MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Góc nhìn CTCK: Nhà đầu tư chưa vội bắt đáy sau phiên giảm sốc, nên đưa tỷ trọng danh mục về mức cân bằng

Góc nhìn CTCK: Nhà đầu tư chưa vội bắt đáy sau phiên giảm sốc, nên đưa tỷ trọng danh mục về mức cân bằng

VCBS cho rằng việc "bắt đáy" cổ phiếu ở thời điểm hiện tại là tương đối rủi ro, nhà đầu tư nên cân nhắc hạ tỷ lệ đòn bẩy cũng như hạ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục, và có thể tạm thời xem xét đứng ngoài thị trường để quan sát thêm diễn biến giao dịch trong một vài phiên tới.

Phiên giao dịch 6/7 diễn ra với áp lực bán bất ngờ tăng mạnh trên toàn thị trường. Theo đó, VN-Index đóng cửa giảm 56,34 điểm (-3,99%) xuống 1.354,79 điểm, mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 28/1/2021 khi VN-Index mất 73,23 điểm (-6,67%).

Số mã giảm điểm trên sàn HoSE lên tới 350 mã, trong đó có 86 mã giảm sàn, áp đảo hoàn toàn so với số mã tăng là 59. Riêng nhóm VN30 có tới 26 mã giảm điểm, bao gồm 7 mã giảm sàn. Sau khi "thông sàn HoSE" từ ngày 5/7, chỉ số VN-Index đã trải qua 2 phiên giảm liên tiếp và mất đi tổng cộng 64,48 điểm.

Phiên giảm điểm cũng "thổi bay" hơn 240.000 tỷ vốn hóa TTCK Việt Nam, trong đó, riêng sàn HoSE bị "bốc hơi" 211.267 tỷ đồng (khoảng 9,2 tỷ USD).

Với phiên giảm "sốc" vừa qua, nhiều nhà đầu tư đã lo ngại xu hướng Uptrend trung hạn của thị trường có thể tạm chấm dứt. Trong bản tin nhận định thị trường, hầu hết CTCK đều có nhận định thận trọng với diễn biến thị trường hiện nay.

Góc nhìn CTCK: Nhà đầu tư chưa vội bắt đáy sau phiên giảm sốc, nên đưa tỷ trọng danh mục về mức cân bằng - Ảnh 1.

Nhà đầu tư chưa vội bắt đáy, đưa tỷ trọng danh mục về mức cân bằng

Theo CTCK Vietcombank (VCBS), phiên điều chỉnh giảm mạnh diễn ra khá bất ngờ và trong thời gian ngắn, khiến cho nhiều nhà đầu tư cảm thấy "không kịp trở tay". Thanh khoản phiên 6/7 cao hơn bình quân của những tuần trước nhưng vẫn tương đương với phiên trước và chưa phải là mức tăng đột biến. Do đó, VCBS kỳ vọng lực cung tiềm năng là vẫn còn và quán tính giảm điểm có thể tiếp tục trong một vài phiên tới.

VCBS cho rằng việc "bắt đáy" cổ phiếu ở thời điểm hiện tại là tương đối rủi ro, nhà đầu tư nên cân nhắc hạ tỷ lệ đòn bẩy cũng như hạ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục, và có thể tạm thời xem xét đứng ngoài thị trường để quan sát thêm diễn biến giao dịch trong một vài phiên tới.

VCBS kỳ vọng diễn biến giao dịch trên thị trường sẽ lấy lại sự ổn định sau một vài phiên và nhịp hồi phục nhiều khả năng sẽ khởi đầu từ các cổ phiếu vốn hóa lớn ghi nhận mức giảm ít hơn chỉ số chung trong phiên 6/7.

Chung quan điểm, CTCK MBS cho biết thanh khoản thị trường bùng nổ với giá tṛi khớp lệnh đạt hơn 28.673 tỷ đồng, cao nhất trong vòng 1 tháng qua. Để có được mức thanh khoản khổng lồ như vậy, hẳn phải có lực bắt đáy rất lớn, nếu không số cổ phiếu nằm sàn còn lớn hơn nữa.

Giao dịch khối ngoại diễn ra tích cực khi họ quay trở lại mua ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị gần 30 tỷ đồng. Thị trường trong nước có phiên giảm mạnh thứ 2 kể từ đầu năm, chỉ sau phiên giảm ngày 28/1.

Theo MBS, mức giảm mạnh này cũng làm gãy trend tăng kể từ tháng 4 và chỉ số có thể về ngưỡng hỗ trợ MA50 ở khu vực 1.320 điểm. Điều tích cực lúc này là hoạt động mua ròng cổ phiếu trở lại của khối ngoại. Thông thường sau các phiên giảm mạnh, thị trường sẽ có nhịp hồi để tìm điểm cân bằng, tuy vậy nhà đầu tư vẫn chưa vội bắt đáy, điều cần làm lúc này là ưu tiên quản lý rủi ro, cắt giảm margin, không bình quân giá, đưa tỷ trọng về mức cân bằng hoặc thấp.

Cũng có cái nhìn thận trọng, CTCK SHS cho biết dưới góc nhìn kỹ thuật, VN-Index xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn quanh 1.380 điểm (MA20) khiến cho tín hiệu kỹ thuật của chỉ số này trở nên kém đi và hỗ trợ tiếp theo sẽ là quanh ngưỡng 1.325 điểm (MA50). Và trên góc nhìn sóng Elliott, thị trường có khả năng đã bước sang sóng điều chỉnh a với target của sóng là quanh ngưỡng 1.210 điểm.

Tuy nhiên, sau những phiên giảm mạnh, thị trường thường sẽ xuất hiện những nhịp hồi kỹ thuật để tạm thời lấy lại một phần số điểm đã mất.

SHS dự báo trong phiên giao dịch tiếp theo 7/7, thị trường có thể sẽ giao dịch giằng co và rung lắc với biên độ trong khoảng 1.325-1.380 điểm (MA20-50). Nhà đầu tư đã bán ra cổ phiếu trong tuần trước nên hạn chế mua vào ở thời điểm hiện tại và chờ đợi những nhịp điều chỉnh sâu hơn để tham gia trở lại. Những nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn cũng nên hạn chế mua vào và nên tận dụng những nhịp tăng điểm trong tuần này để giảm tỷ trọng cổ phiếu.

Trong khi đó, CTCK Agriseco đánh giá khả năng thị trường sẽ không giảm sốc ngay trong ngắn hạn mà sẽ xuất hiện những nhịp hồi kỹ thuật. Đây là cơ hội để nhà đầu tư thu gọn danh mục cổ phiếu, tăng tỷ trọng tiền mặt, tránh các mã đầu cơ đã tăng nóng và chỉ tập trung vào các cổ phiếu nhiều triển vọng KQKD Quý 2. Một số ngành được kỳ vọng sẽ hồi phục tốt sau dịch bệnh được kiểm soát như khu công nghiệp, hàng không, bán lẻ có thể mua gia tăng tại các nhịp điều chỉnh.

Có thể xuất hiện hồi kỹ thuật

Có cái nhìn tích cực hơn, CTCK Bản Việt (VCSC) dự báo thị trường pihên 7/7 có thể sẽ tiếp tục quán tính giảm điểm trong phiên sáng để VN-Index kiểm định hỗ trợ trung hạn MA50 ngày cũng như mức đáy gần nhất tại 1320-1325 điểm.

Sau đó, VCSC kỳ vọng lực cầu giá thấp được thúc đẩy từ các hỗ trợ sẽ dần mạnh lên giúp cho thị trường sẽ thu hẹp đà giảm về phía cuối ngày. Ở những phiên sau đó, VN-Index sẽ có xu hướng kiểm định lại kháng cự của đường MA20 ngày tại khu vực 1380 điểm. Nếu không thể vượt trở lại lên trên mốc này trong khoảng 3-5 phiên tới, VCSC cho rằng VN-Index sẽ tiếp tục có những nhịp giảm điểm tiếp theo. Vì vậy, nhà đầu tư ngắn hạn cần theo dõi kỹ các nhịp hồi phục của thị trường để có những quyết định cơ cấu danh mục phù hợp.

CTCK Rồng Việt (VDSC) cho rằng nhịp điều chỉnh này của thị trường là cơ hội cho các NĐT cơ cấu lại danh mục, hoặc có thể mua vào các cổ phiếu tốt có kết quả KD Q2 tích cực để đem lại hiệu quả đầu tư trong tương lai.

Trong khi đó, CTCK BIDV (BSC) dự báo lực cầu bắt đáy vẫn có thể xuất hiện vào những phiên tới và giúp VN-Index hồi phục trở lại về trên ngưỡng 1.370 điểm.

Minh Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên