Giữ tiền an toàn hay “ngược sóng làm giàu”, và đây là lời khuyên của chuyên gia kì cựu trong lĩnh vực BĐS
Theo ông Lê Quốc Kiên, chuyên gia cố vấn, nhà đầu tư BĐS kì cựu tại Tp. HCM, sau 2 năm dịch Covid-19 hoành hành, người mua ở và nhà đầu tư ít tiền đã tổn thương nặng nề, thậm chí hết tiền. Đặc biệt, với những khoản mua BĐS sử dụng vốn vay ngân hàng, rất dễ mất cân đối dòng tiền, dễ rơi vào nhóm nợ xấu, phải bán cắt lỗ thu hồi vốn trả ngân hàng.
Giữ tiền an toàn hay "làm giàu nhanh" trong nghịch cảnh?
Trao đổi về câu chuyện đầu tư trong bối cảnh thị trường BĐS chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, ông Lê Quốc Kiên, chuyên gia cố vấn, nhà đầu tư BĐS kì cựu tại Tp. HCM cho hay, mỗi nhà đầu tư sẽ có mục tiêu ưu tiên khác nhau, có người cần sự an toàn, nên giữ tài sản tránh mất giá đồng tiền, có người chủ đích "làm giàu" trong nghịch cảnh.
Nhà đầu tư này chỉ ra, trong giai đoạn khó khăn 2021 - 2023, nhiều nhà đầu tư BĐS cần sự an toàn nên xu hướng này sẽ lên ngôi. Họ sẽ lựa chọn các sản phẩm có tính thanh khoản nhanh chóng, dễ dàng. Để thanh khoản tốt thì sản phẩm đó phải có pháp lý rõ ràng và có thể sử dụng được ngay. Chẳng hạn như, căn nhà phố, chung cư có thể ở hay cho thuê ngay, nhà xưởng có thể cho thuê ngay, hay nhà cho thuê có thu nhập đều…
Đặc biệt, theo ông Kiên sản phẩm BĐS đó được ngân hàng sẵn sàng cho vay trên 70% giá thị trường. Ví dụ, tài sản 10 tỷ được định giá 9 tỷ và cho vay trên 7 tỷ là tài sản tốt (thường ngân hàng định giá bằng 80 - 90% giá thị trường và cho vay 70% - 90% định giá này).
Trong khi đó, các sản phẩm cho các nhà đầu tư "ngược sóng làm giàu" nhanh, có thể kể ra như: BĐS hình thành trong tương lai (pháp lý chưa chắc chắn); đất nền ở xa mua xong để đó chờ tăng giá không sử dụng liền, hoặc BĐS nghỉ dưỡng đang quá dư cung – thiếu cầu… sẽ phù hợp với những người có tiền nhàn rỗi, không bị áp lực đòn bẩy ngân hàng, và có thể không cần đụng tới khoản tiền này trong thời gian ít nhất đến 2023-2024.
"Bắt mạch" thị trường BĐS cuối năm 2021 đến năm 2024
Theo dự đoán của nhà đầu tư kì cựu này, trước tháng 2/2022, thị trường BĐS vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Sau 2 năm dịch Covid-19 hành hoành, người mua ở và nhà đầu tư ít tiền đã tổn thương nặng nề, thậm chí hết tiền. Đặc biệt, với những khoản mua BĐS sử dụng vốn vay ngân hàng, rất dễ mất cân đối dòng tiền, dễ rơi vào nhóm nợ xấu, phải bán cắt lỗ thu hồi vốn trả ngân hàng.
Cùng với đó, các sàn giao dịch BĐS, các môi giới BĐS chưa đủ giỏi và có tiềm lực tài chính tốt phần lớn đã "tan tành khói lửa" trước thời điểm này. Trong khi đó, nhà đầu tư nhiều tiền sẽ cẩn trọng về túi tiền, chỉ xuống tiền nếu "kèo thơm" chứ không giành giật đẩy giá như khi nóng sốt. Ngoài ra, vốn ngân hàng cho vay BĐS tiếp tục dè dặt.
Tuy nhiên, theo ông Kiên, nói như vậy không có nghĩa là thị trường BĐS toàn màu xám. Vẫn có lực lượng môi giới BĐS, chủ đầu tư, nhà đầu tư… hưởng lợi nhờ tăng giá BĐS.
Theo đó, dự báo từ tháng 2/2022 đến cuối năm 2022, nguồn tiền trú ẩn, đầu cơ từ BĐS sẽ được thu về để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, đây được xem là "con bò sữa chính" của các nhà đầu tư. Theo ông Kiên, nguyên lý là khi kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp sẽ hoạt động cầm chừng, nguồn vốn dư chưa dùng đến cho doanh nghiệp thay vì để ngân hàng thì mang đi đầu tư BĐS. Khi kinh tế hồi phục, họ sẽ cần vốn để vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Bên cạnh đó, sau vài năm tăng trưởng và tiền được dồn nhiều vào BĐS, lúc này sẽ có nghịch lý: Chủ doanh nghiệp nào cũng có tài sản, cũng giữ BĐS nhưng lại có rất ít tiền để xốc lại hoạt động sản xuất kinh doanh (bởi vì, hoạt động sản xuất kinh doanh chính không tạo ra tiền trong thời gian dài, BĐS thì thanh khoản yếu).
Đến năm 2023, theo dự đoán của ông Kiên, hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, tiền thặng dư từ các nguồn thu nhập bắt đầu hồi phục công lực. Đến năm 2024, thị trường BĐS sẽ hồi phục.
Theo vị cố vấn này, hiện tại, quá trình miễn dịch cộng đồng để sống chung với dịch Covid-19 đang có nhiều dấu hiệu tích cực. Chúng ta đang có khả năng tự sản xuất được vaccine, lộ trình vaccine về đã dồi dào hơn dự kiến, kế hoạch tiêm chủng đang được đẩy mạnh, những chệch choạc sai sót trong khâu tổ chức quản lý đang được điều chỉnh sửa sai.
Tuy nhiên, tham khảo quá trình Đỉnh Dịch - Kiểm Soát - Hồi Phục - Bung Lụa đã diễn ra ở Anh (nước đầu tiên bung lụa 100%), thì thời điểm họ bắt đầu tiêm vaccine toàn dân (tháng 12/2020) đến khi quyết mở cửa sống chung với Covid-19 là 7 tháng. Trong thời gian đó thì kinh tế cũng ảnh hưởng nặng nề bởi giãn cách từ nhẹ đến nặng, thành quả lớn nhất đạt được là đã vaccine 1 mũi 70,4% dân – 2 mũi 57,8% dân.
"Theo tôi, về giải pháp, lâu dài các các doanh nghiệp, người dân, và nhà đầu tư BĐS chấp nhận sống chung với Covid-19 để có tâm thế chuẩn bị kỹ càng mọi tình huống có thể xảy ra", ông Lê Quốc Kiên nhấn mạnh.