Giọt nước mắt của mẹ và bức tâm thư nhờ cộng đồng tìm trường cho con vào lớp 1
Từng nhiều lần bị từ chối khi đi tìm trường cho con vào lớp 1 vì bé mắc chứng tự kỷ, nhưng người mẹ này vẫn kiên trì tìm kiếm cơ hội giúp con hòa nhập với bạn bè, trường lớp.
- 16-03-2019Bị con trai lớp 8 lấy trộm 300 triệu đem chia cho các bạn cùng lớp, người mẹ không đau đớn vì mất của bằng việc nhận ra con mình nghĩ có thể "mua" bạn được bằng tiền...
- 11-03-2019Thấm thía cách dạy con làm giàu chẳng giống ai của tỷ phú kim cương Ấn Độ: Nghiêm khắc nhưng cần thiết nếu muốn trẻ hiểu được giá trị đồng tiền!
Chị Đỗ Thị Minh Hiền, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một người mẹ có cậu con trai 8 tuổi được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ. Tuy nhiên thay vì sự e ngại, chị Hiền bằng sự cởi mở và tinh thần lạc quan đã quyết định chia sẻ câu chuyện của con với mong muốn bé được đi học, hòa nhập với bạn bè, trường lớp.
Sau nhiều lần bị từ chối thẳng thừng khi đi xin học cho con, chị Minh Hiền đã chia sẻ bức tâm thư lên trang cá nhân. Chị mong với sức mạnh của cộng đồng mạng, chị có thể tìm cho con mình một ngôi trường phù hợp.
Bức thư tìm kiếm sự giúp đỡ để con được đi học và phát triển bình thường của chị Minh Hiền thu hút sự chú ý chỉ sau vài giờ đăng tải.
Chị Hiền viết trong bức tâm thư: "Mình đã xác định tư tưởng một cách thoải mái, vui vẻ rằng Bo có thể không đi học được ở những trường bình thường với các bạn bình thường.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mong mỏi cho con được đến trường biến mất khỏi tâm trí mình. Năm nay, mình thấy Bo tiến bộ hơn nhiều, con có vẻ sẵn sàng cho việc đi hoà nhập.
Hơn 1 năm trước, mình tìm các trường (đến tận nơi, gọi điện thoại...) và bị từ chối. Sự từ chối này có ảnh hưởng sâu sắc phết. Đến giờ vẫn gờn gợn.
Vì vậy, mình có ý tưởng nhờ bạn bè giới thiệu giúp những trường Tiểu học có tiềm năng nhận Bo vào học, sau đó mình sẽ liên hệ để giảm nguy cơ đau tim do bị từ chối nhiều.
Profile ngắn gọn của Bo như sau:
Sinh tháng 8/2011, nghĩa là năm nay đi học chậm mất 2 năm. Dễ thương, hay cười. 99% người gặp đều có cảm tình với Bo, 1% còn lại thì yêu thương Bo.
Ngoan ngoãn, nghe lời và khá hợp tác.
Nói ngọng: đây là ưu điểm lớn của Bo khi con có thể khiến mọi người cười vui vẻ về phát âm của mình.
Bé Bo tỏ ra thích thú và hợp tác sau 2 buổi làm quen với trường học.
Những lợi ích khi tiếp nhận Bo:
Cô giáo chủ nhiệm: Mọi nỗi buồn của cô sẽ tan biến khi cô thấy Bo cười, khi Bo ngọng nghịu: "Con chào cô". Đảm bảo!
Học sinh: Thế giới quan của các con sẽ phong phú, đa dạng hơn khi nhận ra mỗi con người là một sự khác biệt, sự khác biệt mang lại nhiều thú vị cho cuộc sống.
Đơn giản hơn, với sự giúp đỡ của cô giáo chủ nhiệm, các con sẽ biết yêu thương và chia sẻ nhiều hơn. Các con cũng sẽ cảm thấy mình may mắn hơn…
Nhà trường: Trao cơ hội phát triển cho 1 đứa trẻ là mục tiêu lớn của mỗi cơ sở giáo dục. Việc tiếp nhận Bo không phải là thông điệp khẳng định mục tiêu đó hay sao?
Ngoài ra, mẹ Bo sẵn sàng cống hiến hết tất cả những kiến thức, kinh nghiệm có được (từ truyền thông, marketing, kỹ năng mềm, tư vấn tâm lý trẻ em...) cho nhà trường hoàn toàn miễn phí".
Chị Hiền cũng cam kết sẽ đón con về ngay lập tức nếu bé không thể hoà nhập, gây mâu thuẫn với bạn nhiều lần hay gây mất ổn định trong lớp và trường.
Bức thư nhờ giúp đỡ tìm trường cho con của chị Minh Hiền nhanh chóng nhận được sự quan tâm của dân mạng. Rất nhiều lời gợi ý, đề nghị hỗ trợ được đưa ra chỉ sau một vài giờ đồng hồ.
Việc được lắng nghe, chia sẻ khiến người mẹ này cảm thấy rất vui và xúc động. Tuy nhiên, chị Minh Hiền cho biết tất cả chỉ dừng lại mức gợi ý và chị vẫn đang cân nhắc kỹ trước khi có quyết định.
Hành trình giúp con phát triển bình thường để cảm thấy thanh thản khi không thể ở bên con của nữ giảng viên trường Báo
Có thể nhận thấy sự lạc quan, giọng điệu hóm hỉnh của chị Minh Hiền khi viết bức thư kêu gọi sự giúp đỡ này.
Chị Hiền cũng thừa nhận, cảm xúc này hoàn toàn trái ngược so với thời điểm hơn 1 năm về trước, khi chị bắt đầu công cuộc tìm trường cho con lần đầu tiên.
"Lần này mình viết bài trong tâm trạng lạc quan, xen lẫn hồi hộp, chưa bao giờ đăng bài nào mà tim đập thình thịch như sắp nói lời cám ơn ở Hội đồng bảo vệ Tiến sỹ vậy.
Hơn 1 năm trước, mình đã từng vừa khóc, vừa viết bài tâm sự về nỗi buồn khi không xin được trường nào cho Bo. Lúc đó Bo đã đi học lớp 1 chậm 1 năm, vì bé chưa sẵn sàng nên mình muốn lùi lại.
Vậy mà từ trường Quốc tế đến dân lập, đến đâu họ cũng nói con cần môi trường phù hợp. Thế nào là phù hợp khi không cho một đứa trẻ cơ hội hòa nhập? Họ từ chối Bo ngay khi biết con mắc chứng tự kỷ, dù chưa từng gặp con lần nào.
Thậm chí, mình năn nỉ họ tiếp xúc với Bo rồi hẵng quyết định, rằng chỉ cần cho con ngồi một chỗ trong lớp, không cần đăng ký danh sách gì cả và nếu Bo không hợp tác mình sẽ đưa về ngay. Nhưng vẫn không nơi nào giúp đỡ, tiếp nhận con…", xhị Minh Hiền chia sẻ.
Đối với bất kỳ ông bố, bà mẹ nào, hành trình chăm sóc, nuôi dạy con cái đều là thành quả của tình yêu, nước mắt, nỗi sợ hãi và cả niềm vui tột bậc. Với những người mẹ có con nhỏ mắc chứng tự kỷ như chị Minh Hiền, công cuộc giúp con phát triển bình thường còn nhọc nhằn hơn rất nhiều so với người khác.
Bé Bo trong một buổi làm quan với môi trường lớp học.
Cảm thấy trời đất như bất giác sụp đổ dưới chân, muốn phủ nhận hiện thực con mắc chứng tự kỷ là cảm giác chị Hiền từng trải qua khi nghe kết luận của bác sỹ, sau khi đưa con đi kiểm tra vì nhận thấy biểu hiện bất thường của bé: Thiếu tập trung, gọi không quay lại, đi nhón chân và có hành vi lặp lại.
"15 tháng Bo đi học mầm non, 20 tháng thì con vừa học mầm non, vừa can thiệp theo giờ. Khi Bo đến tuổi vào lớp 1, mình buộc phải cho con học tiếp mẫu giáo nhưng ở đó các cô chỉ trông và cho con ăn, chứ không có kỹ năng hỗ trợ.
Sau đó, mình chọn một trung tâm chuyên biệt cho Bo, mang theo trăn trở làm sao để con được gặp gỡ và chơi với nhiều "bạn bình thường" hơn.
Song hành với đó, mình còn tổ chức nhiều khóa học miễn phí cho các bạn nhỏ sinh năm 2009 – lứa tuổi chị gái Bo – và đưa con đến các lớp này mỗi thứ 7 hàng tuần để Bo được chơi với các anh chị khác".
Dẫu biết hành trình phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng chị Hiền vẫn luôn lạc quan, tin tưởng.
Đã từng nghĩ con không thể đi học như người bình thường, nhưng có lẽ bằng tình yêu thương vô bờ của một người mẹ, chị Hiền quyết tìm cơ hội để con hòa nhập.
"Mình muốn nhấn mạnh là mình đang tìm cơ hội cho Bo, nhưng nếu khi đi học bé không thích hoặc không thể hòa nhập, năng lực hạn chế thì mình sẽ không ép.
Quan trọng là mình có cho Bo đi làm quen với trường lớp để con có cơ hội cảm nhận về không gian trường học thực sự: Nhà cao tầng, lớp học, sân trường, thầy cô, bạn bè thì bé rất thích thú, hợp tác và có thái độ tích cực."
Đối với chị Hiền và bé Bo, hành trình tìm kiếm tương lai vẫn còn nhiều thử thách. Người mẹ này hiểu rằng, bản thân sẽ không thể ở cạnh con mãi mãi, do đó, dẫu có khó khăn, chị vẫn chọn cách lạc quan.
Cố gắng tìm cơ hội cho con, cũng là tìm cho mẹ cơ hội thanh thản nếu một ngày không thể sát cách cùng con trên bước đường đời.
Hiện tại, dẫu kết quả thế nào thì chị Hiền và bé Bo cũng đã có thể mỉm cười khi đón nhận sự yêu thương, sẻ chia của tất cả mọi người sau câu chuyện.
Trí thức trẻ