MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Góc nhìn chuyên gia: Những phiên test cung vẫn có thể tiếp tục xuất hiện trong tuần mới, cơ hội để tích luỹ cổ phiếu với giá hấp dẫn

Góc nhìn chuyên gia: Những phiên test cung vẫn có thể tiếp tục xuất hiện trong tuần mới, cơ hội để tích luỹ cổ phiếu với giá hấp dẫn

Theo ông Nguyễn Anh Khoa, trước diễn biến thông tin tương đối dày đặc và có mức độ ảnh hưởng khá tới thị trường, nhà đầu tư có thể lựa chọn quan sát hoặc lướt sóng theo dòng tiền với tỷ trọng thấp trong giai đoạn điều chỉnh của thị trường.

Những phiên test cung vẫn có thể tiếp tục xuất hiện trong tuần mới, ngưỡng hỗ trợ mới là vùng 1.200-1.220 điểm

"Tuần qua, VN-Index đã có những phiên điều chỉnh khá mạnh. Diễn biến dễ thấy là dòng tiền khá yếu tại thời điểm hiện tại khi lực cầu kém và thanh khoản thị trường ở mức thấp. Trạng thái điều chỉnh như vậy phù hợp với bối cảnh chung của thị trường chứng khoán toàn cầu và điều kiện cụ thể của thị trường chứng khoán Việt Nam", ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Môi giới Chứng khoán TP.HCM (HSC) đưa ra nhận định.

Nhìn vào bối cảnh thế giới, ông Huy cho rằng tháng 9 có khá nhiều sự kiện quan trọng đối với thị trường chứng khoán thế giới. Tuần trước, ECB đã tiếp tục nâng lãi suất thêm 0,75%. Đầu tuần tới, thông tin CPI tháng 8 của Mỹ sẽ thu hút sự chú ý và cuộ họp tiếp theo của FED sẽ diễn ra vào nửa cuối tháng 9. Thị trường Việt Nam sẽ có những yếu tố và câu chuyện riêng, tuy nhiên trong bối cảnh thị trường trong nước thiếu thông tin hỗ trợ, đồng thời những thông tin sắp tới của thị trường thế giới mang tính ảnh hưởng rất rộng, do đó yếu tố bên ngoài sẽ ảnh hưởng nhiều đến thị trường Việt Nam trong 1-2 tuần tới. Cuối tuần qua, diễn biến liên thị trường hạ nhiệt với lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và đồng Dollar hạ nhiệt, chứng khoán toàn cầu phục hồi, tuy nhiên xu hướng tiêu cực trong ngắn hạn chưa đảo chiều sau những diễn biến đó.

Với thị trường Việt Nam, những câu chuyện như chu kỳ thanh toán mới T+2 và nới room tín dụng lại không tạo được hiệu ứng như kỳ vọng. Theo quan sát, dòng tiền phụ thuộc chính vào bối cảnh và thanh khoản đã không tăng như kỳ vọng của nhiều người tham gia thị trường khi áp dụng chu kỳ thanh toán mới. Trong khi đó, khi thông tin nới room tín dụng được chính thức chốt hạ, thị trường đã điều chỉnh mạnh vì gần như sau đó, thị trường trong nước không còn câu chuyện nào để hâm nóng trong ngắn hạn, anh cũng đã đưa ra quan điểm này.

Theo quan điểm của ông Huy, thị trường trong nước vẫn sẽ chưa có câu chuyện nào cho đến khoảng cuối tháng, khi mùa KQKD mới được khởi động. Mùa KQKD năm nay sẽ thú vị với nhiều nhóm ngành phục hồi mạnh so với cùng kỳ khi chịu giãn cách. Tăng trưởng GDP quý III được sự báo trên 10% bởi nền so sánh thấp cùng kỳ.

Góc nhìn chuyên gia: Những phiên test cung vẫn có thể tiếp tục xuất hiện trong tuần mới, cơ hội để tích luỹ cổ phiếu với giá hấp dẫn - Ảnh 1.

Trong bối cảnh thị trường không phải quá xấu nhưng chưa có gì tích cực nổi bật đi kèm trạng thái trống thông tin trong nước kèm biến động khó lường bên ngoài sẽ tiếp tục khiến dòng tiền dè dặt, ông Huy dự báo trạng thái thanh khoản thấp sẽ tiếp tục được duy trì trong tuần giao dịch mới.

Ngoài ra, vị chuyên gia tới từ HSC cho biết những phiên test cung vẫn có thể tiếp tục xuất hiện trong tuần mới. Vùng hỗ trợ mạnh hiện tại quanh vùng 1.200-1.220 điểm. Vùng kháng cự mạnh đã được cho thấy sức nặng quanh 1.280-1.300 điểm.

Mặt khác, nhà đầu tư có thể tìm cơ hội ở những mẩu chuyện nhỏ với sự phân hoá của từng nhóm cổ phiếu và cần mua một cách chọn lọc với tỷ trọng vừa phải trong những nhịp điều chỉnh về quanh vùng hỗ trợ.

So với hồi đầu năm trước bối cảnh trong và ngoài nước đã xấu đi rất nhiều, ông Huy cho rằng dòng tiền vào chứng khoán kém đi rõ, thậm chí dòng tiền có xu hướng rút ra thể hiện rõ nét nhất qua diễn biến chung của chỉ số và thanh khoản. Bên cạnh đó, chuyên gia chia sẻ rằng sẽ còn mất một khoảng thời gian nữa mới có làn sóng nhà đầu tư mới đổ bộ vào thị trường lớn như vậy. Lượng lớn nhà đầu tư này dù còn ở lại hay đã rút khỏi thị trường thì chứng khoán đã tiếp cận rộng rãi tới mọi người, và độ phủ được nâng lên đáng kể. Trong dài hạn, số lượng tài khoản mở mới khó kỳ vọng bùng nổ song chuyên gia đến từ HSC vẫn duy trì góc nhìn tích cực về lượng nhà đầu tư mới được gia tăng.

Liên quan đến các ETFs vẫn là xu hướng trên thế giới và đã tăng trưởng mạnh về quy mô trên thị trường Việt Nam trong thời gian gần đây. Việc Dragon Capital tiến gần đến việc niêm yết và đưa quỹ ETF thứ 3 lên sàn là quỹ ETF DCVFM VNMIDCAP sẽ đáp ứng thêm về nhu cầu đa dạng để nhà đầu tư lựa chọn. Tuy nhiên với quỹ Midcap mới, ông Huy nhận thấy khả năng hút tiền không mạnh như các quỹ ETFs đã triển khai và tác động với một số mã cụ thể trong danh mục sẽ không quá lớn. Theo chuyên gia, danh mục có đến 60 mã và tương đối dàn trải. Tất nhiên đầu tư ETFs, nhiều nhà đầu tư không quan tâm đến yếu tố cơ bản, nhưng có thể thấy chất lượng danh mục với số mã lớn và không quá đồng đều.

Dòng tiền có xu hướng chờ đợi cơ hội để giải ngân sau nhịp giảm mạnh của thị trường

Đánh giá về diễn biến giao dịch tuần vừa qua, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco đánh giá hầu hết các nhóm giảm điểm trong các phiên gần đây như khu công nghiệp, thép, bất động sản hay chứng khoán đều hồi phục với nhiều cổ phiếu đóng cửa tại mức giá cao nhất ngày.

Thực tế, các nhà đầu tư tổ chức và khối ngoại đã bắt đầu mua ròng nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn và vừa trên HSX từ phiên 08/09, vì vậy lực cầu bắt đáy trong phiên chiều 09/09 xuất hiện là điều tương đối hợp lý và cũng trùng thời điểm chỉ số kiểm định vùng hỗ trợ trung hạn MA50 (quanh vùng 1.225-1.230 điểm).

Mặc dù vậy, sự hồi phục 1 phiên của VN-Index cũng chưa thể nói lên nhiều điều, mà cần phải theo dõi thêm diễn biến trong các phiên đầu tuần tới để xác nhận sự tạo đáy của chỉ số.

Mặt khác, về diễn biến số tài khoản mở mới tiếp tục giảm trong tháng 8, ông Khoa cho rằng vẫn còn khá sớm để nói rằng nhà đầu tư đã chán chứng khoán. Thứ nhất, dù số tài khoản mở mới trong tháng 8 ở mức thấp nhất kể từ tháng 10/2021, song con số này vẫn là mức khá cao so với thời điểm bùng nổ của thị trường trong năm ngoái. Bên cạnh đó, diễn biến thanh khoản trong tháng 8 có sự cải thiện gần 35% về tổng giá trị cũng như hơn 27% về khối lượng so với tháng 7, điều này cho thấy dòng tiền của nhà đầu tư vẫn có xu hướng chờ đợi cơ hội để giải ngân sau nhịp giảm mạnh của thị trường.

Vị chuyên gia cho biết, kể từ khi các quỹ ETF đầu tiên xuất hiện vào năm 2014, dòng vốn tại các chứng chỉ quỹ có xu hướng tăng dần và thu hút nhiều nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư không chuyên tìm tới và giao dịch. Dù vậy, thị trường hiện chưa có quỹ ETF nào niêm yết chứng chỉ quỹ dựa theo chỉ số VNMIDCAP. Do đó, ông Khoa đánh giá việc Dragon Capital tiến tới niêm yết và đưa quỹ ETF DCVFM VNMIDCAP niêm yết sẽ giúp nhà đầu tư có thêm cơ hội lựa chọn chứng chỉ quỹ phù hợp với trường phái cũng như sở thích đầu tư.

Bên cạnh đó, ông Khoa cho rằng việc niêm yết chứng chỉ quỹ mới có thể tạo ra cơ hội giao dịch ngắn hạn đối với những cổ phiếu có thanh khoản bình quân mỗi phiên ở mức trung bình khá thuộc nhóm ngân hàng, bất động sản hay nguyên vật liệu do đây là nhóm cổ phiếu có tỷ trọng lớn trong danh mục đầu tư của quỹ.

Nhắc đến sự kiện tái cơ cấu danh mục các quỹ ETF, vị chuyên gia đến từ Agriseco cho rằng vẫn sẽ có ảnh hưởng nhất định tới thị trường, tuy nhiên tác động tới thị trường đã giảm đi đáng kể do hoạt động cơ cấu của các quỹ sẽ trải dài từ thời điểm công bố tới ngày kết thúc cơ cấu danh mục (thường từ 1-2 tuần).

Ngoài ra, quy mô thị trường cổ phiếu tới giữa năm 2022 đã đạt 93% GDP, tiệm cận mục tiêu đề ra của Chính phủ vào năm 2025 là 100% GDP, cho thấy quy mô thị trường cổ phiếu đã lớn hơn nhiều so với giai đoạn trước đây, cũng là yếu tố làm giảm sức ảnh hưởng của việc cơ cấu danh mục tới điểm số thị trường. Nếu để nói ảnh hưởng của đợt cơ cấu danh mục lần này, ông Khoa cho rằng nhóm ngành được hưởng lợi có thể kể tới nhóm nguyên vật liệu, hoá chất, trong khi nhóm ngân hàng có thể xuất hiện sự phân hoá, còn nhóm bất động sản có thể bị bán ra nhiều trong sự kiện cơ cấu danh mục sắp tới.

Về những sự kiện NĐT cần quan tâm tuần tới, ông Khoa cho biết tuần tới là tuần đầu tiên NĐT được giao dịch lô lẻ trở lại trên sàn HOSE. Theo đó, dự kiến thanh khoản thị trường sẽ có sự hồi phục trong các phiên tới.

Hơn nữa, 5/09 là ngày đáo hạn phái sinh HĐTL chỉ số VN30 và 16/09 là ngày các quỹ ETF phải hoàn thành cơ cấu danh mục đầu tư – và điều này có thể tạo ra các biến động bất thường lên chỉ số VN-Index nói chung và VN30 nói riêng. Không chỉ vậy, vào ngày 13/09 và 14/09 sẽ là thời điểm Mỹ công bố chỉ số CPI và PPI tháng 9, đây là những thông tin quan trọng để FED công bố số liệu lãi suất điều hành mới trong tuần sau đó, và dự kiến có thể ảnh hưởng gián tiếp tới thị trường trong nước.

Theo quan điểm của ông Khoa, trước diễn biến thông tin tương đối dày đặc và có mức độ ảnh hưởng khá tới thị trường, nhà đầu tư có thể lựa chọn quan sát hoặc lướt sóng theo dòng tiền với tỷ trọng thấp trong giai đoạn điều chỉnh của thị trường.

Nhịp điều chỉnh của thị trường lần này là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu với giá hấp dẫn

Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường, Công ty CPCK VNDIRECT, thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua có diễn biến tương đối tiêu cực, đặc biệt trong những phiên giao dịch giữa tuần do những thông tin có phần bất lợi liên tục xuất hiện khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng. Cụ thể, sau khi chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) phát đi thông điệp "cứng rắn" rằng sẽ tiếp tục theo đuổi nâng lãi suất cho đến khi lạm phát giảm đáng kể tại hội nghị Jackson Hole diễn ra hồi cuối tháng 8, các chỉ số chứng khoán Mỹ đã chứng kiến nhịp điều chỉnh gần 10%. Đà giảm điểm đã lan tỏa sang các thị trường mới nổi và thị trường chứng khoán Việt Nam cũng khó đi ngược lại xu thế chung.

Bên cạnh đó, việc đồng USD tiếp tục mạnh lên trong những tuần gần đây và lên mức cao nhất trong vòng 20 năm qua cũng đã có áp lực đáng kể đến tỷ giá của Việt Nam và diễn biến giao dịch của khối ngoại. Trong những phiên đầu tuần, khối ngoại đã liên tục bán ròng và gây tác động tiêu cực đến thị trường. Không những thế, thông tin về việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng có phần kém hơn so với kỳ vọng của thị trường và đà tăng mạnh của lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã ảnh hưởng có phần tiêu cực tới diễn biến nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Thị trường tuần qua đã chứng kiến áp lực bán mạnh với hầu hết các nhóm ngành. Đặc biệt, nhóm có đà tăng tốt trong những tuần trước như ngân hàng đã quay đầu giảm mạnh mẽ sau khi NHNN chính thức công bố thông tin nới room tín dụng thấp hơn kì vọng. Ngược lại, rất ít nhóm ngành duy trì xu thế tăng điểm, nổi bật là nhóm ngành thép. Những thông tin về giá thép phục hồi thời gian gần đây đã hỗ trợ cho xu hướng tăng của cổ phiếu ngành thép. Tuy nhiên, ông Hinh cho rằng để khẳng định đà khởi sắc của ngành thép có bền vững hay không thì vẫn cần đợi thêm những thông tin tích cực liên quan tới sản lượng bán hàng trong nước và xuất khẩu trong những tháng tới.

Trong tuần giao dịch tiếp theo, ông Hinh kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ dần ổn định trở lại. Phiên tăng điểm ấn tượng cuối tuần qua cũng đã phần nào gỡ bỏ tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư sau nhịp điều chỉnh khá mạnh gần đây. Vị chuyên gia kỳ vọng chỉ số VN-Index vẫn sẽ giao dịch trên ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1.220-1.240 điểm trong tuần tới. Nhà đầu tư có thể mở dần vị thế mua và tích lũy cổ phiếu với tỷ trọng nhỏ trong những phiên giao dịch tới nếu chỉ số VN-Index giảm về vùng hỗ trợ mạnh 1.220-1.240 điểm, ưu tiên những nhóm ngành có triển vọng kinh doanh tích cực trong Q3/2022 như bán lẻ, thực phẩm-đồ uống, điện và những nhóm ngành có thông tin hỗ trợ xây dựng hạ tầng (đẩy mạnh giải ngân đầu tư công) và dầu khí (động lực từ dự án lô B Ô Môn).

Bên cạnh đó, về những biến động gần đây rên thị trường liên ngân hàng, ông Hinh cho chỉ ra một số nguyên nhân đến từ (1) Một lượng lớn tiền đồng được hút ròng khỏi hệ thống ngân hàng do NHNN đẩy mạnh hút ròng qua tín phiếu và bán ngoại tệ trong tháng 8, (2) NHNN muốn duy trì lãi suất VND cao hơn lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng nhằm giảm áp lực lên tỷ giá USD/VND trong bối cảnh đồng USD tiếp tục mạnh lên do Fed duy trì lộ trình tăng lãi suất chính sách, (3) Nhu cầu huy động vốn tăng mạnh do NHNN chính thức nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với một số thương mại ngân hàng kể từ tháng 9 năm 2022.

Tuy vậy, ông Hinh đánh giá đà tăng mạnh của lãi suất liên ngân hàng chỉ là tạm thời và tình hình có thể hạ nhiệt trong những tuần tới. Song, đà tăng của USD có thể chững lại hoặc thậm chí giảm sau cuộc họp của Fed vào ngày 20-21/9 tới đây vì dường như đà tăng vừa qua đã phản ánh hết kỳ vọng thị trường trong đợt tăng lãi suất sắp tới. Áp lực tỷ giá giảm cùng với những động thái hỗ trợ của NHNN như bơm ròng thanh khoản ra thị trường trong những phiên đầu tháng 9 có thể góp phần hạ nhiệt lãi suất trên thị trường liên ngân hàng.

Dương Ngọc

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên