Góc nhìn chuyên gia: Khả năng cao VN-Index sẽ có nhịp "nhúng" về vùng 1.450 điểm trong tuần tới
Theo ông Đinh Quang Hình, chỉ số VN-Index vẫn sẽ chịu áp lực điều chỉnh trong nửa đầu tuần tới và có thể lùi về vùng hỗ trợ 1.440-1.460 điểm. Nhà đầu tư có thể nâng dần tỷ trọng cổ phiếu (từ mức 60-70% tuần trước lên khoảng 70-80%) khi VN-Index lùi về các mức hỗ trợ này.
Tâm lý cẩn trọng, dòng tiền chưa thực sự sẵn sàng trở lại đã khiến cho thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận 1 tuần giao dịch không mấy tích cực, VN-Index giảm gần 39 điểm và đánh mất mốc 1.470. Liệu trong tuần tới, thị trường sẽ có sự phục hồi hay xu hướng điều chỉnh sẽ vẫn tiếp tục khi VN-Index đã mất ngưỡng hỗ trợ lớn?
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC): Đầu tiên nhắc lại về bối cảnh, thị trường từ sau Tết Nguyên đán không có động lực cụ thể nào trong ngắn hạn ngoài yếu tố tâm lý. Nhiều chuyên gia dự báo thị trường chinh phục những ngưỡng cao mới nhưng nếu nhìn bối cảnh thì không có cơ sở. Trong khi đó, áp lực hiện tại tới từ thị trường chứng khoán thế giới là rất lớn với xung đột leo thang ở Ukraine và diễn biến lạm phát cao.
Trong tuần tới, tôi cho rằng thị trường cũng sẽ diễn biến tương tự tuần trước khi bối cảnh không có nhiều thay đổi. Đặc biệt trong tuần tới, FED sẽ họp vào ngày 15-16/03 với quyết định quan trọng về lãi suất. Chúng ta cũng không quên thị trường sẽ bước vào phiên đáo hạn phái sinh.
Yếu tố tác động đến TTCK Việt Nam thời gian tới
Do đó trong tuần sau, thị trường nhìn chung sẽ phụ thuộc vào bên bán. Một trong những đặc tính nổi bật trong tuần qua đó là bên bán làm chủ cuộc chơi, đặc điểm của bên bán là "chủ động" nhưng "không hoảng loạn". Do đó vấn đề cần quan tâm hiện tại là bán đến đâu để bên bán cạn cung và bên mua tự tin hơn. Tuy nhiên số liệu lạm phát trong nước các tháng tới cần theo dõi chặt. Nếu lạm phát diễn biến xấu, khả năng đặc tính "chủ động + không hoảng loạn" sẽ dần chuyển sang "chủ động + bán tháo".
Về điểm số, có thể xê dịch một chút nhưng nhìn chung các chỉ số cũng đã về các vùng quan trọng, VN30 đã về vùng đáy trong khoảng 6 tháng qua, còn VN-Index cũng về quanh MA100. Do đó, quan điểm về thị trường hiện tại của tôi là thận trọng, nhưng không quá bi quan, bởi lẽ nếu đi sâu vào phân tích cấu trúc thị trường, trên HOSE vẫn còn trên 80% cổ phiếu trên đường MA200. Một thị trường có trên 60% cổ phiếu trên MA200 có thể định nghĩa là thị trường tăng giá dài hạn, do đó với mức kể trên, xu hướng dài hạn chưa có vấn đề. Tóm lại về chỉ số có thể xê dịch và áp lực bán vẫn còn, tôi thận trọng nhưng không bi quan.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco: Tuần sau sẽ là tuần diễn ra một số sự kiện lớn như cơ cấu của một số quỹ ETF ngoại ( Vaneck, Fubon, FTSE ETF), đáo hạn hợp đồng phái sinh tháng 3 và cũng là tuần diễn ra phiên họp chính sách của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED). Do đó, tôi nhận định thị trường tuần tới sẽ có thể biến động bất thường, tuy nhiên quan sát tín hiệu kỹ thuật tôi thiên về xu hướng hồi phục hơn là điều chỉnh. Chỉ số có thể nhúng một nhịp để kiểm định lại vùng hỗ trợ quanh 1.450 điểm sau đó quay đầu bật tăng trở lại.
Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT: Tuần tới FED sẽ tiến hành cuộc họp về chính sách tiền tệ vào ngày 15-16/3 và dự kiến sẽ nâng lãi suất điều hành trong cuộc họp này. Ngày thứ 5 tuần tới (17/3) cũng sẽ là phiên đáo hạn phái sinh. Trong khi đó, tình hình căng thẳng giữa Nga-Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Do vậy, tôi cho rằng tâm lý thận trọng vẫn sẽ chiếm ưu thế trên thị trường chứng khoán trong tuần tới. Chỉ số VN-Index vẫn sẽ chịu áp lực điều chỉnh trong nửa đầu tuần và có thể lùi về vùng hỗ trợ 1.440-1.460 điểm. Nhà đầu tư có thể nâng dần tỷ trọng cổ phiếu (từ mức 60-70% tuần trước lên khoảng 70-80%) khi VN-Index lùi về các mức hỗ trợ này.
Tuần qua chứng kiến nhóm cổ phiếu hàng hoá cơ bản đã có những dấu hiệu hạ nhiệt sau đà tăng mạnh trước đó, ông đánh giá như thế này về nhóm ngành này?
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam: Nhóm cổ phiếu hàng hoá đã có dấu hiệu hạ nhiệt, đặc biệt về những phiên cuối tuần. Căng thẳng chính trị đã ảnh hưởng đến giá cả hàng hoá từ đó tác động trực tiếp đến những nhóm cổ phiếu này. Tuy nhiên, giá dầu thế giới trong tuần vừa qua đã kết thúc chuỗi tăng từ tháng 12/2021 đến nay, do đó khả năng cao áp lực điều chỉnh sẽ tiếp tục diễn ra trong tuần giao dịch tới, đặc biệt khi cổ phiếu hàng hoá đã chấm dứt xu hướng tăng ngắn hạn và bước vào pha giảm. Những nhóm cổ phiếu dịch vụ dầu khí, thép sẽ chịu ảnh hưởng rõ ràng nhất từ đà giảm này.
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)
Ông Bùi Văn Huy: Thực ra diễn biến này không bất ngờ. Điều này đã diễn ra ở nhiều thị trường chứng khoán trước đó trong một thời gian khá lâu, với việc cổ phiếu dầu khí, cổ phiếu khai thác vàng hoặc cổ phiếu một loại hàng hóa nào đó không tăng tương ứng với giá hàng hóa khi giá cả hàng hóa tăng phi mã.
Về bản chất, cổ phiếu hàng hóa chính là mối quan hệ cộng hưởng của cổ phiếu và hàng hóa. Khi các loại hàng hóa tăng với tốc độ bình thường thì không sao, nhưng khi hàng hóa tăng quá mạnh, thị trường cổ phiếu sẽ bị ảnh hưởng rất xấu. Do đó cổ phiếu hàng hóa hưởng lợi từ phần "hàng hóa" nhưng phần "cổ phiếu" lại bị tác động do thị trường chung. Do đó, đà leo thang của giá hàng hóa vẫn chưa có thấy dấu hiệu dừng lại, song nhóm cổ phiếu hàng hoá đã có những dấu hiệu hạ nhiệt. Nếu tiếp tục dự báo hàng hóa tiếp tục tăng quá nhanh, theo tôi tham gia thị trường hàng hóa trực tiếp sẽ có lợi hơn.
Nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn như ngân hàng, bất động sản chịu áp lực bán mạnh trong tuần qua, phần lớn giá đều phải điều chỉnh. Áp lực bán có tiếp tục hay dòng tiền sẽ trở lại nhóm này, thưa ông?
Ông Nguyễn Anh Khoa: Nhóm ngân hàng tuần vừa rồi chịu áp lực điều chỉnh trên phạm vi toàn cầu trước những lo ngại xung đột giữa Nga và Ukraina cũng như áp lực lạm phát gia tăng. Tôi đánh giá nhóm này vẫn có thể bị điều chỉnh trong một vài phiên tới, sau đó có thể hồi phục nhờ các thông tin tích cực nửa cuối tháng 3 như kết quả kinh doanh quý 1 cùng các kế hoạch 2022: tăng vốn, mua bán sáp nhập,… đang dần hé lộ trước mùa Đại hội cổ đông tháng 4. Trong khi đó tôi dự báo nhóm chứng khoán tiếp tục ảm đạm khi thanh khoản thị trường không như kỳ vọng của tôi, cũng như hoạt động tự doanh có thể không hiệu quả trong Quý I/2022.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta
Ông Nguyễn Thế Minh: Trong hai tuần gần đây, dòng tiền chủ yếu tập trung vào nhóm hàng hoá như dầu khí hay thép. Trong bối cảnh dòng tiền trên thị trường khá yếu và chưa thực sự sẵn sàng nhập cuộc trở lại, chỉ một vài nhóm cổ phiếu được lựa chọn thay vì phân bổ đồng đều. Do đó hiện tại, khi dòng tiền có xu hướng rút khỏi nhóm cổ phiếu hàng hoá thì khả năng cao dòng tiền sẽ trở lại với hai nhóm cổ phiếu mang tính chất thay thế lẫn nhau như ngân hàng hay bất động sản.
Ông Bùi Văn Huy: Nói riêng về nhóm ngân hàng, tôi vẫn luôn duy trì quan điểm khó có sóng ngành, tuy nhiên hiện tại đồ thị nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đã về vùng thấp nhất trong 6 tháng qua. Đồ thị VNFinlead cũng về gần MA100. Nhiều ngân hàng được các tổ chức đánh giá đã về vùng định giá rất hấp dẫn và có thể quan tâm.
Đi ngược lại dự báo rằng khối ngoại sẽ mua ròng trong năm 2022, tuần qua nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có 1 tuần bán ròng mạnh hơn 5.000 tỷ. Có thể còn hy vọng dòng vốn ngoại sẽ quay trở lại trong năm 2022 này không, thưa ông?
Ông Bùi Văn Huy: Về chủ đề khối ngoại, có thể thấy trong 2 năm qua xu hướng chung là bán ròng. Điều này là phù hợp khi có những biến động lớn toàn cầu, các thị trường mới nổi/cận biên bị bán ròng là rất bình thường, và Việt Nam cũng không ngoại lệ
Thông thường khối ngoại có thói quen mua ròng mạnh đầu năm, hiện tại tính mùa vụ này cũng đã dần qua đi, nên tôi cho rằng khả năng mua ròng trở lại ở phần còn lại năm 2022 được đánh giá thấp hơn. Nếu những biến động thế giới giảm đi, đà bán ròng chỉ có thể hãm lại mà thôi. Câu chuyện nâng hạng là một chất xúc tác tốt để khối ngoại quay lại mua ròng, tuy nhiên đây là câu chuyện đã qua quá nhiều năm và mang tính dài hơi.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Agriseco
Ông Nguyễn Anh Khoa: Theo tôi, nhóm ngoại tiếp tục bán ròng trong tuần vừa rồi, nguyên nhân chính đến từ lo ngại FED sẽ sớm tăng lãi suất. Điều này sẽ áp lực lên chi phí tài chính của các quỹ đầu tư nước ngoài, khi phần lớn họ dùng tiền từ nguồn vốn vay để tham gia đầu tư. Một nguyên nhân khác có thể đến từ việc điểm số thị trường chứng khoán thế giới giảm sâu làm một số cổ phiếu của các công ty hàng đầu trở nên hấp dẫn và thu hút dòng tiền của các quỹ tài chính.
Tuy nhiên, tôi vẫn kỳ vọng thị trường các nhà đầu tư ngoại sẽ trở lại mua ròng trong nửa sau của năm 2022 khi Việt Nam khống chế thành công dịch bệnh, mức độ bao phủ vaccine cao và đẩy nhanh việc đầu tư phát triển hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từ đó tăng sự hấp dẫn đối với dòng vốn ngoại. Ngoài ra triển vọng thu hút vốn ngoại của Việt Nam vẫn rất sáng do thị trường Việt Nam đã ở mặt bằng thanh khoản mới và cũng đã đáp ứng được nhiều điều kiện để được nâng hạng lên nhóm Emerging Market các năm tới.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động mạnh tác động đến diễn biến TTCK cũng như triển vọng ngành, ông dự báo dòng tiền sẽ chảy về những nhóm cổ phiếu nào trong tuần tới?
Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT
Ông Đinh Quang Hinh: Tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên ưu tiên các cổ phiếu thuộc các ngành được hưởng lợi từ gói kích thích kinh tế của Chính phủ như vật liệu xây dựng (sắt, thép, xi măng, đá xây dựng), xây lắp cầu đường, bất động sản nhà ở và bất động sản khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đáng chú ý khi sau giai đoạn điều chỉnh kéo dài, nhiều cổ phiếu ngành ngân hàng đã về mặt bằng định giá khá hấp dẫn.
Tôi đánh giá triển vọng trong trung và dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn khá tích cực nhờ (1) gói kích thích kinh tế được triển khai sẽ tạo đà để nền kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn trong các quý tới, (2) tăng trưởng lợi nhuận của các DN niêm yết vẫn khả quan trong giai đoạn 2022-2023, (3) triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán lên mới nổi trong các năm tới và (4) dòng tiền của nhà đầu tư nội sẽ tiếp tục chảy vào kênh đầu tư chứng khoán.
Ông Nguyễn Anh Khoa: Tôi đánh giá nhóm cổ phiếu liên quan câu chuyện đầu tư công, vật liệu xây dựng như đá, xi măng, thép có thể tăng điểm trong tuần tới, khi đã xuất hiện tín hiệu dòng tiền vào tại một số mã cổ phiếu trong phiên cuối tuần qua. Nhóm ngân hàng cũng đang có dấu hiệu phục hồi sau một thời gian điều chỉnh mạnh và thị giá đã trở về vùng hấp dẫn.
Ông Bùi Văn Huy: Việc chọn nhóm ngành ở hiện tại nên tuân thủ các nguyên tắc như sau: (1) Có thể phòng ngừa rủi ro/không chịu tác động quá lớn của lạm phát; (2) Các nhóm ngành phù hợp với chu kỳ hiện tại của nền kinh tế Việt Nam, phù hợp ngay cả với tín hiệu trong giai đoạn đầu tăng lãi suất; (3) Phù hợp với chính sách tiền tệ, tài khó giai đoạn hiện tại.
Từ những nguyên tắc trên, tôi khuyến nghị các nhóm ngành có thể đầu tư gồm: ngân hàng (phân hóa - lưu ý vấn đề nợ xấu), chứng khoán (đã về hỗ trợ dài hạn), bất động sản, hàng tiêu dùng thiết yếu, năng lượng, vật liệu cơ bản (các cổ phiếu hàng hóa hưởng lợi từ việc giá hàng hóa neo cao, tuy nhiên biến động rất lớn, cần chọn điểm mua phù hợp), nhóm cổ phiếu tiện ích – mang tính phòng thủ.