MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gỡ vướng cho cao tốc Bắc – Nam đoạn từ Ninh Bình đến Thừa Thiên Huế

05-02-2022 - 15:44 PM | Bất động sản

Gỡ vướng cho cao tốc Bắc – Nam đoạn từ Ninh Bình đến Thừa Thiên Huế

Tại cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ tỉnh Ninh Bình đến tỉnh Thừa Thiên Huế có tổng 5 dự án.

Đến nay, Dự án Cao Bồ - Mai Sơn đã khánh thành; Dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2022, đến thời điểm này khối lượng đạt 49%; Dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu dự kiến hết năm 2023 hoàn thành và đến nay đạt khối lượng từ 12-24%; Dự án Diễn Châu - Bãi Vọt dự kiến hoàn thành vào tháng 5/2024 và đến nay đạt khối lượng khoảng 1,5%; Dự án Cam Lộ - La Sơn dự kiến hoàn thành trong năm 2021 nhưng do mưa lũ nên nhà thầu chưa thảm nhựa được và cam kết hết quý 1/2022 sẽ thông xe.

Nhấn mạnh đây là dự án trọng điểm quốc gia, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, các nhà thầu đã thi công xuyên Tết để đảm bảo tiến độ. Tuy nhiên, hiện nay công tác xây dựng khu tái định cư ở một số địa phương chậm; công tác di dời hạ tầng kỹ thuật lưới điện mất nhiều thời gian; công tác bồi thường cho người dân ở một số địa phương vẫn còn tình trạng khiếu nại, khiếu kiện, ảnh hưởng đến tiến độ GPMB...

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các Ban quản lý dự án, nhà thầu đã báo cáo tóm tắt tiến độ của dự án và nêu lên một số vướng mắc, khó khăn về công tác mặt bằng, mỏ vật liệu, nguồn vốn...

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An có chiều dài khoảng 87,84km thuộc 2 Tiểu dự án đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu và Tiểu dự án đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt. Trong thời gian qua, tỉnh đã tập trung quyết liệt, nhất là công tác GPMB. Đến nay, đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu cơ bản hoàn thành công tác GPMB, riêng đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt hiện còn 353m chưa GPMB, chủ yếu liên quan đến di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật ảnh hưởng bởi dự án. Tuy nhiên, tỉnh sẽ quyết tâm phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thành công tác này trong thời gian sớm nhất.

Về công tác xây dựng tái định cư, trên địa bàn tỉnh có 27 dự án, 606 hộ dân phải di dời nhưng có 9 dự án quy mô dưới 10 tỷ đồng và 10 - 20 hộ dân phải di dời. Về mỏ vật liệu, Nghệ An đảm bảo các điều kiện để cung cấp đầy đủ, kịp thời cho các nhà thầu. Trong tháng 3/2022 sẽ trình HĐND tỉnh thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để Ban quản lý dự án 6 có điều kiện có nguồn đất phục vụ bồi đắp các đoạn xung yếu.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương Bộ GTVT với vai trò là cơ quan chủ trì dự án đã hoàn thành công tác quy hoạch trong năm 2021; chỉ đạo giải ngân các nguồn vốn được bố trí cơ bản hoàn thành; phối hợp với các địa phương để thực hiện công tác GPMB, bố trí tái định cư để người dân ổn định cuộc sống. Đồng thời, biểu dương các địa phương, ban quản lý, nhà thầu, nhà tư vấn đã có nhiều cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn, đảm bảo tiến độ của dự án.

Tuy nhiên qua kiểm tra, giám sát, Thủ tướng cũng cho rằng còn nhiều vướng mắc cần phải giải quyết từ khâu tư vấn, đấu thầu, GPMB đến tổ chức thi công, tái định cư...

Trước những vướng mắc đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu khoa học hơn, tổ chức, phân công, chỉ đạo tốt hơn để dự án trọng điểm quốc gia hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, tránh khiếu kiện của người dân. Qua quá trình điều hành, nếu cơ chế, chính sách còn vướng mắc thì phải tham mưu hoàn thiện thể chế, rút kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, phải đa dạng hóa các nhà tư vấn, vì tư vấn tốt thì mới có dự án tốt, dự án tốt thì mới có công trình tốt, đảm bảo chất lượng. Đối với các ban quản lý dự án, phải rút kinh nghiệm, tính toán khoa học, phù hợp, hiệu quả, tránh tình trạng manh mún, thiếu tập trung, tránh tiêu cực. Đối với các đơn vị giám sát phải thường trực có mặt tại công trường, các nhà thầu phải nâng cao năng lực, đảm bảo nghiêm túc về mặt kỹ thuật, tiến độ, chất lượng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các địa phương phải quản lý nguyên vật liệu, tạo điều kiện mặt bằng, đảm bảo không gian cho nhà thầu thi công. Khi đường hoàn thành thì phải quản lý không gian, quy hoạch không gian phát triển cho hiệu quả. Các địa phương phải rà soát, kiểm tra các mỏ vật liệu, nếu hết hạn thì phải thu hồi để giao cho ban quản lý dự án và các nhà thầu.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu để tham mưu sửa tận gốc các bất cập về những quy định liên quan đến quản lý mỏ nguyên vật liệu, đảm bảo đúng luật, phù hợp thực tiễn cuộc sống, không thất thoát tài sản của Nhà nước, không gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, tạo thế chủ động để thực hiện các dự án tốt hơn; chống tiêu cực, tham nhũng.

Đặc biệt, hết sức quan tâm đến người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, các địa phương cần tiếp tục quan tâm, vận động người dân di dời tái định cư với quan điểm phải thực hiện bằng được mục tiêu người dân khi tái định cư có đời sống vật chất, tinh thần tốt hơn nơi ở cũ, năm sau phải tốt hơn năm trước. Đây cũng là tiền đề, cơ sở, động lực để vận động người dân tiếp tục tham gia các dự án khác. Song mặt khác, trong quá trình tái định cư, ai vi phạm pháp luật thì phải xử lý.

https://cafef.vn/go-vuong-cho-cao-toc-bac-nam-doan-tu-ninh-binh-den-thua-thien-hue-20220205080007182.chn

Bảo Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên