MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Góc nhìn chuyên gia: Thị trường điều chỉnh sau vài tuần phục hồi là hoàn toàn bình thường, ngưỡng 1.255 điểm trở nên quan trọng

Góc nhìn chuyên gia: Thị trường điều chỉnh sau vài tuần phục hồi là hoàn toàn bình thường, ngưỡng 1.255 điểm trở nên quan trọng

Theo quan điểm của ông Nguyễn Anh Khoa, thị trường luôn tồn tại cơ hội ngay cả khi đang nghỉ ngơi hoặc trong một con sóng lớn. Nếu thị trường đang trong nhịp điều chỉnh ngắn hạn, nhà đầu tư có thể tận dụng để gom cổ phiếu của những doanh nghiệp tốt, có tiềm năng tăng trưởng tại vùng giá thấp.

Thị trường chứng khoán vừa trải qua một tuần giao dịch tương đối giằng co. Chỉ số VN-Index bứt phá mạnh trong ba phiên đầu tuần rồi quay đầu điều chỉnh mạnh trong phiên thứ Sáu để dừng tại mức 1.284,08 điểm, tương ứng giảm nhẹ 0,3% so với tuần giao dịch trước.

Đang có tín hiệu lực cầu trở lại, dòng tiền dài hạn vẫn tích cực nhờ nội tại của thị trường được cải thiện

Theo góc nhìn của Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco, thị trường thời gian gần đây đã phục hồi khá tích cực sau đợt giảm nhanh và mạnh trước đó, vì vậy áp lực chốt lời gia tăng là điều có thể hiểu được. Ngoài ra, câu chuyện lạm phát tiếp tục khiến thị trường chứng khoán thế giới không mấy tích cực cũng khiến thị trường trong nước khó thoát khỏi xu hướng chung. Tại khung đồ thị tuần, đà tăng của VN-Index đang bị chững lại cho thấy tâm lý lưỡng lự, giằng co của bên mua và bên bán. Vì vậy, với tuần tới, ông Khoa sẽ thiên về kịch bản chỉ số có nhịp điều chỉnh giảm về quanh vùng 1.260 điểm sau đó phục hồi lại quanh vùng 1.290 điểm.

Xét về dòng tiền, mặc dù các phiên giao dịch tỷ đô vẫn chưa quay lại với thị trường, tuy nhiên thanh khoản gần đây đã được cải thiện khá đáng kể. Giá trị giao dịch trung bình 1 phiên trên sàn giao dịch Hose đạt trên 16.200 tỷ đồng, tăng gần 5% so với tuần trước đó và gần 20% so với trung bình 5 tuần liền kề, cho thấy có tín hiệu lực cầu đang quay trở lại thị trường, giúp tâm lý thị trường lạc quan hơn. Về dài hạn, dòng tiền có thể sẽ tích cực hơn khi những yếu tố nội tại của thị trường tiếp tục được cải thiện như kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết có sự tăng trưởng, quy mô thị trường tiếp tục mở rộng với số lượng tài khoản mở mới tăng dần. Thêm vào đó, vị chuyên gia này cũng kỳ vọng việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm cũng có thể đem lại những hiệu ứng tích cực cho thị trường chứng khoán trong nước.

Trong bối cảnh thị trường rung lắc mạnh, nhóm kỳ vọng có kết quả kinh doanh quý 2 tốt được ông Khoa đánh giá sẽ thu hút được dòng tiền, có thể là những nhóm có tính mùa vụ hoặc đang hưởng lợi từ giá bán đầu ra. Bên cạnh đó, vị chuyên gia đến từ Agriseco cũng đánh giá cao các ngành có tính ổn định hiện tại như nhóm cổ phiếu bảo hiểm (hưởng lợi khi lãi suất tăng) hoặc nhóm ngành điện, nước. Đây sẽ là những ngành có tính phòng thủ tốt trong môi trường lạm phát cao khi đây đang là câu chuyện tâm điểm của thị trường chứng khoán toàn cầu.

Theo quan điểm của ông Khoa, thị trường luôn tồn tại cơ hội ngay cả khi đang nghỉ ngơi hoặc trong một con sóng lớn. Nếu thị trường đang trong nhịp điều chỉnh ngắn hạn, nhà đầu tư có thể tận dụng để gom cổ phiếu của những doanh nghiệp tốt, có tiềm năng tăng trưởng tại vùng giá thấp. Ngược lại, khi thị trường bước vào đà tăng, có thể tận dụng cơ cấu lại danh mục, mua vào các mã đang được dòng tiền hướng đến. Ngoài ra, với xu hướng dòng tiền đang xoay vòng nhanh giữa các nhóm ngành như hiện tại, nhà đầu tư nên ưu tiên với những mục tiêu trong trung và dài hạn hơn so với các mục tiêu trading ngắn hạn.

Mức độ quan tâm về thị trường chứng khoán có phần giảm sút, nhóm cổ phiếu phòng thủ sẽ tích cực hơn mặt bằng chung

Đầu tiên, đánh giá về mặt bối cảnh thị trường, Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng những yếu tố tác động vẫn duy trì như trước đó, tuy nhiên một số vấn đề đang chưa thực sự ủng hộ với tâm điểm là lạm phát toàn cầu. Trong một bài phỏng vấn trên CNN đầu tháng Sáu, Bộ trưởng Tài chính Mỹ (cựu Chủ tịch FED) Janet Yellen nhìn nhận bà đã sai lầm về hướng diễn biến của lạm phát và không hiểu hết về bối cảnh của nền kinh tế. Một khi các quan chức của FED hay Bộ Tài Chính… trong những lần hiếm hoi thừa nhận về một nguy cơ nào đó, đó đều là những rất lớn đối với nền kinh tế Mỹ và toàn cầu. Do đó, ông Huy nhấn mạnh bất kỳ chuyên gia nào cũng cần phải cẩn trọng xem xét lại những đánh giá của mình về nền kinh tế cũng như thị trường.

Đối với thị trường Việt Nam, ông Huy đánh giá việc thị trường đã tăng điểm trở lại trong 3 đến 4 tuần thì áp lực xuất hiện là điều rất bình thường. Sự luân chuyển vào các nhóm ngành năng lượng, nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng thiết yếu, tiền ích… cũng thể hiện những đặc điểm đơn thuần của sóng hồi. Hiện tại, nhiều tín hiệu cho thấy các nhóm cổ phiếu dẫn dắt nhịp hồi khả năng đã phân phối, do vậy tuần giao dịch tiếp theo sẽ tương đối áp lực với thị trường chứng khoán Việt Nam. Điểm hỗ trợ gần nhất của VN-Index là quanh 1.260 điểm, tuy nhiên ngưỡng hỗ trợ này theo ông Huy không mạnh và khả năng số lượng các cổ phiếu ngược dòng tăng điểm sẽ không nhiều, đồng nghĩa cơ hội giao dịch sẽ càng ít đi.

Góc nhìn chuyên gia: Thị trường điều chỉnh sau vài tuần phục hồi là hoàn toàn bình thường, ngưỡng 1.255 điểm trở nên quan trọng - Ảnh 1.

Nhận xét về việc thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh, ông Huy cho rằng nguyên nhân đến từ ba luận điểm chính, thứ nhất là việc chấn chỉnh thị trường trái phiếu, thứ hai là hoạt động giảm đòn bẩy trên thị trường cổ phiếu và thứ ba là sự chuyển hướng của dòng tiền sang các kênh đầu tư khác như tiền gửi. Lượng tài khoản mở mới lập kỷ lục trong tháng Năm vừa qua, theo ông Huy, không có giá trị lớn, khi mà mức độ quan tâm chứng khoán nói chung đang kém đi và tiền mới gia nhập nhiều. Nguyên nhân, cá nhân ông Huy cho rằng sự xuất hiện của một số CTCK mới gây ra làn sóng chuyển đổi nhân sự và khách hàng, NĐT cũ mở thêm tài khoản chứng khoán mới trong khi lượng NĐT mới hoàn toàn là không nhiều.

Theo quan điểm của vị chuyên gia này, dòng tiền mới từ nhà đầu tư cá nhân hay khối ngoại vẫn chảy vào thị trường, tuy nhiên sẽ khó cải thiện ngay, do đó trong phần còn lại của quý 2 và cả quý 3 năm nay, thanh khoản vẫn sẽ ở mức thấp.

Góc nhìn chuyên gia: Thị trường điều chỉnh sau vài tuần phục hồi là hoàn toàn bình thường, ngưỡng 1.255 điểm trở nên quan trọng - Ảnh 2.

Mức độ quan tâm đến cụm từ "cổ phiếu", "chứng khoán" theo đánh giá của Google Trend đã giảm

Tuần giao dịch tới sẽ khá bận rộn với nhiều thông tin như FED họp 14-15/6, đáo hạn phái sinh vào thứ Năm và review ETFs vào cuối tuần. Tuy nhiên, hiện quy mô 2 quỹ ETFs ngoại là không lớn nên sẽ ít gây tác động đến thị trường. Trong khi đó, bối cảnh toàn cầu không mấy tích cực sẽ khiến tâm lý thị trường bị ảnh hưởng. Ông Huy cho rằng các nhóm ngành phòng thủ cao như Hàng tiêu dùng thiết yếu, Chăm sóc sức khỏe, Tiện ích … sẽ tích cực hơn mặt bằng chung. Các cổ phiếu giá trị, cổ tức cao và có khả năng đề kháng tốt với lạm phát sẽ được ưu tiên. Tất nhiên khi tham gia, nhà đầu tư cần cân nhắc về vùng giá mua hợp lý dựa trên diễn biến thị trường và mức định giá của cổ phiếu.

"Ngoài ra, nhà đầu tư nên hạn chế mua thêm cổ phiếu Năng lượng, Nguyên vật liệu khi cổ phiếu này đã diễn biến tốt trong thời gian qua, thậm chí có thể cân nhắc bán nếu có tín hiệu xấu từ chính các nhóm cổ phiếu này hoặc từ thị trường hàng hóa. Bởi lẽ, thị trường hàng hóa có thể chưa tạo đỉnh nhưng đang trong tầm ngắm của các NHTW để kiểm soát lạm phạn, một khi tạo đỉnh sẽ giảm rất nhanh", ông Huy khuyến nghị.

Mốc hỗ trợ 1.255 điểm sẽ rất quan trọng

Theo Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Công ty Chứng khoán Yuanta, diễn biến thị trường trong tuần qua và cả thời gian tới sẽ gặp nhiều áp lực từ tác động của diễn biến không mấy tích cực tại thị trường chứng khoán toàn cầu trong đó tâm điểm là thị trường Mỹ. Ngưỡng cản 1.300 sẽ trở nên khó khăn hơn khi tâm lý nhà đầu tư đang chưa ổn định trong bối cảnh nhiều yếu tố tiêu cực tác động.

Trong nhịp phục hồi từ đáy của thị trường như hiện nay, việc thanh khoản thấp, theo ông Minh, là điều hoàn toàn bình thường. Bên cạnh đó, dòng tiền đang lan toả không đồng đều cộng theo tâm lý nhà đầu tư chưa sẵn sàng trở lại hoặc rút sang các kênh đầu tư và sản xuất khác cũng khiến lượng tiền tại chứng khoán trở nên kém nhiệt hơn giai đoạn hai năm trước. Còn lượng tài khoản mở mới trong tháng vừa qua tăng đột biến, ông Minh đánh giá lượng lớn trong đó chỉ là tài khoản mở nhưng không giao dịch, hoặc chỉ mua thăm dò với lượng giao dịch rất nhỏ.

Xây dựng kịch bản cho tuần giao dịch tiếp theo, ông Minh cho rằng ngưỡng hỗ trợ 1.255 điểm sẽ rất quan trọng, nếu chỉ số VN-Index có thể giữ được vùng điểm này trong 1-2 phiên đầu tuần thì khả năng cao thị trường có thể tiến lên vận động quanh ngưỡng 1.300. Ngược lại, nếu không thể giữ mức 1.255 điểm, rất có thể VN-Index sẽ lùi xuống và có nhịp kiểm tra lại vùng 1.200 điểm.

Xét về tâm điểm hướng tới của dòng tiền ngắn hạn trong tuần giao dịch mới, ông Minh tỏ ra lạc quan với nhóm cổ phiếu Phân bón - Hoá chất nhờ hưởng lợi từ những căng thẳng giữa Nga và - Ukraine. Bên cạnh đó, sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, nhóm Bán lẻ cũng được đánh giá là ngôi sao sáng khi bứt phá mạnh từ mức nền thấp. Nhóm các doanh nghiệp Sản xuất và phân phối Điện cũng sẽ nhận được tín hiệu tích cực nhờ các dự thảo quy hoạch điện đang được nghiên cứu và bàn bạc; cộng thêm yếu tố hưởng lợi trong chu kỳ nền kinh tế phục hồi và dòng vốn FDI chảy vào. Cuối cùng, cổ phiếu Công nghệ cũng được ông Minh đánh giá là nơi giúp nhà đầu tư né tránh lạm phát và những biến động của thị trường.

Mặt khác, về hoạt động cơ cấu ETFs trong tuần tới, ông Minh lưu ý nhà đầu tư không nên mua vào những cổ phiếu được thêm mới để trading ngắn hạn. "Nhiều nhà đầu tư nghĩ rằng việc các quỹ ETFs thêm mới cổ phiếu sẽ tạo động lực tăng điểm ngắn hạn cho những cổ phiếu đó, tuy nhiên lượng giao dịch đó sẽ không nhiều và không chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường, vì vậy nếu nhà đầu tư chỉ mua vì nghĩ giá cổ phiếu sẽ tăng sau đó thì không nên", ông Minh cho hay.

https://cafef.vn/goc-nhin-chuyen-gia-thi-truong-dieu-chinh-sau-vai-tuan-phuc-hoi-la-hoan-toan-binh-thuong-nguong-1255-diem-tro-nen-quan-trong-20220612162817312.chn

Phương Linh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên