MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giàu có nhưng già nua và chia rẽ: Dân số sẽ là thứ xé toạc châu Âu?

15-01-2020 - 19:09 PM | Tài chính quốc tế

Trên khắp châu Âu, người dân đang sống lâu hơn nhưng lại sinh ít con hơn. Tất nhiên đây là xu hướng đang bao trùm các nước phát triển, thậm chí một số nước đang phát triển cũng gặp phải vấn đề này. Nhưng ở châu Âu việc tìm ra giải pháp ứng phó sẽ khó khăn hơn bội phần.

Đối với những ông chủ người Bulgary, quá trình tuyển dụng đang ngày càng giống với 1 cơn ác mộng. Có thể mất tới hơn 6 tháng để có thể tìm thấy 1 người vận hành máy tiện thành thục, và rất có thể phải tốn một khoản tiền lớn cho công ty tuyển dụng. Những người vận hành máy móc lớn tuổi dày dặn kinh nghiệm đang dần nghỉ hưu, Julian Stephanov, người đang điều hành 1 nhà máy sản xuất ở gần thủ đô Sofia than phiền. Có rất ít người trẻ đủ tiêu chuẩn. Một phần vấn đề là do họ không được đào tạo, nhưng suốt từ 2008 đến nay mỗi năm lực lượng lao động của Bulgary đều giảm 6%. Ngày càng có nhiều người di cư và tình trạng tỷ lệ sinh thấp kéo dài khiến tình hình ngày càng trầm trọng.

Trên khắp châu Âu, người dân đang sống lâu hơn nhưng lại sinh ít con hơn. Tất nhiên đây là xu hướng đang bao trùm các nước phát triển, thậm chí một số nước đang phát triển cũng gặp phải vấn đề này. Nhưng ở châu Âu việc tìm ra giải pháp ứng phó sẽ khó khăn hơn bội phần, vì cấu trúc liên minh khiến người lao động có thể di chuyển dễ dàng và dù sử dụng đồng tiền chung nhưng các nước không hề có chung chính sách tài khóa hay 1 chiến lược chung để đối mặt với già hóa dân số.

Các nhà đầu tư đang nhận thức rất rõ về những khó khăn của châu Âu. Cuộc khủng hoảng nợ quốc gia cuối thập niên trước cho thấy lạm phát đồng điệu và lãi suất chung không thể đảm bảo về 1 liên minh tiền tệ bền vững hay 1 hệ thống ngân hàng được gắn kết chặt chẽ. Để giải quyết tình trạng mất cân bằng giữa các nước, họ phải đồng điệu cả về các chính sách quản lý, chính sách tiền lương và nhiều thứ khác. Giờ đây gánh nặng dân số đang đe dọa sẽ xé toạc liên minh châu Âu.

Mặc dù châu Âu tiếp nhận nhiều người nhập cư hơn so với lượng người di cư, Liên hợp quốc dự báo đến năm 2050 dân số của châu lục này sẽ giảm khoảng 5%. Độ tuổi trung bình sẽ là 47, nhiều hơn 9 tuổi so với năm 2000 và cao hơn 4 tuổi so với độ tuổi trung bình của người Mỹ. Năm 2015, cứ 4 người trong độ tuổi lao động thì sẽ có 1 người hơn 65 tuổi, nhưng đến năm 2050 tỷ lệ sẽ là cứ 2 người thì có 1 người. Ở Mỹ tỷ lệ là cứ 3 người thì có 1 người.

Một số nước sẽ phải chịu tình cảnh tồi tệ hơn. Tây Ban Nha và Italy được dự báo sẽ mất đi 25% lực lượng lao động vào năm 2050. Dân số của Nam và Đông Âu được dự báo sụt giảm trung bình 10%. Có ít lao động hơn, các nước có nguy cơ rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm chạp, trong khi nợ công sẽ tăng lên vì phải chi nhiều hơn cho dịch vụ y tế và lương hưu.

28 thành viên của Liên minh châu Âu được phân thành 3 nhóm. Phụ nữ ở Tây và Bắc Âu có xu hướng sinh con nhiều hơn so với mức trung bình ở EU (Đức là ngoại lệ). Mặc dù tỷ lệ sinh của họ vẫn thấp hơn 2,1% (là mức cần thiết để số dân không sụt giảm), tỷ lệ nhập cư cao đồng nghĩa dân số sẽ tiếp tục tăng lên.

Nhóm thứ hai, gồm các nước Nam Âu, đang trì trệ hoặc thậm chí đã suy giảm. Tỷ lệ sinh của họ thấp hơn, và ở một số nước đã rơi vào tình trạng lượng người di cư lớn hơn người nhập cư kể từ năm 2010 đến nay. Italy là ví dụ điển hình. Những người già ở đây thường nghỉ hưu sớm, và do thiếu các dịch vụ chăm sóc con trẻ nên nhiều phụ nữ đã không quay trở lại làm việc sau khi sinh con. Đến tuổi 50, chỉ một nửa vẫn còn đang làm việc. Nếu như tình trạng này kéo dài, đến năm 2050 sẽ có số người Italy hơn 50 tuổi ở ngoài lực lượng lao động sẽ nhiều hơn cả số lượng người tham gia lực lượng lao động ở mọi độ tuổi, theo dự báo của OECD.

Ở nhóm thứ ba, gồm các nước Trung và Đông Âu, số dân đã sụt giảm rất nhanh vì làn sóng di cư. Khoảng 2,5 triệu người Romani ở trong độ tuổi lao động – tương đương 20% dân số - hiện đang sống ở các nước EU khác. Những quốc gia này cũng ở trong tình trạng có khá ít người già và phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động. Ba Lan và Hungary có chính sách ưu đãi cho người nuôi con nhỏ, nhưng nghiên cứu cho thấy chúng hiếm khi tỏ ra hiệu quả.

Những xu hướng này lại càng khiến các nền kinh tế thuộc Liên minh châu Âu bị chia tách nhiều hơn. Khu vực Nam Âu nghèo hơn nhưng sản lượng thấp và lực lượng lao động ngày càng co hẹp khiến tăng trưởng càng yếu ớt hơn. Tỷ lệ nợ công của họ vốn đã cao - ở Italy là 130% GDP – giờ có nguy cơ tăng cao hơn nữa. Chính sách tiền tệ chung sẽ không thể hiệu quả nếu như triển vọng tăng trưởng của các nước khác nhau hoàn toàn.

Hầu hết các nước Trung và Đông Âu nằm ngoài liên minh tiền tệ nhưng cũng đang gặp phải rắc rối vì cấu trúc dân số. Nhiều thành viên mới của EU ban đầu khuyến khích lao động tự do dịch chuyển, nhưng sau khi mất đi nhiều người trong độ tuổi lao động vào tay các nước Bắc và Tây Âu, họ đã không còn hào hứng. Croatia đã mất 5% dân số trong 3 năm kể từ khi gia nhập EU.

Giống như ở Mỹ, dòng người di cư ở EU chủ yếu hướng tới các thành phố và khu vực có nền kinh tế phát triển năng động hơn. Nghiên cứu của Trung tâm cải cách châu Âu cho thấy những người di cư đến các địa điểm ít hấp dẫn hơn có xu hướng già hơn và có năng suất lao động thấp hơn.

Giải pháp cho một châu Âu đang cùng nhau già đi là phải có những chính sách đồng bộ. Người già và phụ nữ nên được khuyến khích trở lại với công việc. Nếu phụ nữ Italy thích làm việc như Đức, lực lượng lao động của nước này sẽ tăng thêm 14%.

Trong trường hợp của Pháp, phát triển dịch vụ chăm sóc trẻ em giá rẻ sẽ khuyến khích phụ nữ quay trở lại làm việc và còn giúp tăng tỷ lệ sinh. Những người lao động hiện tại nên được đào tạo tốt hơn. Đầu tư cho giáo dục và cơ sở hạ tầng sẽ giúp tăng năng suất. Các chính sách này còn giúp thu hút thêm người nhập cư và thuyết phục những người di cư ở lại.

Đến thời điểm này, các nước Bắc Âu đang làm tốt nhất. Đức đã hành động quyết liệt từ những năm 2000. Các chính sách cải cách hệ thống lương hưu đã giúp cải thiện tình hình. Nhưng châu Âu cần nhiều hơn thế để có thể thoát khỏi những mối đe dọa từ tình trạng già hóa dân số, và cải thiện cơ cấu dân số - dù không hề dễ dàng – sẽ có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn tại của liên minh.

Tham khảo Economist

Thu Hương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên