MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giàu lên từ nước chấm và mì ăn liền, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang còn muốn thu về cả tỷ USD từ thịt

29-04-2019 - 07:18 AM | Doanh nghiệp

Riêng năm 2019, do dịch tả lợn Châu Phi bùng nổ tại miền Bắc trong suốt quý 1, doanh thu thuần của Masan Nutri-Science được dự báo sẽ tăng từ 20 - 40%, trong đó doanh thu ngành thức ăn chăn nuôi sẽ chỉ tăng trưởng một chữ số.

Tập đoàn Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang bắt đầu năm 2019 với những tham vọng lớn, hướng đến mốc doanh thu 5 tỷ USD, biên lợi nhuận thuần 12-15% vào năm 2022; bao gồm 2 tỷ USD từ mảng tiêu dùng thông qua Masan Consumer (MCH), 2 tỷ từ chuỗi giá trị thịt thông qua Masan Nutri – Science (MNS) và 1 tỷ còn lại là đóng góp từ mảng khoáng sản qua Masan Resources (MSR) cộng với lợi nhuận thu từ Techcombank.

Đặc biệt, mặc cho hiện tại còn nhiều bấp bênh, nguồn thu từ thịt được Masan kỳ vọng đóng góp đến phân nửa doanh thu Masan Nutri – Science trong tương lai gần, tương đương kiếm 1 tỷ USD.

Áp dụng kinh nghiệm hàng nước mắm cho mục tiêu tỷ USD mảng thịt

Năm 2018, lãnh đạo Masan không phủ nhận sự giảm sút chuỗi giá trị thịt thời gian qua cùng với sự suy giảm chung của thị trường. Song, Tập đoàn khẳng định vẫn sở hữu đủ nguồn lực để đầu tư cho tương lai ngành thịt. "Tôi tin rằng trong 5 năm tới, ngành thịt sẽ có ảnh hưởng lớn đến đời sống của người tiêu dùng", và biện pháp được nhắc đến của người đứng đầu Tập đoàn là "Áp dụng kinh nghiệm từ ngành hàng nước mắm".

Theo thống kê, GDP đầu người của Việt Nam chưa đến phần mười Mỹ, tuy nhiên người tiêu dùng nước ta lại phải trả gấp đôi cho cùng sản phẩm thịt so với người dân sở tại. Giá trị thị trường thịt Việt Nam theo đó được đánh giá vào khoảng chục tỷ đô.

Trong khi xét ở khâu cung cấp, nguồn thức ăn chăn nuôi chiếm 70% chi phí nuôi heo, đòi hỏi doanh nghiệp phải tự thân áp dụng công nghệ để đạt năng suất cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Và, mặc dù có tiềm năng phát triển tốt, lợi nhuận cao nhưng thức ăn chăn nuôi Việt Nam đang bị các doanh nghiệp nước ngoài "nắm cán". Xét về cơ cấu, sản lượng từ các nhà máy thuộc khối liên doanh và vốn nước ngoài chiếm đâu đó đến 65% tổng sản lượng cả nước.

Bấy nhiêu đó thể hiện được dư địa của thị trường thịt cũng như chế biến thịt, Tập đoàn Masan cũng đặt mục tiêu đến năm 2022, Masan Nutri-Science sẽ:

+ Chiếm 10% thị phần thị trường thịt heo toàn quốc có trị giá 10,2 tỷ USD.

+ Xây dựng mạng lưới phân phối thịt bằng việc kết hợp giữa chuỗi những cửa hàng bán lẻ của chúng ta cùng kênh siêu thị và chợ truyền thống.

+ Doanh thu đạt 2 tỷ USD với đóng góp 50% từ các sản phẩm thịt và đạt lợi nhuận 200 - 250 triệu USD.

Riêng năm 2019, do dịch tả lợn Châu Phi bùng nổ tại miền Bắc trong suốt quý 1, doanh thu thuần của Masan Nutri-Science được dự báo sẽ tăng từ 20 - 40%, trong đó doanh thu ngành thức ăn chăn nuôi sẽ chỉ tăng trưởng một chữ số. Đồng thời, doanh thu thuần của thịt tươi có thể sẽ đóng góp khoảng 10% vào doanh thu thuần hợp nhất của Masan Nutri-Science; các rủi ro tiềm năng chủ yếu nhất phía Masan dự trù là sự bùng phát dịch bệnh làm ảnh hưởng đến tăng trưởng doanh thu và khả năng mở rộng mạng lưới phân phối thịt tươi.

Mới đây, Masan cũng phát đi thông báo tạm dừng bán thịt heo do dịch tả châu Phi. Công ty cũng đã chủ động xin dừng hoạt động nhà máy tại ổ dịch từ 12/4; chiều ngược lại vẫn tiếp tục phát triển hệ thống phân phối... nói là tiêu cực nhưng cũng có điểm khả quan, đại diện Masan chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên mới đây, "Việt Nam bị dịch tả sau 6 tháng so với các quốc gia khác Trung Quốc đang thiếu hụt thịt, nên Việt Nam dự báo cũng không ngoại lệ thời gian tới".

Chơi liều ăn nhiều

CTCP Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan) được thành lập vào ngày 20/11/1970 và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh từ ngày 18/5/1974. Hiện nay, Vissan là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ngành thực phẩm của cả nước, lĩnh vực hoạt động chuyên về sản xuất kinh doanh thịt tươi sống, đông lạnh và thực phẩm chế biến từ thịt. Vissan sở hữu hệ thống phân phối hiện đại, dày đặc với 130.000 điểm bán lẻ toàn quốc, riêng TpHCM ghi nhận 47 cửa hàng, giữ thị phần đứng đầu về thịt tươi sống và chế biến thực phẩm.

Trở lại với câu chuyện dài chuỗi giá trị thịt của Masan, thực tế thời gian qua đã minh chứng cho tuyên bố Tập đoàn sẽ áp kinh nghiệm hàng nước mắm cho mảng thịt. Được biết đến với thành công trong việc chiếm lĩnh thị trường nước chấm - tương ớt, Masan chính thức bước chân vào mảng thịt cũng với động thái thâu tóm, đầu tiên là 52% CTCP Việt - Pháp Sản xuất thức ăn gia súc (Proconco) và 70% CTCP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco). Đây cũng là năm Masan Nutri – Science (MNS) ra đời, làm mái nhà chung cho Proconco và Anco.

Đến năm 2016 thông qua Anco, Masan tiếp tục thắng CJ (Hàn Quốc) để trở thành đối tác chiến lược của Vissan. Chấp nhận chi trả mức giá cao ngất 126.000 đồng/cp, gấp hơn 7 lần mức giá IPO Vissan (17.000 đồng/cp), Masan bỏ tiền túi đến 1.427 tỷ đồng để sở hữu 14% vốn Vissan. Cũng trong giai đoạn này, đòn bẩy tài chính Masan khá áp lực với dư nợ vay, phát hành trái phiếu cổ phiếu lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, nhiều cổ đông tỏ ra e ngại Masan "chơi liều".

Tuy nhiên, với tiềm năng thị trường thịt Việt Nam cũng như lợi thế Vissan đang có, Masan hoàn toàn có lý. Minh chứng là Tập đoàn cũng thu hút được khá nhiều dòng vốn ngoại tại mảng này. 

Điểm lại có thương vụ KKR - công ty đầu tư hàng đầu của Mỹ - rót 250 triệu USD bao gồm 100 triệu USD mua cổ phần Tập đoàn và 150 triệu USD đầu tư vào Masan Nutri - Science để sở hữu 7,5% cổ phần đầu năm 2017. Mục tiêu KKR đưa ra nhằm chia cơ hội tăng trưởng đột phá trong ngành hàng thịt và các sản phẩm từ thịt của Masan.

Và mới đây nhất, Masan tiếp tục nhận khoản đầu tư 470 triệu USD từ SK Group, tương đương mức định giá Tập đoàn vào khoảng 5 tỷ đô. Trong thương vụ này, giới đầu tư kỳ vọng SK sẽ hỗ trợ Masan trong mảng sản xuất thịt cũng như xuất khẩu thịt heo sang Trung Quốc (SK đang sở hữu 27% của công ty sản xuất thịt bò lớn thứ ba của Trung Quốc).

Cho đến hiện tại với việc liên tục nhận được khoản đầu tư giá trị lớn, tỷ lệ nợ/EBITDA của Tập đoàn giảm xuống còn khoảng 2,5 lần vào cuối năm 2018, cơ cấu tài chính tương đối ổn định. Cũng tại kỳ Đại hội 2019, ông Danny Le khẳng định đang rất hài lòng với tỷ lệ sở hữu hiện nay tại Vissan, tương lai nếu có cơ hội tăng sở hữu sẽ xem xét.

Trở lại lộ trình cho chuỗi giá trị thịt, Masan Nutri-Science đã đầu tư xây dựng nền tảng kinh doanh thịt tươi thông qua việc đưa vào vận hành trang trại nuôi heo kỹ nghệ cao tại Nghệ An và tổ hợp chế biến thịt tại Hà Nam vào cuối năm 2018.

Giàu lên từ nước chấm và mì ăn liền, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang còn muốn thu về cả tỷ USD từ thịt - Ảnh 2.

Trang trại có công suất 230.000 - 250.000 con lợn thịt hàng năm và tổ hợp chế biến tại Hà Nam với công suất 1,4 triệu con heo mỗi năm.

Song song, Masan còn tung ra sản phẩm thịt mát "MEATDeli" vào quý 4/2018, đây là mảnh ghép cuối cùng để trở thành công ty thịt có thương hiệu, nhằm đáp ứng nhu cầu lớn chưa được thỏa mãn của người tiêu dùng cho sản phẩm thịt ngon và an toàn. MEATDeli hiện được bán qua hệ thống cửa hàng riêng và chuỗi siêu thị VinMart tại Hà Nội. Ban Điều hành dự kiến tăng cường mạng lưới phân phối nhằm đạt thị phần 5 - 10% tại Hà Nội trong thời gian vào cuối năm 2019.

Giàu lên từ nước chấm và mì ăn liền, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang còn muốn thu về cả tỷ USD từ thịt - Ảnh 3.

Giao dịch MSN 1 năm qua.

Chuỗi giá trị thịt kéo lùi tăng trưởng năm 2018

Về Masan, cấu trúc hoạt động doanh nghiệp gồm 3 trụ cột là ngành hàng tiêu dùng - Masan Consumer (MCH), Chuỗi giá trị chăn nuôi – Masan Nutri-Science (MNS), Khai thác tài nguyên – Masan Resources (MRS). Kết thúc năm 2018, doanh thu toàn Tập đoàn đạt 39.379 tỷ đồng, tương ứng mức lãi ròng thu về 4.916,5 tỷ đồng, tăng so với thực hiện năm 2017. Trong đó, ngành hàng tiêu dùng (gồm gia vị, mì ăn liền, cà phê, bia) tăng trưởng tích cực sau 4 năm gần như chững lại, doanh thu Masan Consumer tương ứng đạt 17.345 tỷ đồng, tăng 28%. Được biết, năm 2018 cũng là năm đánh dấu sự trở lại của ông Trương Công Thắng - người đã xây dựng Masan Consumer Holdings thuở ban đầu những năm 2006-2013. Cùng với đó, tăng trưởng năm 2018 còn có Masan Resources với doanh thu 6.865 tỷ, tăng 27%.

Ngược lại, mảng chuỗi giá trị thịt – Masan Nutri-Science ghi nhận sự sụt giảm mạnh gần 34% doanh thu, từ mức 18.690,5 tỷ về 13.977 tỷ đồng, nguyên nhân phía Tập đoàn cho biết nông dân tái đàn chậm hơn dự kiến.

Ngoài 3 mảng cốt lõi trên, năm 2018 Masan còn thu về lợi nhuận một lần là 1.472 tỷ đồng từ việc bán một phần cổ phần Tập đoàn tại Techcombank trong quý 2/2018 (lợi nhuận một lần thu được từ trái phiếu chuyển đổi của Techcombank trong quý 4/2017 là 933 tỷ đồng).

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên