Giới giàu tại châu Á chịu chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất thế giới
Thượng Hải hiện là thành phố đắt đỏ nhất đối với giới giàu, theo sau là Tokyo, Hồng Kông, Monaco...
- 12-04-2021'Dòng vốn chuyển hướng tới một châu Á năng động, tăng trưởng cao'
- 11-04-2021Châu Á trong 'buồng lái' làn sóng toàn cầu hóa tiếp theo
- 09-04-2021Uniqlo muốn tăng gấp đôi tốc độ mở chuỗi tại châu Á
Theo báo cáo nghiên cứu từ công ty Julius Baer Group Ltd., châu Á - Thái Bình Dương hiện là nơi có chi phí sống xa xỉ đắt đỏ nhất thế giới đối với giới giàu. Trong đó, nơi đắt nhất là thành phố Thượng Hải (Trung Quốc).
Báo cáo của Julius Baer Group chỉ ra một trong những nguyên nhân là nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương phục hồi nhanh chóng sau đại dịch Covid-19 năm 2020. Trong khi đó, châu Mỹ là khu vực có chi phí sinh hoạt thấp nhất đối với giới giàu nhờ giá trị đồng USD, Đôla Canada cũng như nhiều đồng tiền tại Mỹ Latin giảm.
Top 10 thành phố có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất thế giới dành cho giới giàu gồm Thượng Hải, Tokyo, Hồng Kông, Monaco, Đài Bắc, Zurich, Paris, London, Singapore và New York.
"Các thành phố châu Á đắt hơn những nơi khác trên thế giới bởi Covid-19 đã không quét qua đây như các thành phố khác trong danh sách", Rajesh Manwani, Giám đốc giải pháp quản lý tài sản và thị trường tại châu Á Thái Bình Dương của Julius Baer, nhận xét. "Vì vậy, các thành phố châu Á vẫn có thể hoạt động bình thường".
Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã quét qua toàn thế giới, khiến hàng triệu người mất việc, nhưng cũng giúp cho giới giàu càng giàu hơn. Đặc biệt, những người hoạt động trong lĩnh vực công nghệ càng "ăn nên làm ra" khi các đợt phong tỏa phòng dịch bệnh khiến xu hướng dịch chuyển sang học tập, mua sắm, giao lưu qua internet tăng vọt. Theo Bloomberg Billionaire Index, tổng giá trị tài sản của 500 người giàu nhất thế giới đã tăng thêm 1.800 tỷ USD trong năm qua, trong đó hai tỷ phú kiếm tiền nhiều nhất năm qua là Elon Musk - CEO của Tesla và Jeff Bezos - người sáng lập Amazon.
Theo Julius Baer, ngành du lịch, khách sạn chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch. Trong khi giá phòng khách sạn hạng sang giảm 9,3%, giá vé máy bay hạng thương gia lại tăng 11% - mức tăng mạnh nhất trong số các danh mục dịch vụ xa xỉ dành cho giới giàu.
Julius Baer cho biết dù châu Á là nơi đắt đỏ nhất đối với giới giàu, giá hàng hóa và dịch vụ xa xỉ dành cho nhóm thượng lưu này đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, thành phố Thượng Hải chứng kiến sự "bất thường" khi giá cả hàng hóa, dịch vụ xa xỉ cho giới giàu tăng 6% trong năm ngoái. Mark Matthews, giám đốc nghiên cứu khu vực châu Á Thái Bình Dương của Julius Baer cho biết giá vé máy bay hạng thương gia tại đây tăng 82%, trong khi giá phòng khách sạn tăng 15%.
Báo cáo Tài sản và Phong cách sống Toàn cầu của Julius Baer phân tích giá cả của 20 hàng hóa, dịch vụ xa xỉ dành cho người giàu tại 25 thành phố trên thế giới. Để phù hợp với những thay đổi trên thế giới, báo cáo năm 2021 của Julius Baer đã thay thế các mục gồm huấn luyện viên cá nhân, tiệc cưới, botox và piano bằng xe đạp, máy chạy bộ, bảo hiểm y tế và gói dịch vụ công nghệ.
VnEconomy