Góc nhìn CTCK: Thị trường biến động khó lường, nhà đầu tư giữ tỷ trọng danh mục an toàn để phòng ngừa rủi ro
Chứng khoán MBS cho rằng sau khi mất ngưỡng MA50, vùng hỗ trợ tiếp theo cho VN-Index có thể ở 1.465 điểm – 1.470 điểm. Nhà đầu tư nên hạn chế lướt sóng, tập trung ở nhóm cổ phiếu nhỏ với các cổ phiếu liên quan đến nhóm hàng hóa cơ bản.
Phiên giao dịch 2/3 diễn ra không mấy tích cực trước những lo ngại tác động từ xung đột Nga – Ukraine. Chỉ số VN-Index đóng cửa giảm 13,26 điểm (-0,88%) xuống 1.485,52 điểm với thanh khoản tăng vọt, giá trị khớp lệnh trên sàn HoSE lên gần 30.000 tỷ đồng, mức cao nhất từ Tết nguyên đán tới nay.
Giao dịch khối ngoại cũng là điểm trừ khi họ bán ròng gần 1.200 tỷ đồng càng làm diễn biến thị trường thêm phần ảm đạm.
Với bối cảnh khó lường trước các biến động quốc tế như hiện nay, các Công ty chứng khoán cho rằng nhà đầu tư cần thận trọng và giữ tỷ trọng danh mục ở mức an toàn để phòng ngừa các rủi ro có thể xảy ra.
Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), mặc dù mức giảm của VN-Index chưa lớn nhưng vẫn tạo rủi ro cho thị trường, đặc biệt là nhóm VN30 giảm dưới vùng hỗ trợ 1.505 điểm. Trạng thái tranh chấp có thể sẽ tiếp diễn trong phiên giao dịch tiếp theo nhưng thị trường có khả năng vẫn chịu áp lực từ vùng cản 1.490 – 1.495 điểm đối với VN-Index và vùng 1.505 điểm đối với VN30-Index.
Với áp lực bán đang hiện hữu và rủi ro thị trường đang dần tăng, VDSC cho rằng nhà đầu tư vẫn cần thận trọng và cân nhắc các yếu tố rủi ro. Đồng thời tiếp tục cân nhắc giữ tỷ trọng danh mục ở mức an toàn để phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra.
Cũng với quan điểm thận trọng, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá lực bán mạnh trên thị trường vào cuối phiên sáng 2/3 cho thấy nhà đầu tư đang rất "nhạy cảm" với những thông tin tiêu cực trong giai đoạn này. Trong bối cảnh căng thẳng Nga – Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì tin tức trên thị trường trong nước hoặc liên quan đến các doanh nghiệp nội địa sẽ rất được nhà đầu tư chú ý trong giai đoạn này.
Lực cầu bắt đáy tăng mạnh tại vùng hỗ trợ 1.470 – 1.480 điểm là điểm tích cực nhưng vẫn là chưa đủ động lực để thúc đẩy thị trường đi lên mạnh mẽ trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ như hiện tại.
VCBS khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn có thể chủ động hạ tỷ trọng ở các cổ phiếu đã đạt mục tiêu lợi nhuận và chờ đợi thêm những tín hiệu mới từ thị trường trước khi quay trở lại tiếp tục giải ngân. Mặt khác, một mặt bằng giá mới đang được hình thành quanh ngưỡng hỗ trợ 1.480 điểm của VN-Index, và theo đó nhà đầu tư theo trường phái đầu tư dài hạn vẫn có thể nắm giữ các cổ phiếu mục tiêu trong những phiên tới, chỉ nên xem xét gia tăng tỷ trọng cổ phiếu một cách chậm rãi nếu giá rơi về những vùng hỗ trợ ngắn hạn trong phiên.
Trong khi đó, Chứng khoán MBS cho rằng sau khi mất ngưỡng MA50, vùng hỗ trợ tiếp theo cho VN-Index có thể ở 1.465 điểm – 1.470 điểm. Nhà đầu tư nên hạn chế lướt sóng, tập trung ở nhóm cổ phiếu nhỏ với các cổ phiếu liên quan đến nhóm hàng hóa cơ bản. Tương tự, Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết VN-Index đã đóng cửa dưới đường MA50 và nếu chỉ số không bật lên khỏi ngưỡng này trong những phiên tới thì rất có thể sẽ tiếp tục tụt xuống ngưỡng hỗ trợ tiếp theo là 1.475 điểm.
Với Chứng khoán SHS, công ty này nhận định tình hình giữa Nga và Ukraine sẽ tiếp tục là vấn đề đáng lưu tâm nhất thời điểm hiện tại đối với giới đầu tư. Những động thái theo hướng giảm căng thẳng cũng như leo thang căng thẳng có thể sẽ "lái" thị trường theo hướng mà không ai có thể đoán trước được. Tuy nhiên, nếu theo dõi kỹ thì có thể thấy là thị trường Việt Nam phản ứng khá tốt trước những thông tin tiêu cực ra gần đây khi chỉ điều chỉnh nhẹ và nhanh chóng bật lên phiên sau đó.
Điểm đáng lo ngại lúc này là việc nhóm ngân hàng đang có dấu hiệu bị bán tương đối mạnh thể hiện qua việc thanh khoản nhóm này gia tăng mạnh trong phiên 2/3, còn các nhóm ngành khác nhìn chung vẫn tương đối ổn.
Trong phiên giao dịch tới, SHS cho rằng VN-Index có thể sẽ biến động giằng co và rung lắc với biên độ trong khoảng 1.450-1.500 điểm để ổn định cung cầu.