MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gỡ điểm nghẽn để thực hiện chiến lược phát triển Bình Dương

Bình Dương chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông để kết nối vùng.

Bình Dương chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông để kết nối vùng.

Bình Dương hướng phát triển không chỉ trở thành công xưởng của đất nước mà có thể trở thành điểm sáng về phát triển công nghiệp, dịch vụ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Theo quy hoạch, đến giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đô thị thông minh, trở thành động lực phát triển của Vùng và cả nước. Theo các chuyên gia, để thực hiện được mục tiêu này Bình Dương cần giải quyết những điểm nghẽn về hạ tầng, giao thông kết nối và nhất là vấn đề về nhân lực.

Những "điểm nghẽn" của Bình Dương

Từ một địa phương thuần nông, đến nay Bình Dương đã trở thành tỉnh công nghiệp thuộc hàng đầu trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đóng góp 25% kim ngạch xuất khẩu của Vùng và 10% cả nước. Đô thị hóa của Bình Dương thuộc hàng top đầu cả nước, đạt 85% và cũng là 1 trong 2 địa phương dẫn đầu  thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.

Gỡ điểm nghẽn để thực hiện chiến lược phát triển Bình Dương - Ảnh 1.

Bình Dương đang đầu tư xây dựng trung tâm thành phố mới hiện đại, văn minh.

Hiện nay, GRDP bình quân đầu người ở tỉnh Bình Dương đã đạt 7.000 USD/người/năm. Đây cũng là địa phương đi đầu trong chiến lược xây dựng thành phố thông minh dựa trên mô hình tương tác giữa "ba nhà": Nhà nước, nhà trường và nhà DN. Thành phố thông minh Bình Dương cũng đã 2 lần được vinh danh "Top 7 ICF" là địa phương có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trong cộng đồng thông minh thế giới.

Mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan, nhưng để phát triển xứng với tiềm năng, Bình Dương cần tháo gỡ những “điểm nghẽn” khi hạ tầng giao thông quá tải, không có cảng biển, sân bay. Từ đó làm mất lợi thế cạnh tranh cũng như giữ chân và thu hút đầu tư mới.

Gỡ điểm nghẽn để thực hiện chiến lược phát triển Bình Dương - Ảnh 2.

Th.S-KTS Nguyễn Xuân Anh, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia phân tích nút thắt về giao thông của tỉnh Bình Dương.

Th.S-KTS. Nguyễn Xuân Anh, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia phân tích, Bình Dương cần có sự hợp tác liên vùng để tháo điểm nghẽn về giao thông chung.

“Bản thân Bình Dương làm đường rất tốt, nhưng đến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 1K bị tắt và đường giao thông vùng chưa có, Vành đai 3, Vành đai 4 hay đường cao tốc nối Tây Nguyên và các đường nối với các tỉnh khác chưa xong. Một mình Bình Dương tốt không đủ mà rất cần sự hợp tác liên Vùng để lên được hệ thống khung giao thông chung của Vùng, từ đó mới có sự thịnh vượng chung”, Th.S-KTS. Nguyễn Xuân Anh cho biết.

Hiện nay, Bình Dương thu hút được lượng lớn lao động từ các tỉnh, thành đến sinh sống và làm việc, chiếm 54% trên tổng số 2,7 triệu dân. Đây là “điểm cộng” nhưng cũng là thách thức cho tỉnh. Ông Lê Văn Thụy, Phó Vụ Trưởng, Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch- Đầu tư) đánh giá, Bình Dương có số lao động đông nhưng chất lượng chưa đảm bảo. Do đó, tỉnh cần tính đến phương án đào tạo nâng cao năng lực của người lao động.

“Để thu hút các DN ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, Bình Dương phải xây dựng kế hoạch cụ thể để đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực gắn với việc nâng cao tay nghề, đảm bảo đời sống và nâng cao thu nhập cho người lao động. Nếu như làm được 2 việc đó, Bình Dương sẽ giữ được lao động tại địa phương mình”, ông Thụy nói.

Gỡ điểm nghẽn để thực hiện chiến lược phát triển Bình Dương - Ảnh 3.

Ông Lê Văn Thụy, Phó Vụ Trưởng, Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch- Đầu tư) chia sẻ về khó khăn của Bình Dương khi hầu hết là lao động phổ thông.

Từng bước gỡ "nút thắt"

Theo các chuyên gia kinh tế, Bình Dương còn nhiều thách thức để duy trì đà tăng trưởng. Trước hết là bẫy thu nhập trung bình, cơ cấu kinh tế dịch vụ chiếm tỷ trọng thấp; sản xuất còn thâm dụng lao động. Cùng với đó là các thách thức về mô hình tổ chức không gian lãnh thổ và phát triển hạ tầng thiếu tầm nhìn dài hạn; môi trường xã hội tiềm ẩn nhiều rủi ro; cạnh tranh nội vùng và trong nước ngày một gay gắt, biến động quốc tế khó lường…

Để tiếp tục bứt phá trong giai đoạn tới, Bình Dương đang xây dựng Đề án Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, với đề án này, Bình Dương đã định hướng không gian phát triển hình thành theo từng vùng đúng với tinh thần Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị là liên kết vùng.

“Phía Nam Bình Dương được xác định là “hạt nhân lõi” của Vùng Đông Nam bộ, chính vì vậy trong quy hoạch tỉnh các khu vực này được gắn kết quy hoạch chặt chẽ với vùng TP.HCM. Phía Bắc của Bình Dương gắn với vùng Bình Phước, Tây Ninh là khu vực phát triển của vành đai công nghiệp, gắn với đường vành đai 4, đường cao tốc TP.HCM- Chơn Thành, đường Hồ Chí Minh cũng như gắn với Cửa khẩu Mộc Bài, hệ thống đường, cảng quốc gia”, ông Minh cho biết.

Còn PGS.TS-Kiến trúc sư Hoàng Vĩnh Hưng, Phó Viện Trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, thành viên Tổ tư vấn quy hoạch cho tỉnh Bình Dương cho biết, đối với các điểm nghẽn, Tổ tư vấn cũng được phân tích đưa ra các chiến lược xử lí.

“Bình Dương cần tập trung chỉ ra được những điểm đột phá, ngành đột phá, khâu đột phá làm sao tận dụng được nguồn vốn, tận dụng được tiềm năng lao động, tiềm năng về đất đai. Cần đưa Bình Dương không chỉ trở thành công xưởng của đất nước mà có thể trở thành “điểm sáng” về phát triển công nghiệp. Từ công nghiệp chuyển sang dịch vụ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân", PGS.TS-Kiến trúc sư Hoàng Vĩnh Hưng gợi mở.

Gỡ điểm nghẽn để thực hiện chiến lược phát triển Bình Dương - Ảnh 4.

Bình Dương tổ chức hội thảo lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia kinh tế để đưa tỉnh ngày càng phát triển.

Theo đề án quy hoạch tỉnh, quy mô dân số Bình Dương đến năm 2025 là 3 triệu người, năm 2030 là 3,4 triệu người, đến năm 2050 là 5,4 triệu người. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021 – 2030 đạt khoảng 10%/năm, GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 là 412 triệu đồng/người (tương đương 15.700 USD). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ lên 45%...

Để đạt được kết quả đề ra, Bình Dương tiếp tục cấu trúc lại mạng lưới công nghiệp nội tỉnh, nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu trở thành khu công nghiệp thông minh. Phát triển thương mại dịch vụ, xây dựng các trung tâm logistics hiện đại đưa Bình Dương trở thành trung tâm logistics của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.../.

Theo Thiên Lý

VOV

Trở lên trên