MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giàu tài nguyên, tăng trưởng GDP cao hơn Hà Nội, thu nhập đầu người gấp đôi cả nước, Quảng Ninh vẫn đang miệt mài “vượt sướng” như thế nào?

Có ưu thế sẵn về tài nguyên than đá dồi dào, nhưng cú hích về đầu tư hạ tầng du lịch cùng với định hướng rõ ràng cho thấy tầm nhìn xa của Quảng Ninh.

Tăng trưởng kinh tế vượt cả Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh

Trong báo cáo tổng kết năm 2016 của tỉnh Quảng Ninh, những thành tựu kinh tế mà vùng đất mỏ khiến nhiều người bất ngờ. Trong khi tăng trưởng GDP của cả nước vào khoảng 6,3-6,5% thì GDP tỉnh này đạt mức tăng 10,1%, cao hơn cả Hà Nội (8,03%), Tp. HCM (8,0%), Đà Nẵng (8,85%) và chỉ sau Hải Phòng (11%). Cũng phải nói thêm từ 2 thập kỷ này Quảng Ninh luôn tốc độ tăng trưởng chỉ số này luôn đạt trên 10%/năm.

Tăng trưởng GDP cao kéo theo GDP bình quân đầu người Quảng Ninh cũng cao hơn hẳn so với mức bình quân cả nước. Nếu năm 2013 GDP bình quân đầu người đạt 2.958 USD (gấp hơn 1,5 lần so với cả nước là 1.960 USD). Thì số liệu mới nhất cũng cho thấy con số đã tăng lên 4.050 USD/người năm 2016, con số của năm trước là 3.776 USD/ người.

Hai trụ cột chính đóng góp vào tăng trưởng kinh tế Quảng Ninh gồm Công nghiệp- xây dựng chiếm tỷ trọng 52% và Dịch vụ 41,2%. Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng khiêm tốn với mức 6,8%.

Với tăng trưởng kinh tế ở mức cao nên cũng không khó hiểu khi Quảng Ninh là 1 trong 13 tỉnh thành có tỷ lệ điều tiết và đóng góp cho ngân sách nhà nước trong năm 2016 bên cạnh Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu, Cần Thơ.

Năm 2016, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh ước đạt 36.000 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Nếu so sánh với con số 1.811 tỷ đồng năm 2000 thì con số thu ngân sách tăng tới gần 20 lần. Xem xét trong cơ cấu thì thu nội địa năm 2016 đạt 24.000 tỷ đồng, chiếm 67% cơ cấu, thu xuất nhập khẩu đạt 12.000 tỷ đồng.

Lợi thế "con nhà giàu"

Công nghiệp- xây dựng là trụ cột chính cho phát triển kinh tế Quảng Ninh cũng bởi tỉnh này có lợi thế sẵn có về tự nhiên hay nói hoa mỹ là "con nhà giàu". Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết đây là 1 trong 5 lợi thế so sánh của Quảng Ninh so với các địa phương khác. Theo đó, tỉnh này có nguồn tài nguyên khoáng sản giàu có, nhất là than đá (than đá chiếm hơn 90% sản lượng cả nước và là vựa than lớn nhất Đông Nam Á). Đây cũng là trung tâm nhiệt điện với sản lượng nhiệt điện chiếm 20% và xi măng chiếm 15% sản lượng cả nước.

Thế nhưng lợi thế về khoáng sản cũng đem đến cho Quảng Ninh những thách thức lớn. Có thể lấy ví dụ là việc nguồn thu ngân sách giảm do khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành Than, trong hoạt động thu xuất nhập khẩu do giá xăng dầu thế giới giảm mạnh cùng với chính sách giảm thuế ưu đãi đặc biệt từ các nước ASEAN. Sản xuất công nghiệp của tỉnh này năm 2016 ổn định nhưng ngành công nghiệp khai khoáng giảm 0,58%, sản lượng than sạch chỉ đạt 38,85 triệu tấn, giảm 2% so với cùng kỳ.

Đứng trước thách thức lớn, Quảng Ninh đã sớm đưa ra chiến lược đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh". Cụ thể là các chính sách phát triển du lịch tận dụng lợi thế sẵn có và xây dựng các đặc khu kinh tế Vân Đồn, Móng Cái.

Thực tế cũng đã phần nào chứng minh hướng đi đúng khi tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp, xây dựng ngày càng giảm (từ 59,2% năm 2011 xuống 55,5% năm 2013 và năm 2016 là 52%); trong khi nhóm ngành dịch vụ, du lịch liên tục tăng trưởng nhanh (từ 34,9% năm 2011 lên 38,9% năm 2013). Năm 2016 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 60.721 tỷ đồng, tăng gần 40 lần so với năm 1995 theo số liệu của tổng cục thống kê.

Năm 2016, Quảng Ninh đã đạt trên 8,3 triệu lượt khách du lịch, tăng 7% so với năm trước. Trong đó, khách quốc tế là 3,5 triệu lượt, tăng 27% so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch đạt 13.300 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2015.

Năm 2017, Quảng Ninh đặt mục tiêu sẽ đạt 8,9 triệu lượt khách du lịch (trong đó khách quốc tế đạt 3,6 triệu lượt), mang lại tổng thu từ khách du lịch khoảng 13.800 tỷ đồng.

Không chỉ thay đổi về định hướng, Quảng Ninh còn có những hành động cụ thể hơn như kế hoạch quảng bá du lịch mang tên "Nụ cười Hạ Long" từ năm 2015 với sự tham gia từ những lãnh đạo cao nhất của tỉnh. Cùng với đó là chương trình Nụ cười Hạ Long, mỗi người dân Quảng Ninh đều là một đại sứ du lịch, luôn chào đón du khách trong và ngoài nước bằng nụ cười chân thành, cởi mở, thân thiện và mến khách.

Sang đến năm 2015, tỉnh này cũng ban hành Bộ quy tắc ứng xử gồm những chuẩn mực văn hóa trong lĩnh vực du lịch. Năm này, Quảng Ninh cũng tổ chức Carnaval Hạ Long 2015 đã trở thành đêm hội đường phố tràn ngập màu sắc văn hóa và lan tỏa những nụ cười rạng rỡ, khẳng định thông điệp chào đón bạn bè, du khách bằng nụ cười nồng hậu từ trái tim, để Quảng Ninh luôn là nơi "cần đến và đáng sống" cho tất cả mọi người.

Mở đường cho các tập đoàn tư nhân đầu tư hạ tầng cũng là hành động dễ nhận thấy trong vài năm gần đây của Quảng Ninh với những tên tuổi lớn như Bim Group, Vingroup, Sun group, Myway, Tuần Châu, FLC,… Cú hích về đầu tư hạ tầng du lịch cùng với định hướng rõ ràng cho thấy tầm nhìn của nhà giàu vượt sướng mang tên Quảng Ninh.

Theo Thu Thúy

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên