu cơ là quay về cách làm thô sơ truyền thống dựa vào tự nhiên mà tạo ra sản phẩm. Liệu chúng ta có thể ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo phương pháp hữu cơ?
Tôi phải nhắc lại rằng nông nghiệp truyền thống và nông nghiệp hữu cơ là khác nhau. Và sản xuất nông nghiệp theo phương pháp hữu cơ CÓ bao gồm việc ứng dụng những công nghệ hiện đại. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trước hết, tôi nhấn mạnh, là một nền sản xuất dựa trên nền tảng tri thức, nền tảng khoa học và chúng ta vẫn còn cần rất nhiều nghiên cứu trong tương lai để phát triển phương pháp canh tác hữu cơ.
Tôi có thể nói rằng chúng ta mới đang chỉ ở giai đoạn rất sơ khai của việc hiểu những quá trình tương tác phức tạp của các sinh vật và vật chất trong đất.
Hiện nay, một trong những thách thức của nông nghiệp hữu cơ – cũng như nông nghiệp truyền thống – là các yếu tố thất thường của thời tiết. Nhưng cũng ở yếu tố này, chúng ta đã có những bước tiến trong việc nâng cao hiểu biết về đất khi thực hành phương pháp canh tác hữu cơ. Chúng ta đã hiểu nguồn cội của việc làm thế nào để đất không bị bạc màu, vẫn giữ lại được chất dinh dưỡng và chống chọi lại với hạn hán, lũ lụt và các điều kiện thời tiết khác. Tất nhiên, vẫn còn rất nhiều điều chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu.
Ví dụ như chọn giống, tôi nghĩ rằng một yếu tố chủ chốt của nông nghiệp hữu cơ sẽ là chất lượng hạt giống, sự đa dạng của giống. Làm nông nghiệp hữu cơ, chúng ta không tập trung trồng một vụ mùa với chỉ một loại giống nhất định. Việc ứng dụng canh tác nhiều giống khác nhau sẽ thúc đẩy quá trình tự nhiên kháng lại những điều kiện thời tiết khắc nghiệt hoặc sâu bệnh, nhưng chọn giống như vậy rõ ràng là một khoa học cần nghiên cứu.
Vậy khi đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ, một doanh nghiệp cần điều gì nhất?
Tri thức. Đó là điều cần nhất. Như chúng ta đã biết, hiện nay đang có một lỗ hổng lớn về kiến thức trong cộng đồng những người làm nông nghiệp và bản thân người tiêu dùng. Nhiều người vẫn chưa hiểu về sản xuất hữu cơ. Tôi nhắc lại sản xuất hữu cơ là lĩnh vực dựa trên nền tảng tri thức và khoa học. Đây không phải là một nền sản xuất bị động, đó là cách canh tác mà người ta phải tùy biến để thích nghi với từng loại đất, từng loại điều kiện thời tiết, thậm chí là từng trang trại. Để làm được những điều này thì người ta, những người nông dân và những nhà đầu tư, cần nhất là kiến thức.
Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được mặc định là đắt đỏ, vậy làm sao để hạ giá thành sản phẩm, giúp nhiều người hơn có thể được hưởng những lợi ích từ nền nông nghiệp hữu cơ?
Giá thành sản phẩm phụ thuộc rất nhiều thứ. Khi một người canh tác hữu cơ, nhất là ở quy mô nhỏ, khi không sử dụng các chất hóa học trong quá trình canh tác, cộng với các yếu tố không phải lúc nào cũng ổn định về điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết thì người nông dân phải khá vất vả và phải học tập nhiều để có thể giữ cho sản lượng của mình tốt và do đó giúp hạ giá thành sản phẩm.
Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhớ rằng, những sản phẩm từ cách canh tác thông thường, dù giá thành có rẻ hơn, nhưng để có giá thành rẻ đó thì chúng ta đã phải trả giá cho những tổn hại về mặt môi trường. Nếu không tính đến cái giá phải trả cho việc ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất, ô nhiễm không khí, thì đúng là có vẻ giá thành của sản phẩm hữu cơ có nhỉnh hơn một chút thật. Nhưng nếu chúng ta nhìn xa và tính tới những chi phí lâu dài đó, sản phẩm hữu cơ thực ra không đắt đỏ chút nào.
Cùng với đó, cần giúp người dùng hiểu được giá trị thực sự của các sản phẩm hữu cơ – những sản phẩm không chỉ là thức ăn dinh dưỡng mà thực sự tốt cho sức khỏe, tốt cho môi trường.
Giáo sư vừa có buổi nói chuyện với lãnh đạo tập đoàn TH- một doanh nghiệp được đánh giá là hàng đầu VN trong sản xuất hữu cơ và đi thăm mô hình của họ. Ông có đánh giá như thế nào về hướng đi và cách tiếp cận về sản xuất hữu cơ của DN như tập đoàn TH?
Tôi đã thấy TH có rất nhiều dòng sản phẩm khác nhau, từ các sản phẩm và chế phẩm sữa, tới rau hữu cơ, thảo dược,... Đó đều là các sản phẩm tốt cho sức khỏe.
Riêng trong sản xuất sữa, cách làm “sạch” của các bạn là rất khó và thách thức, nhưng tận mắt nhìn thấy thì tôi đánh giá TH đã làm tốt. Đàn bò sữa của TH rất khỏe mạnh, có nhiều không gian để vận động, hít thở không khí trong lành và còn được sử dụng thảo dược nếu bị ốm. Hệ thống biogas cũng đã được sử dụng hiệu quả để xử lý vấn đề về môi trường và năng lượng.
Tôi đã nhìn thấy TH đang tập trung phát triển một hướng đi mới liên quan tới việc trồng thảo dược sạch và sản xuất các sản phẩm khác nhau từ thảo dược, tôi nghĩ đó là một hướng đi hợp lý trong điều kiện của Việt Nam và đó là những sản phẩm rất tốt cho người dùng. Tôi nghĩ, tại VN đã có một tập đoàn đi đầu như vậy trong một con đường rất có tương lai khi sức khỏe của người dùng sản phẩm được chú trọng và là giá trị cốt lõi của sản phẩm.
Xin cảm ơn Giáo sư!