Góc nhìn chuyên gia: Thanh khoản liên tục sụt giảm, yếu tố nào có thể kéo dòng tiền quay lại thị trường?
"Về góc nhìn tuần tới, mùa kết quả kinh doanh sắp tới với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận được dự báo vẫn tương đối tích cực sẽ là yếu tố "giữ lửa" nhất định cho thị trường. Nếu không thủng đáy, nhiều nhóm ngành sẽ có cơ hội được phân hóa. Tuy nhiên cũng cần lưu ý với dòng tiền yếu như hiện tại, cơ hội nếu có sẽ không dành cho tất cả", ông Bùi Văn Huy đánh giá.
Mặc dù có nhiều thông tin vĩ mô tích cực công bố trong tuần qua, song thị trường chứng khoán vẫn chưa thực sự khởi sắc. Chuyên gia lý giải như thế nào về điều này?
Ông Bùi Văn Huy - Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC): Tuần qua chúng ta có nhiều thông tin hỗ trợ tích cực, đặc biệt là thông tin về tăng trưởng GDP quý 2 rất ấn tượng. Bên cạnh đó, lạm phát tháng 6 cũng vẫn nằm trong tầm kiểm soát và chưa quá đáng ngại. Điều đó càng khẳng định thêm về tiềm năng và nội lực của nền kinh tế Việt Nam, song cần lưu ý là chu kỳ kinh tế Việt Nam có độ trễ nhất định so với thế giới. Thêm nữa, "thị trường chứng khoán không phải nền kinh tế" bởi chúng ta đã có năm 2021 thuận lợi ngay cả những quý GDP tăng trưởng âm.
Những diễn biến kém sáng của thị trường tuần qua cũng bị tác động khi chứng khoán toàn cầu lại tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu. Đặc biệt nhiều thị trường châu Á, trong đó có những thị trường có dòng vốn đầu tư vào Việt Nam rất nhiều như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… tiếp tục thủng đáy. Trong khi đó, thị trường Mỹ và châu Âu cũng chưa có nhiều dấu hiệu hồi phục rõ ràng.
Một vấn đề lớn lúc này là lực cầu rất kém, trong phiên thứ sáu vừa qua – trước khi có nhịp kéo cuối phiên và cả những phiên trước đó, lực mua chủ động rất yếu. Do đó thị trường hiện tại vẫn chủ yếu do bên bán làm chủ, liệu bên bán có hợp tác khi giá hồi hay có thêm yếu tố tác động mới để hành động bán quyết liệt hơn.
Ông Đỗ Bảo Ngọc – Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết: Những thông tin vĩ mô tốt được phản ánh khi nền kinh tế Việt Nam hồi phục sau dịch Covid tác động nhiều hơn đến thị trường trong dài hạn. Đối với thị trường ngắn hạn chủ yếu phản ánh yếu tố cung cầu và dòng tiền đóng vai trò quyết định.
Hơn hết, dù ghi nhận nhiều chỉ số vĩ mô khá tích cực, song thị trường vẫn lo ngại về nhiều chính sách kiểm soát cung tiền của Ngân hàng Nhà nước. Hiện tại, tuy NHNN chưa thực hiện tăng lãi suất, song đã bắt đầu thực hiện một số chính sách kiểm soát dòng tiền mạnh mẽ sau khi Fed đã tiến hành nhiều đợt tăng lãi suất và hạ bảng cân đối kế toán.
Theo đó, NHNN đang thực hiện biện pháp kiểm soát room tín dụng, với nhiều ngân hàng đã hết room thì dù dư nguồn cũng khó cho vay. Đó là lý do khi dư nguồn các ngân hàng sẽ thực hiện rút tiền về thông qua việc phát hành tín phiếu, bán ngoại tệ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thanh khoản trên thị trường chứng khoán.
Mặc dù có màn lội dòng đi lên khá ấn tượng trong phiên cuối tuần, song VN-Index vẫn gặp khó trước mốc cản tâm lý 1.200 điểm. Với những diễn biến đó, ông dự báo thị trường tuần tới sẽ có xu hướng ra sao?
Ông Bùi Văn Huy: Trong bối cảnh đó, thị trường sẽ rất tiếp tục khó đoán với nhiều bất ổn. Phiên cuối tuần qua lực cầu tiếp tục ổn và nhà đầu tư thở phào khi thị trường không thủng đáy cũ. Tuy nhiên có thể thấy, với mỗi lần kiểm định lại vùng đáy cũ quanh 1.160 điểm thì lực cầu ngày càng khiêm tốn và mức độ nảy lên ngày càng kém. Do đó tôi cho rằng thị trường sẽ chịu tác động lớn từ thị trường thế giới, với ngưỡng hỗ trợ quan trọng hiện tại quanh 1.160 điểm và kháng cự quanh 1.220 điểm.
Về góc nhìn tuần tới, mùa kết quả kinh doanh sắp tới với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận được dự báo vẫn tương đối tích cực sẽ là yếu tố "giữ lửa" nhất định cho thị trường. Nếu không thủng đáy, nhiều nhóm ngành sẽ có cơ hội được phân hóa. Tuy nhiên cũng cần lưu ý với dòng tiền yếu như hiện tại, cơ hội nếu có sẽ không dành cho tất cả.
Ông Đỗ Bảo Ngọc: Thị trường chứng khoán tuần qua đã phản ánh khá nhiều thông tin xấu liên quan đến việc lạm phát tăng cao hơn tại Châu Âu cũng như các tín hiệu suy thoái kinh tế Mỹ rõ hơn. Mặc dù vậy, trong tuần qua thị trường đã có phiên hồi phục khá tốt trong phiên cuối tuần khi hồi phục lên quanh mốc 1.200 điểm và cơ hội tạo vùng đáy 2 cao hơn. Trong tuần tới VN-Index có thể sideway tạo nền trước khi thiết lập xu hướng tăng mới.
Thanh khoản vẫn tụt áp kéo dài trong nhiều tuần liên tiếp, dòng tiền đang lo ngại điều gì? Và theo ông, có yếu tố nào để kích thích dòng tiền gia nhập thị trường trong thời gian tới không?
Ông Bùi Văn Huy: Tôi cho rằng để nhận định sự trở lại của dòng tiền thì cần hiểu rõ nguyên nhân thanh khoản tụt áp.
Thứ nhất, tài khoản nhà đầu tư thua lỗ nặng và giảm margin. Mức độ giảm khoảng 20% của chỉ số VNINdex từ đỉnh không phản ánh đầy đủ mức độ sát thương của đợt giảm, khi nhiều cổ phiếu giảm 50-80% từ đỉnh. Nếu dùng margin, nhiều nhà đầu tư thua lỗ 80-90% tài khoản là không hiếm. Vốn thực và dòng vốn margin đều suy giảm sau thời gian qua. Nhà đầu tư muốn vay margin trở lại cũng không đủ tài sản đối ứng. Theo đó, dòng tiền từ nhà đầu tư thua lỗ và nguồn margin chỉ trở lại khi thị trường thực sự ổn định.
Thứ hai, siết chặt thị trường trái phiếu, một số doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp không tìm ra nguồn cân đối. Trên thực tế, tôi nhận thấy có nhiều cổ đông lớn của nhiều doanh nghiệp lớn tìm nguồn vay thế chấp cổ phiếu thay thế để bù vào. Nhiều nhóm sẵn sàng chấp nhận mức lãi suất cao hơn, mặt bằng lãi suất làm deal cũng tăng trong thời gian qua. Yếu tố này chỉ cải thiện khi doanh nghiệp cân được nguồn và việc này cần thời gian từ 2-3 quý.
Thứ ba, dòng tiền trở lại sản xuất kinh doanh và chuyển kênh đầu tư khi thị trường chứng khoán không thuận lợi. Dòng tiền chỉ được cải thiện khi bối cảnh vĩ mô thuận lợi hơn và chứng khoán trở nên hấp dẫn.
Ông Đỗ Bảo Ngọc: Lạm phát và lãi suất vẫn là mối lo ngại lớn của dòng tiền trên thị trường. Tuy nhiên, tôi cho rằng có ba yếu tố tích cực có thể tác động đến thanh khoản thị trường thời gian tới (1) là lạm phát có khả năng tạo đỉnh trong quý 3 sẽ giúp quá trình tăng lãi suất chậm lại và tác động tích cực đến thị trường chứng khoán (2) kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp được công bố cũng là một động lực cho thị trường. Nhiều doanh nghiệp niêm yết có kết quả khả quan do hồi phục từ mức đáy sau dịch Covid. (3) định giá nhiều nhóm cổ phiếu về vùng hấp dẫn khi nhiều cổ phiếu đã chiết khấu mạnh trong thời gian qua cũng là một yếu tố có thể kích thích dòng tiền quay trở lại trong thời gian tới.
Bộ ba nhóm trụ cột của thị trường như Bank-Chứng-Thép đang có những tín hiệu khá tích cực trong tuần qua. Anh nhận định như thế nào về triển vọng của Ngân hàng, Chứng khoán và Thép? Nhà đầu tư có nên cơ cấu danh mục sang những nhóm này trong thời điểm hiện tại?
Ông Bùi Văn Huy: Cá nhân tôi cho rằng cố phiếu Ngân hàng, Thép, Chứng khoán là cổ phiếu chu kỳ và phụ thuộc rất lớn vào chu kỳ nền kinh tế và diễn biến thị trường chứng khoán và là các nhóm đều đã bị chiết khấu sâu trong thời gian qua. Khi nền kinh tế đạt đỉnh tăng trưởng hoặc tăng trưởng chậm lại, không nên đầu tư vào các nhóm này. Riêng cổ phiếu thép, cần lưu ý đến diễn biến của thị trường hàng hóa.
Nhóm cổ phiếu Ngân hàng: Nhiều ý kiến cho rằng nhóm ngành này đang rẻ khi nhiều cổ phiếu đã tạo đỉnh được 1 năm và triển vọng kết quả kinh doanh quý 2 vẫn rất sáng. Tuy nhiên tôi vẫn cho rằng Ngân hàng là nhóm ngành chu kỳ, thời điểm đầu tư là khi bắt đầu thị trường có dấu hiệu tạo đáy thực sự và đi lên. Ý kiến đắt, rẻ cũng là rất tương đối trong thị trường giá xuống.
Theo quan sát, P/B của nhiều ngân hàng châu Âu loanh quanh 0,5 lần. Các Ngân hàng hàng đầu thế giới ở Mỹ, P/B cũng loanh quanh 1 lần, nhiều Ngân hàng hàng đầu thế giới P/B dưới 1 lần. Do đó nhà đầu tư vào nhóm ngành Ngân hàng cần phân tích kỹ triển vọng thị trường và chất lượng tài sản của từng ngân hàng.
Nhóm cổ phiếu Chứng khoán: Thông tin hỗ trợ của ngành là nhà đầu tư sắp được giao dịch vào chiều ngày T 2 . Đây là thông tin tích cực, bởi theo ước tính thanh khoản có thể tăng 5-10% so với quy định hiện tại. Tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa với việc dòng tiền mới sẽ chảy vào thị trường vì thông tin trên, đơn giản tăng vòng quay thêm một chút và cải thiện thêm sự linh hoạt cho nhà đầu tư.
Công ty chứng khoán có 4 mảng kinh doanh chính: Môi giới, cho vay ký quỹ, tự doanh và tư vấn tài chính doanh nghiệp. Với thị trường hiện nay, mảng môi giới, cho vay ký quỹ và tự doanh đều sẽ bị ảnh hưởng nặng. Bối cảnh cạnh tranh của ngành sẽ tiếp tục gay gắt, con số thị phần quý 2 sắp được công bố sẽ phần nào cho thấy điều đó.
Nhà đầu tư cần lưu ý đến tác động tâm lý khi con số thị phần sẽ cho thấy nhiều doanh nghiệp tiếp tục sẽ mất thị phần. ROE ngành trong bối cảnh hiện tại tôi nghĩ quanh 12-15% và mức P/B ngành quanh 1-1,5 lần là hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Nhóm ngành chứng khoán là nhóm ngành chu kỳ, tất nhiên khi thị trường trở lại, tất nhiên nhóm cổ phiếu này sẽ hấp dẫn hơn.
Nhóm cổ phiếu Thép: Theo quan sát, giá thép thế giới tiếp tục giảm mạnh trong thời gian qua. Trong trường hợp nền kinh tế thế giới bước vào suy thoái, khả năng sẽ có cú rơi trên thị trường hàng hóa và giá thép cũng như vậy. Nhà đầu tư cần lưu ý diễn biến này khi tham gia cổ phiếu thép.
Về chủ đề cổ phiếu trụ/midcap hay penny: Một trong những nguyên tắc quan trọng khi thị trường giá xuống là penny sẽ rơi rất nhiều và cổ phiếu trụ sẽ diễn biến tốt hơn tương đối. Tham gia cổ phiếu nhỏ, cổ phiếu đầu cơ là rất rủi ro giai đoạn này. Với những cổ phiếu đầu cơ, cơ bản kém nhà đầu tư nên dứt khoát cắt lỗ dù đã lỗ sâu.
Ông Đỗ Bảo Ngọc: Chứng khoán và Thép là những cổ phiếu trụ có tác động lớn đến sự biến động của chỉ số. Sự hồi phục của những nhóm này mang lại tín hiệu tích cực cho thị trường chung, song không phải nhóm ngành nào cũng có cơ hội đầu tư trong thời gian tới.Đối với nhóm Ngân hàng, tôi duy trì quan điểm tích cực do giá đã chiết khấu về vùng hấp dẫn cùng với kết quả kinh doanh quý 2 dự báo vẫn duy trì khả quan. Tuy nhiên, đối với nhóm Chứng khoán thì sẽ có sự phân hóa mạnh, bởi thị trường chung vẫn còn khá nhiều khó khăn. Tương tự, nhóm Thép cũng không còn nhiều cơ hội đầu tư, bởi giá nguyên liệu tăng cao cùng giá bán giảm sẽ tác động lớn đến lợi nhuận của các doanh nghiệp.