Góc khuất tồn tại bấy lâu trong làng bóng đá nữ thế giới
Các nữ cầu thủ luôn muốn cống hiến hết mình vì màu cờ sắc áo nhưng điều kiện để họ được phát triển thì lại vô cùng thiếu thốn.
- 24-09-2022Trì Trọng Thụy tái hiện hình ảnh Đường Tăng sau 40 năm
- 24-09-2022Nữ sinh Hải Dương 18 tuổi bỏ học kiếm tiền, 24 tuổi giành 3 học bổng trường top đầu
- 24-09-2022Vì sao các doanh nhân quyền lực họp suốt mà không căng thẳng?
Mới đây, bóng đá nữ Tây Ban Nha đã xảy ra vụ lùm xùm chưa từng có trong lịch sử với nhiều khúc mắc ở bên trong. Tuy nhiên khi xem xét những vấn đề trong quá khứ thì có thể hiểu được phần nào lý do vì sao vụ việc lại căng thẳng như vậy!
Điều gì đang xảy ra?
Truyền thông Tây Ban Nha đưa tin, 15 nữ cầu thủ của đội tuyển quốc gia đã gửi email tới Liên đoàn bóng đá Hoàng gia Tây Ban Nha (RFEF) để yêu cầu sa thải HLV trưởng Jorge Vilda.
RFEF xác nhận: "Chúng tôi đã nhận 15 email từ 15 cầu thủ của đội tuyển nữ Tây Ban Nha. Họ nói rằng tình hình hiện tại ảnh hưởng lớn đến trạng thái, cảm xúc và sức khỏe của họ. Nếu tình hình không được cải thiện họ sẽ rút lui khỏi đội tuyển quốc gia".
HLV trưởng Jorge Vilda.
Liên đoàn này không đồng tình với yêu cầu của các nữ cầu thủ. Đồng thời họ tuyên bố rằng, việc lựa chọn, sa thải huấn luyện viên không thuộc quyền hạn của các cầu thủ. RFEF khẳng định, việc từ chối lên đội tuyển quốc gia khi được triệu tập là một hành vi vi phạm nghiêm trọng, có thể bị cấm thi đấu 2 đến 5 năm.
Đây là một tình huống chưa từng có trong lịch sử bóng đá, cả nam và nữ, ở Tây Ban Nha và trên toàn thế giới!
- RFEF-
HLV trưởng Jorge Vilda là ai?
Vilda là một huấn luyện viên bóng đá người Tây Ban Nha, đã quản lý đội tuyển quốc gia nữ từ năm 2015.
Người đàn ông 41 tuổi này cũng là người hướng dẫn chiến thuật tại Trường huấn luyện quốc gia. Kể từ khi dẫn dắt đội tuyển nữ quốc gia, Vilda chưa thực sự tạo nên kỳ tích nào.
Đầu năm nay, Tây Ban Nha là một trong những ứng cử viên nặng ký tại Giải vô địch bóng đá nữ châu Âu 2022, nhưng họ đã bị loại ở vòng tứ kết trước nhà vô địch Anh. Sau vụ việc lùm xùm trên, HLV này chưa đưa ra bất kỳ phản hồi chính thức nào.
HLV trưởng Jorge Vilda đang gặp trục trặc với các cầu thủ nữ đội tuyển quốc gia.
Phản hồi của 15 cầu thủ nữ
Phía các cầu thủ nữ cho hay, họ "chưa bao giờ yêu cầu sa thải HLV" đồng thời nói thêm rằng, họ làm như vậy chỉ để nhằm có môi trường tập luyện tốt hơn. Alexia Putellas, ngôi sao bóng đá nữ của Tây Ban Nha, đã phản bác thông tin của RFEF đưa ra và cô đã lên tiếng bảo vệ các đồng đội của mình.
Nữ cầu thủ cho biết: "Không có trường hợp chúng tôi rút khỏi đội tuyển quốc gia như RFEF đưa ra trong tuyên bố chính thức. Giống như nội dung trong email chúng tôi đã gửi, mọi người đều muốn tiếp tục cam kết cống hiến trong màu cờ sắc áo của đội tuyển quốc gia.
Chúng tôi yêu cầu RFEF khắc phục triệt để tình hình hiện tại đã ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe, phong độ của chúng tôi và cuối cùng là kết quả thi đấu của đội tuyển. Chúng tôi có thể gặp những chấn thương không mong muốn".
Các cầu thủ nữ Tây Ban Nha.
Alexia Putellas nhấn mạnh việc 15 cầu thủ gửi email nhằm nói lên sự thật, mang tính góp ý xây dựng để làm tăng hiệu suất của đội tuyển trước những thử thách mới. Một nguồn tin thân cận chia sẻ với Reuters, các cầu thủ nói rằng họ không hài lòng với bầu không khí trong phòng thay đồ, việc kiểm soát các chấn thương, sự lựa chọn cầu thủ hay các buổi tập luyện dưới sự dẫn dắt của Vilda.
Megan Rapinoe, nữ cầu thủ bóng đá người Mỹ đã lên tiếng ủng hộ nhóm cầu thủ Tây Ban Nha: "Các bạn sẽ có người thứ 16 là tôi luôn ủng hộ mọi người. Tất cả chúng ta đều có quyền được chia sẻ và lắng nghe".
Alexia Putellas nhấn mạnh họ muốn được tạo điều kiện tốt hơn để thi đấu.
Sự 'thiệt thòi' của các nữ cầu thủ
Nhiều người nói rằng thể thao là môi trường giúp phụ nữ thể hiện sức mạnh và nói lên nỗi lòng của mình nhưng trên thực tế nơi đây vẫn đầy rẫy những bất công.
Theo tờ The Conversation, trong số 3.000 cầu thủ nữ chơi ở 33 quốc gia khác nhau thì chỉ có 60% nói rằng họ được đào tạo chuyên nghiệp. Có một thực tế đáng buồn là, sự nghiệp cầu thủ dành cho phụ nữ khó có thể duy trì lâu dài bởi mức lương eo hẹp, thiếu sự hỗ trợ về hợp đồng và các cam kết rời sân cỏ. 89% cầu thủ nữ được hỏi cho biết họ đã cân nhắc việc sớm rời khỏi sự nghiệp thi đấu và tìm kiếm một cơ hội khác vì mọi thứ quá bấp bênh.
Tờ The Guardian đưa tin, trong một cuộc khảo sát về mức lương, bất bình đẳng giới trong bóng đá nhiều hơn so với chính trị, kinh doanh, y học và khám phá không gian. Về mức lương, hầu hết các nữ cầu thủ nhận dưới 1000 USD (23 triệu đồng)/tháng và thu nhập của họ sẽ giảm dần khi các cầu thủ lớn tuổi.
Các cầu thủ nữ được trả lương rất bèo bọt.
Nghiên cứu từ Sporting Intelligence cho thấy, mức lương trung bình ở giải Ngoại hạng Anh cao hơn trung bình 99 lần so với các cầu thủ nữ được trả lương cao nhất. Theo Khảo sát tiền lương thể thao toàn cầu năm 2017, có rất ít cơ hội cho phụ nữ kiếm sống từ thể thao chuyên nghiệp. Những người kiếm được thì chỉ bằng một phần rất nhỏ số tiền mà các cầu thủ nam có được.
Các cầu thủ nữ không chỉ phải đối mặt với vấn đề lương bổng thấp mà còn có một số thách thức xung quanh. Họ thiếu sự ổn định trong các bản hợp đồng, không có dịch vụ chăm sóc trẻ em thích hợp khi họ sinh con. Theo một kết quả nghiên cứu, 53% cầu thủ nữ không có hợp đồng bằng văn bản, họ đang phải làm việc trong điều kiện không an toàn.
Johanna Elsig, cầu thủ nữ bóng đá Đức chia sẻ rằng: "Nếu bạn là nam giới, khi bị chấn thương ở tuổi 25 và đã chơi được ở một số giải đấu, bạn có nhiều tiền hơn để tồn tại. Nhưng với phụ nữ thì khác, các bạn cần để dành một khoản tiết kiệm phòng khi có điều gì đó xảy ra".
Các cầu thủ nữ phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Lo lắng, trầm cảm và rối loạn ăn uống là những vấn đề nghiêm trọng thường xảy ra ở các cầu thủ nữ thi đấu ở những giải chuyên nghiệp. Theo một nghiên cứu khoa học kiểm tra về sức khỏe tinh thần ở các nữ cầu thủ Anh thì 36% trong số 115 người trả lời cho thấy họ có triệu chứng rối loạn ăn uống.
Ngoài ra, 11% có dấu hiệu stress và 11% khác phải vật lộn với chứng trầm cảm. Carly Perry, từ Trường Khoa học Thể thao và Sức khỏe tại Đại học Central Lancashire, Preston, phát hiện ra rằng chỉ 50% câu lạc bộ bóng đá nhận được sự hỗ trợ tâm lý.
Chioma Ajunwa, một nữ VĐV da màu cũng nêu lên thực trạng nhức nhối ở bóng đá châu Phi. Dù phụ nữ làm tốt hơn nam giới nhưng mọi thứ lại ưu tiên cho đấng mày râu nhiều hơn.
Khi nói đến vấn đề của các gói phúc lợi, đa phần số tiền đó sẽ chi cho nam giới còn nữ giới thì không. Khi một cầu thủ nữ gặp chấn thương họ sẽ phải tự lo liệu. Theo Chioma Ajunwa, các cầu thủ nữ vô cùng tài năng và tận tâm nhưng đa phần họ không được trả lương theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng.
Làm thế nào để đem lại sự công bằng?
"Trả lương công bằng! Trả lương công bằng!"
Hàng triệu khán giả hô vang từ sân vận động ở Lyon (Pháp) cho đến đường phố New York (Mỹ) khi đội tuyển bóng đá nữ của Mỹ lên ngôi vô địch World Cup vào năm 2019. Nhưng phải mất 4 năm, điều ước của các nữ tuyển thủ và người hâm mộ của họ mới có cơ hội trở thành sự thật.
Trong một thông báo quan trọng hồi tháng 5 vừa qua, Liên đoàn Bóng đá Mỹ (USSF), Hiệp hội cầu thủ đội tuyển nữ và Hiệp hội cầu thủ đội tuyển bóng đá của Mỹ đã thống nhất các thỏa thuận tập thể (CBA) về việc trả lương cho tuyển thủ. Theo đó, các cầu thủ nam và nữ ở cấp đội tuyển quốc gia sẽ được cam kết hưởng lương và thưởng công bằng, dựa theo thành tích, thực lực, không có sự phân biệt giới tính.
Các nữ cầu thủ Mỹ đã có chiến thắng đòi công bằng vang dội.
Có thể thấy rằng, dù quá trình đấu tranh của các nữ cầu thủ Mỹ vô cùng khó khăn nhưng kết quả nhận về lại đầy ngọt ngào. Các nữ cầu thủ Tây Ban Nha ở trên cũng đang khát khao dùng tiếng nói của mình để đòi những quyền lợi cơ bản mà họ đáng được hưởng để cống hiến hết mình cho quốc gia.
Theo Chioma Ajunwa, đã đến lúc, mỗi một quốc gia cần có những chính sách hữu hiệu để tạo cơ hội cho các cầu thủ nữ nói riêng và những phụ nữ trong làng thể thao nói chung có cơ hội phát triển giống như nam giới. Công sức họ bỏ ra là như nhau nên chuyện chênh lệch, bất bình đẳng là điều không thể chấp nhận được.
Nguồn: CNN, Reuters, The Guardian, The Conversation
Trí Thức Trẻ