MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giữa lúc cả ngành lo nợ xấu gia tăng, một ngân hàng thông báo không có bất kỳ khoản quá hạn nào

01-04-2022 - 20:35 PM | Tài chính - ngân hàng

Giữa lúc cả ngành lo nợ xấu gia tăng, một ngân hàng thông báo không có bất kỳ khoản quá hạn nào

Tại thời điểm cuối năm 2021, ANZ Việt Nam không ghi nhận khoản nợ quá hạn và nợ khó đòi nào, tương ứng tỷ lệ nợ xấu ở mức 0%.

Ngân hàng TNHH Một thành viên ANZ Việt Nam (ANZ Việt Nam) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2021 với tổng tài sản tính đến thời điểm 31/12/2021 đạt 41.289 tỷ đồng, giảm 3,4% so với hồi đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt 8.968 tỷ đồng, tăng 23,8%.

Đáng chú ý, vào cuối năm 2021, ANZ Việt Nam không ghi nhận khoản nợ quá hạn và nợ khó đòi nào. Qua đó, tỷ nợ xấu của ngân hàng này được duy trì ở mức 0%, tương tự cuối năm 2020. Tỷ lệ an toàn vốn vào cuối năm trước đạt 15,71%, thấp hơn mức 15,97% ghi nhận hồi đầu năm.

Bên phía nguồn vốn, tiền gửi khách hàng tại ANZ Việt Nam tăng 3,6% trong năm 2021, đạt 29.842 tỷ đồng. Vốn điều lệ không thay đổi ở mức 3.000 tỷ đồng.

Giữa lúc cả ngành lo nợ xấu gia tăng, một ngân hàng thông báo không có bất kỳ khoản quá hạn nào - Ảnh 1.

Nguồn: BCTC ANZ Việt Nam

Trong năm 2021, lợi nhuận trước và sau thuế của ngân hàng đạt lần lượt gần 88 tỷ và 70 tỷ đồng, giảm hơn 77% so với năm 2020. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất của ANZ Việt Nam kể từ khi bán mảng bán lẻ cho Ngân Hàng Shinhan Việt Nam vào năm 2017. Với đà sụt giảm trên, tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ (ROE) đã lao dốc mạnh từ 6,27% trong năm 2020 xuống còn 1,4%.

Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sụt giảm đến từ sự đi xuống của tất cả các mảng kinh doanh.

Theo đó, thu nhập lãi thuần giảm 32% xuống còn gần 323 tỷ đồng. Khoản thu quan trọng thứ hai là lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối cũng giảm 36%, xuống hơn 155 tỷ đồng. Các nguồn thu khác đều ghi nhận mức giảm hai con số so với năm 2020.

Tựu chung, tổng thu nhập hoạt động của ANZ Việt Nam năm 2021 đạt hơn 550 tỷ, đi lùi 39%. Dù đẩy mạnh cắt giảm chi phí hoạt động, lợi nhuận thuần vẫn giảm 71%, xuống còn gần 106 tỷ đồng.

Năm 2021, ngân hàng cũng phải trích lập gần 18 tỷ cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong khi năm trước được hoàn nhập gần 27 tỷ đồng. Đây cũng là yếu tố khiến lợi nhuận ngân hàng giảm sâu so với năm trước.

https://cafef.vn/giua-luc-ca-nganh-lo-no-xau-gia-tang-mot-ngan-hang-thong-bao-khong-co-bat-ky-khoan-qua-han-nao-20220401170355589.chn

Quang Hưng

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên