Giữ nguyên giá xăng, điều chỉnh giá dầu: Chưa có hiện tượng “té nước theo… xăng”
Đúng 16g chiều qua, Liên bộ Công Thương – Tài chính đã chính thức điều chỉnh giá xăng dầu trong kỳ điều hành giá đầu tiên của năm mới 2017.
Song trái với đồn đoán của nhiều người, giá xăng sẽ tăng mạnh, nhiều khả năng khiến giá các mặt hàng thiết yếu tăng theo dịp cuối năm thì lần điều chỉnh này, Liên bộ đã quyết định dừng trích lập Quỹ bình ổn đối với mặt hàng xăng, tiếp tục xả quỹ bình ổn để cứu vãn sự tăng giá xăng. Riêng với các mặt hàng dầu, thì vừa xả quỹ vừa tăng giá do giá dầu thế giới đã tăng liên tiếp nhiều tháng qua.
Kìm giá xăng để giữ ổn định mặt bằng giá cả
Như vậy là dù bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới đã tăng mạnh so với kỳ điều chỉnh giá xăng dầu 15 ngày trước đó, cụ thể xăng RON92 ở mức 66,537 USD/thùng, dầu diesel 64,49 USD/thùng, dầu hỏa 65,54 USD/thùng, dầu madut 333,5 USD/tấn, tăng từ 1,7- 8,5 USD/thùng, tương đương tăng từ 2,6% đến 4,9%; nhưng với đợt điều chỉnh giá lần này, chủ yếu điều chỉnh các mặt hàng dầu thì giá xăng dầu trong nước nhìn chung sẽ dễ chịu hơn giá thế giới.
Trong quý I/2017, Bộ Tài chính đã áp dụng mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền trong công thức tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu. Cụ thể, thuế nhập khẩu xăng 10,56%; dầu diesel 1,98%; dầu hỏa 0,08% và dầu mazut 2,26%. Trong đó có tính đến tỉ trọng từ nguồn nhập khẩu (49,35%) và nguồn mua của nhà máy lọc dầu Dung Quất (50,65%) để tính thuế Tiêu thụ đặc biệt là 49,35%.
Điều này cho thấy để tránh tác động tăng giá phi mã theo giá thế giới, Bộ Tài chính đã sử dụng công cụ điều tiết là giảm thuế nhập khẩu bình quân gia quyền, đồng thời xả quỹ bình ổn giá xăng dầu ở mức độ vừa phải, không tiếp tục trích lập QBÔ để giữ gía xăng không tăng trong lần điều chỉnh này.
Tuy thế thì về phía các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, với diễn biến giá xăng dầu thế giới tiếp tục xu hướng tăng vào dịp cuối năm, thì giá cơ sở (sau kỳ điều chỉnh) vẫn có nhiều khả năng cao hơn so với giá bán lẻ xăng dầu hiện hành, trong khi đó, quỹ bình ổn giá đến một lúc nào đó sẽ không còn để bù.
Trao đổi với phóng viên Lao Động, giám đốc một doanh nghiệp (DN) đầu mối kinh doanh xăng dầu cho biết: Hiện chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ lên tới trên 1.000 đồng/lít với xăng, còn với dầu là 600 đồng. Trong khi mức xả QBÔ đối với xăng hiện nay chỉ là 600 đồng/lít và với dầu là 250 đồng không đủ để bù lỗ.
Còn một quan chức Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận định, việc điều hành giá xăng dầu trong nước phải cân nhắc đến nhiều yếu tố, không chỉ là giá thế giới lên, giá trong nước lên theo. Hiện trong rổ tính thuế bình quân gia quyền, liên bộ cũng phải căn cứ cả vào lượng nhập khẩu của các DN đầu mối, trong bối cảnh mặt hàng xăng dầu đã được giảm thuế sâu từ khu vực ASEAN hay Hàn Quốc. Vì vậy, thậm chí giá thế giới tăng, nhưng giá trong nước vẫn phải giữ bình ổn để đảm bảo cân đối vĩ mô, không để đẩy giá lên theo tâm lý thị trường.
Giá cả hàng hóa vẫn ổn định
Ngay sau khi được tin điều chỉnh giá xăng dầu, ghi nhận tại một số chợ dân sinh trên địa bàn TP.Hà Nội như chợ Trần Quốc Hoàn, Nghĩa Tân, Dịch Vọng… bày bán nhiều mặt hàng tươi sống phục vụ tiêu dùng. Giá cả các mặt hàng vẫn ổn định, không có sự tăng giá đột biến. Chị Thu Hiền – tiểu thương tại chợ Trần Quốc Hoàn cho biết: “Từ đợt tăng giá xăng lần trước, giá cả hàng hóa chưa có biến động nhiều vì rau đang vào vụ lại được mùa do thời tiết nắng ấm. Giá cả nhìn chung vẫn rẻ”.
Theo TS.Phạm Tất Thắng – nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), hiện nay giá dầu thô thế giới đang có xu hướng đi lên, mặt khác xăng dầu trong nước chủ yếu là nhập khẩu nên mọi biến động của thị trường thế giới tất yếu sẽ ảnh hướng đến giá trong nước.
“Minh chứng là trong lần điều chỉnh trước, giá xăng đã lên cao nhất từ đầu năm do giá thị trường thế giới tiếp tục tăng lên. Trong lần điều chỉnh này, động thái mới là chưa tăng giá xăng RON92 và E5, chỉ tăng giá các mặt hàng dầu để tránh cú sốc đối với nền kinh tế, nhất là trong thời điểm hiện tại đã cận kết Tết Nguyên đán. Việc biến động mặt hàng dầu sẽ sẽ ảnh hướng đến giá dịch vụ khác như cước vận chuyển, chi phí giao thông… Chưa kể, cộng thêm với yếu tố từ 1.1.2017, chính thức áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới cũng sẽ tăng áp lực cho doanh nghiệp. Những yếu tố này sẽ tác động tới giá cả hàng hóa trên thị trường trong dịp Tết này” – ông Thắng khẳng định.
Mặt khác, ông Thắng đánh giá hiện tại, giá cả thị trường tương đối ổn dịnh. Theo thông báo của một số nhà cung cấp, lượng hàng hóa dự trữ trong Tết Nguyên đán tương đối dồi dào. Các đơn vị cũng đã rút kinh nghiệp trong công tác tổ chức, phân phối tiêu thụ hàng hóa trong thời gian qua.
Tính đến thời điểm này, tình hình thị trường chưa có gì nhộn nhịp và có nhiều biến động so với thời điểm năm trước. Đây cũng là điểm cần lưu ý trong công tác kích cầu người tiêu dùng. Một yếu tố nữa cũng cần lưu ý là thu nhập bằng tiền của người lao động trong thời gian qua có bị giảm sút, thưởng Tết của nhiều DN công bố không bằng năm ngoài. Đây cũng là những yếu tố sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu, giá cả hàng hóa thị trường Tết.
Ông Thắng cũng dự báo, không loại trừ khả năng giá xăng dầu thế giới sẽ tiếp tục tăng, chắc chắn giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ phải điều chỉnh. Tuy nhiên, ông Thắng lạc quan cho rằng, với những quyết tâm của Chính phủ mới không nên quá lo sợ nguy cơ lạm phát. Dự báo CPI có khả năng tăng lên, tạo cú hích phát triển KT-XH trong năm 2017.
Lao động