MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Góc nhìn của doanh nghiệp Việt về môi trường kinh doanh như thế nào?

Các doanh nghiệp, đại diện doanh nghiệp đã giãi bày những khó khăn liên quan đến môi trường kinh doanh.

Môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã được nhiều tổ chức trong, ngoài nước nhận định có nhiều cải thiện vượt bậc. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn, mà chỉ có doanh nghiệp, thông qua hoạt động thực tiễn mới cảm nhận hết được.

Khó chồng lên khó khi thời hội nhập

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng, dường như những khó khăn mới đã chồng lên khó khăn cũ.

Là một người tâm huyết với doanh nghiệp Việt, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đưa ra một số vấn đề mà các doanh nghiệp đang gặp phải trong bối cảnh hiện nay.

Thứ nhất, mặc dù đã hội nhập sâu, rộng, nhưng doanh nghiệp vẫn thiếu cập nhật thông tin về chính sách, thể lệ, quy định mới về kinh doanh của các nước cũng như  thị trường các nước.

"Đối với các quốc gia khác, họ đã cung cấp thông tin khá hiệu quả, trong khi chúng ta đang để doanh nghiệp tự mò mẫm", bà cho biết.

Thứ hai là những hiểu biết về tiêu chuẩn, quy trình, yêu cầu mới về chất lượng sản phẩm. Nghĩa là doanh nghiệp đang bị bối rối trước các tiêu chuẩn khắp các thị trường. Đơn cử như truy xuất nguồn gốc, tính an toàn thực phẩm. Doanh nghiệp, đặc biệt là người nông dân Việt hiện đang rất xa lạ về những vấn đề này. Thậm chí, theo bà Hạnh, họ cho rằng giấy tiêu chuẩn là thứ mất thời gian và tìm cách để "linh hoạt", trong khi điều này là bất khả khi muốn xuất khẩu sang các nước.

Thứ ba, Việt Nam không có hiệp hội hoặc hiệp hội không mạnh, gây cản trở trong việc cạnh tranh. Lấy ví dụ ở Mỹ, bà nói rằng hàng hoá vào nước họ chưa chắc bị chính phủ làm khó, thay vào đó là các hiệp hội sở tại.

Thứ tư là về hệ thống thương mại đồng hành. Theo đó công ty phân phối lớn ở các quốc gia đều sử dụng người bản địa, trong khi Việt Nam thì không có. Với các công ty nhỏ sẽ khiến người ta cảm thấy không đang tin khi xem xét chất lượng sản phẩm

Những vấn đề cuối cùng thuộc về công nghệ thông tin cũng như là thương mại tiểu ngạch sang một số nước.

Những bất lợi của doanh nghiệp, một phần theo bà Hạnh đến từ những chính sách chưa hợp lý.

"Chúng ta nên xét lại những cái gì bất khả thi, cái gì là khả thi khiến cho doanh nghiệp giảm lợi thế. Đôi khi tôi có cảm giác chúng ta đưa ra chính sách mà không xem xem nó có khó cho doanh nghiệp hay không. Khó cho doanh nghiệp tức là khó cho nền kinh tế. Ít khi vấn đề này được người ta xem xét", bà nói.

Không cần phức tạp, chỉ cần học tập các nước láng giềng  

Du lịch với những chính sách mở như Thái Lan dường như là mơ ước đối với các doanh nghiệp Việt Nam. "Ngành du lịch Việt đã phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, phụ  thuộc rất nhiều vào chính sách", ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định. Một trong những điểm nghẽn liên tục được nhắc đến hiện là visa.

Theo ông, hiện Việt Nam chỉ mới miễn visa cho 22 nước, trong khi đó, những nước láng giềng như Thái Lan lại có chính sách thông thoáng khi miễn thị thực cho 57 quốc gia. Khảo sát cho thấy nhiều du khách nước ngoài cho rằng thủ tục visa là một trong những yếu tố cản trở họ quyết định đến một quốc gia nào đó. "Chính bởi vậy, chúng ta đang phải cạnh tranh bất bình đẳng về du lịch với các quốc gia láng giềng", ông Bình nói.

Bên cạnh đó, dù là ngành được xem là mũi nhọn, nhưng các chính sách hỗ trợ cho ngành du lịch còn yếu và thiếu. Ví dụ như chính sách nguồn nhân lực, các vấn đề về xúc tiến khi quỹ được dàng cho quá ít ỏi, trong khi các nước gấp vài chục lần. Mặt khác, việc quản lý của các cơ quan chức năng, theo ông Bình là chưa hiệu quả, khiến cho tình trạng cạnh tranh không lành mạnh diễn ra, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Vị Phó chủ tịch hiệp hội này cho rằng rằng cần phải có chính sách phá đi những điểm nghẽn này để ngành du lịch thực sự trở thành mũi nhọn. Ông cũng nhấn mạnh không cần đi đâu xa, chỉ cần học tập các nước xung quanh, là được.  

Nam Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên