MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giấy tái chế và chuyện “con sâu làm rầu nồi canh”

16-10-2018 - 11:00 AM | Doanh nghiệp

Thời gian qua, có tình trạng hàng ngàn container phế liệu nhập khẩu ùn tắc tại các cảng vì lý do một số doanh nghiệp (DN) lợi dụng kẻ hỡ pháp lý để đưa phế liệu không đạt chuẩn vào Việt Nam. Đối mặt với vấn đề, Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp kịp thời để “đóng” cửa vào của một số loại phế liệu. Tuy nhiên, đối với ngành giấy, giấy tái chế là nguồn nguyên liệu đầu chủ lực, mang lại lợi ích đáng kể về mặt môi trường và kinh tế. Vậy đâu là lời giải cho tiếng nói giữa doanh nghiệp sản xuất và môi trường?

Tình trạng nhập liệu đáng báo động

Theo thống kê của ngành bao bì giấy, cả nước hiện có khoảng 300 DN ngành giấy với năng lực sản xuất đạt khoảng 200.000 tấn bột giấy mỗi năm, nhu cầu tiêu dùng và sản xuất cao tuy nhiên nguồn cung bột giấy thương phẩm trong nước lại chỉ đáp ứng được một phần nhỏ của nhu cầu này. Trong khi đó, Việt Nam chưa có DN sản xuất bột giấy công suất lớn. Kết quả là các doanh nghiệp sản xuất giấy có xu hướng tự thành lập cơ sở sản xuất bột giấy để phục vụ nhu cầu của mình, vì vậy quy mô của các đơn vị này chỉ vào khoảng vừa và nhỏ.

Một phương án khác nhằm giải quyết thực trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, nhiều DN đã nhập khẩu bột giấy và giấy tái chế từ các quốc gia lân cận. Theo ước tính, mỗi năm các doanh nghiệp ngành giấy chi 2,5 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu. Năm 2017, cả nước đã nhập gần 1,5 triệu tấn giấy thu hồi các loại làm nguyên liệu sản xuất.

Trong bối cảnh nhập khẩu phế liệu trên đà trở nên ngày càng thiết yếu hơn, có nhiều DN không có nhu cầu tái chế mà chỉ nhập về bán lại hoặc một số lượng lớn DN chưa đủ điều kiện đáp ứng công nghệ sản xuất, lẫn xử lý thải nhưng vẫn cố tình nhập khẩu. Đến khi Chính phủ thắt chặt nhập khẩu phế liệu, nhiều doanh nghiệp do không xuất trình được giấy tờ hợp lệ cũng như không đáp ứng được tiêu chuẩn kiểm tra từ các cơ quan chức năng đã chọn cách bỏ lô hàng. Điều này dẫn đến tình trạng hàng ngàn container phế liệu nhập khẩu ùn ứ tại các cảng và buộc chính phủ phải tăng cường thắt chặt công tác quản lý.

Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng môi trường cũng như tạo hệ luỵ đến nhiều doanh nghiệp sản xuất uy tín, có hướng phát triển tiềm năng và đủ năng lực xử lý môi trường. Chỉ tính riêng ngành giấy, đến cuối tháng 8, đã có 1,500 container bị tồn động ở các cảng. Năng lực sản xuất và xuất khẩu giấy bao bì vì thế đã giảm sút lần lượt 2% và 8%. Không chỉ ngành giấy mà các doanh nghiệp ngành nhựa, thép, xi măng… cũng bị đưa vào thế khó. Cụ thể, Hiệp hội Thép Việt Nam trước đó đã kiến nghị loại trừ sắt thép vụn ra khỏi đối tượng phải lấy mẫu để đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Giấy tái chế có phải rác thải?

Theo ông Đặng Văn Sơn - Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và bao bì VN (VPPA), sản xuất giấy (kể cả giấy tái chế) không phải là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Các quốc gia tiên tiến trên thế giới từ lâu đã công nhận tái chế giấy đã qua sử dụng là hoạt động bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và phân biệt rạch ròi giữa giấy tái chế và phế liệu. Doanh nghiệp tại các nước phát triển luôn được khuyến khích tận dụng nguồn nguyên liệu tái sử dụng để sản xuất nhằm cắt giảm chi phí, đồng thời bảo vệ môi trường.

Giấy tái chế và chuyện “con sâu làm rầu nồi canh” - Ảnh 1.

So với sản xuất giấy từ bột nguyên chất (theo Tạp chí công nghiệp tháng 12/2008), sản xuất từ giấy tái chế trung bình giảm thiểu 74% lượng khí thải và 35% nước thải. Nhưng sự thật là quy trình xử lý đối với loại nguyên liệu này ở các doanh nghiệp có nhiều điểm khác biệt. Nếu như các doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy trình làm sạch và tái chế còn hạn chế do nhà xưởng và công nghệ không đảm bảo thì ngược lại, các doanh nghiệp lớn hay FDI có khả năng xử lý nguồn nguyên liệu tốt hơn do sở hữu thế mạnh và tiềm lực tài chính, quy trình sản xuất hiện đại, công tác quản lý khoa học và chặt chẽ trong khâu xử lý môi trường trong quá trình sản xuất.

Nói về lợi ích của nguồn nguyên liệu giấy tái chế, đây là điều không thể phủ nhận. Bên cạnh đó, các quan chức chính phủ luôn nhắn nhủ người dân và các doanh nghiệp không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Việc cân bằng lợi ích kinh tế và yếu tố môi trường trở thành một thách thức “thế kỷ” cho cả phía cơ quan quản lý và phía doanh nghiệp. Câu hỏi đặt ra rằng: Liệu quản lý với các tiêu chuẩn khắt khe, quy chuẩn hơn và doanh nghiệp thực thi những biện pháp sản xuất “xanh” hơn có giải quyết thoả đáng được vấn đề còn tồn đọng bao lâu nay?

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên