MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Góc Kỹ thuật: Dải Bollinger Bands đang ngày càng siết chặt, xu hướng “ảm đạm” của VN-Index đến hồi chấm dứt?

Trên quan điểm TA (PTKT) thì hiện tại chỉ số đang dao động gần vùng hỗ trợ rất mạnh quanh ngưỡng 940 điểm. Xu hướng chủ đạo vẫn đang là điều chỉnh. Nhưng nhiều khả năng chỉ số sẽ phục hồi từ vùng này với nền giá được thiết lập trong khoảng 4 tuần tích lũy gần nhất.

Phiên giao dịch cuối cùng của quý 2 (28/6) đã chính thức khép lại. Hãy cùng điểm lại chặng đường của VN-Index trong nửa năm qua dưới góc nhìn PTKT nhằm giúp nhà đầu tư có cái nhìn bao quát nhất về chỉ số, từ đó đề ra những chiến lược, chiến thuật hợp lý nhất phục vụ cho việc trading cho nửa năm còn lại.

Với việc đóng cửa ở 949,94 điểm thì 6 tháng đầu năm chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng 6,43%. So với một vài chỉ số chính như Dow Jones (+14,03%), Nikkei 225 (+6,3%), ShangHai (+19,44%), rõ ràng mức tăng của VN-Index là khá khiêm tốn.

Trên Chart Monthly: Chỉ số đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp và duy trì dưới đường MA20 (988) khá xa hàm ý xu hướng xuống vẫn đang là chủ đạo. Nếu dùng công cụ Fibonacci Retracement và xét giai đoạn tăng trưởng mạnh của chỉ số (đầu năm 2016 –  tháng 4/2018) thì hiện tại, VN-Index đã thoái lui từ đỉnh về mức fibo 38,2% (941). Mức xác định vùng đảo chiều, nơi nhiều khả năng chỉ số sẽ chấm dứt giai đoạn điều chỉnh và hồi phục kỹ thuật.

Điều này phản ánh tương đối chính xác khi VN-Index test vùng này tới 4 lần ngay trong tháng 6 mà vẫn chưa thể xuyên thủng. Nếu vùng hỗ trợ này vẫn đứng vững thì có thể kỳ vọng khu vực 940 điểm chính là đáy, là bệ phóng cho chỉ số phục hồi trong giai đoạn nửa năm còn lại.

Hơn nữa, cây nến tháng tạo mẫu hình Spinning cho thấy tâm lý lưỡng lự, chờ đợi của nhà đầu tư. Cả bên mua và bán gần như cân bằng đặt trong bối cảnh phức tạp hiện tại là khá hợp lý.

Lo ngại nhất có lẽ là thanh khoản, khối lượng khớp lệnh ba tháng gần nhất luôn duy trì dưới mức trung bình của 12 tháng. Điều này chỉ ra dòng tiền lớn vẫn chưa có dấu hiệu nhập cuộc để hỗ trợ đà tăng của giá. Như vậy, nếu thanh khoản vẫn không được cải thiện thì dường như kỳ vọng phía trước là chưa đủ hấp dẫn. Do vậy, hơi khó để chúng ta có thể chứng kiến sự bứt phá của VN-Index.

Góc Kỹ thuật: Dải Bollinger Bands đang ngày càng siết chặt, xu hướng “ảm đạm” của VN-Index đến hồi chấm dứt? - Ảnh 1.

VN-Index đang test hỗ trợ fibo 38,2%

Xem xét chi tiết hơn chút nữa, chúng ta có thể quan sát đồ thị kỹ thuật của chỉ số với khung thời gian Weekly.

Góc Kỹ thuật: Dải Bollinger Bands đang ngày càng siết chặt, xu hướng “ảm đạm” của VN-Index đến hồi chấm dứt? - Ảnh 2.

Cũng giống chart Monthly VN-Index cũng đã 4 tuần liên tiếp duy trì dưới đường MA20. Sự đồng điệu kiểu này của dấu hiệu kỹ thuật khi xem xét ở nhiều khung thời gian khác nhau thường cho độ tin cậy khá cao.

Sự vận động của chỉ số dường như bám khá sát các đường Trendline tạo bởi các ngưỡng Fibonacci Fan. Hiện tại, nhìn trên đồ thị thì VN-Index đang có xu hướng test lại ngưỡng Fibonacci Fan 61,8%, tương ứng 925-930 điểm. Tuần vừa rồi, giá đã xuyên qua cả BB Bottom nhưng cũng may lực bán không đủ mạnh để ép giá bám sát giải.

Giao dịch với biên độ giá hẹp cộng với giải BB đang co thắt lại rõ ràng chỉ số đang có dấu hiệu sắp phát triển mạnh về một phía nào đó trong thời gian tới. Hoặc là rất rực rỡ, hoặc là rất tệ. Kiểu giao dịch tẻ nhạt, chờ đợi nhiều khả năng sẽ sớm chấm dứt.

Qua phân tích như trên, có thể thấy rằng trên quan điểm TA (PTKT) thì hiện tại chỉ số đang dao động gần vùng hỗ trợ rất mạnh quanh ngưỡng 940 điểm. Xu hướng chủ đạo vẫn đang là điều chỉnh. Nhưng nhiều khả năng chỉ số sẽ phục hồi từ vùng này với nền giá được thiết lập trong khoảng 4 tuần tích lũy gần nhất. Khoảng thời gian từ giờ đến cuối năm là tròn 2 quý. Dài hay ngắn tùy thuộc vào chiến lược của từng nhà đầu tư, nhưng trên 1 nền tảng vĩ mỗ vẫn ổn định và không có đột biến bất lợi, cửa phục hồi của Vn-index hơn hẳn cửa tiếp tục điều chỉnh xuống tiếp.

Hải Đăng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên