MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Góc nhìn CTCK: Thanh khoản giảm sút, VN-Index không dễ "vượt ải" 1.510 điểm

Góc nhìn CTCK: Thanh khoản giảm sút, VN-Index không dễ "vượt ải" 1.510 điểm

Các Công ty chứng khoán cho rằng với việc tăng điểm nhưng không đi kèm thanh khoản sẽ khiến xu hướng tăng khó bền vững và VN-Index có thể gặp những rung lắc mạnh tại vùng 1.510 điểm.

Phiên đáo hạn phái sinh 17/2 diễn ra khá tích cực khi chỉ số VN-Index tăng gần 16 điểm (1,06%) và vượt qua mốc 1.500 điểm. Cùng với sự bứt phá về điểm số, giao dịch khối ngoại cũng đáng chú ý khi họ mua ròng 800 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Dù vậy, thanh khoản thị trường vẫn khá thấp với giá trị giao dịch trên sàn HoSE chỉ đạt hơn 19.000 tỷ đồng cho thấy nhà đầu tư vẫn chưa quá hào hứng với thị trường.

Trong bản tin nhận định, hầu hết Công ty chứng khoán đều cho rằng với việc tăng điểm nhưng không đi kèm thanh khoản sẽ khiến xu hướng tăng khó bền vững và VN-Index có thể gặp những rung lắc mạnh tại vùng 1.510 điểm.

Góc nhìn CTCK: Thanh khoản giảm sút, VN-Index không dễ vượt ải 1.510 điểm - Ảnh 1.

Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường tăng mạnh nhưg việc thanh khoản thị trường ở mức thấp cho thấy dòng tiền ít nhiều vẫn thận trọng. VDSC dự báo VN-Index sẽ kiểm tra lại vùng đỉnh gần đây là 1.512 điểm, diễn biến xoay quanh ngưỡng này và tạm thời có thể vẫn gặp khó khăn. Ngoài ra, diễn biến phân hóa có thể tiếp tục trong thời gian tới.

Do vậy, VDSC cho rằng nhà đầu tư tạm thời nên thận trọng áp lực quanh vùng cản, ngoài ra nên ưu tiên mức độ quan tâm đến các cổ phiếu có tín hiệu tốt sau nền tích lũy để tận dụng trạng thái phân hóa của thị trường.

Chung quan điểm, Chứng khoán Agriseco cho rằng VN-Index đã chinh phục mốc cản 1.500 điểm với một cây nến xanh Bullish Engulfing, cho thấy phe mua đang hoàn toàn chiếm ưu thế. Hiện tại, VN-Index đã chạm cạnh trên của mẫu hình tam giác, do đó có khả năng phiên tiếp theo (18/2) chỉ số sẽ tăng nhẹ đầu phiên và sẽ chịu sự điều chỉnh khi tiệm cận vùng 1.510 điểm. Các thông tin tiêu cực từ địa chính trị thế giới cũng có thể ảnh hưởng đến phiên giao dịch 18/2 khi xuất hiện những diễn biến mới. Do đó, Agriseco khuyến nghị nhà đầu tư nên theo dõi thị trường và tận dụng những nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng với các mã có nền tảng tốt và tiềm năng trong năm 2022.

Tương tự, Chứng khoán BIDV (BSC) dự báo trong những phiên tới, thị trường sẽ tích lũy quanh vùng 1.480 – 1.510 điểm để lấy sức mạnh trước khi có thể vượt qua các ngưỡng kháng cự tiếp theo.

Trong khi đó, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá thị trường phiên 17/2 dù tích cực nhưng vẫn còn khá "mong manh" khi mà nhà đầu tư vẫn còn dè dặt do lo ngại rủi ro liên quan đến triển vọng thị trường trong giai đoạn tới, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid - 19 tại Việt Nam tiếp tục xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp. Hiện vẫn có khá nhiều cổ phiếu vốn hóa hóa vừa và nhỏ tăng giá, phần nào mở ra cơ hội "giữ chân" dòng tiền trên thị trường.

VCBS cho rằng nhà đầu tư có thể cân nhắc tận dụng nhịp điều chỉnh của thị trường để tích lũy thêm những cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tốt trong năm 2022 khi giá rơi về mức chiết khấu hợp lý, tuy nhiên trong bối cảnh xu hướng chung của chỉ số là chưa thực sự rõ ràng, chiến lược đầu tư trong giai đoạn này nên thiên về giao dịch "lướt sóng", và cần sẵn sàng hạ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục nếu chỉ số chung ghi nhận phiên giảm điểm mạnh và bất ngờ với thanh khoản gia tăng đột biến.

Cũng với quan điểm thận trọng ngắn hạn, Chứng khoán SHS dự báo phiên cuối tuần (18/2), thị trường có thể sẽ có sự căn chỉnh lại về mặt điểm số với việc VN-Index điều chỉnh nhẹ với ngưỡng hỗ trợ gần nhất 1.500 điểm.

Về chiến lược giao dịch, SHS khuyến nghị các nhà đầu tư đã tham gia mua vào trước Tết trong các phiên 12/1, 18/1 và 24/1 có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại và đứng ngoài quan sát thị trường. Vùng kháng cự tiếp theo trong khoảng 1.530-1.550 điểm sẽ là vùng chốt lời hợp lý trong giai đoạn hiện tại.

https://cafef.vn/goc-nhin-ctck-thanh-khoan-giam-sut-vn-index-khong-de-vuot-ai-1510-diem-20220217231103814.chn

Bảo Sơn

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên